Người nhà bệnh nhân cho biết, cụ T. có biểu hiện mệt mỏi đã nhiều ngày nhưng không đi khám mà ở nhà tự uống thuốc theo đơn cũ. Tới khi đau tức ngực không thể thở được, ông T. mới nhập viện điều trị. Khi được đưa tới Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) cấp cứu ngày 1/5/2020, bệnh nhân đã suy tim, suy hô hấp. Các kết quả xét nghiệm, chụp chiếu cho thấy bệnh nhồi máu cơ tim diễn biến nặng, cơ tim bị tổn thương ít khả năng phục hồi.
TS.BS Bùi Long - Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, các bác sĩ đã cấp cứu khẩn trương cho bệnh nhân, hồi sức tích cực, hỗ trợ thở máy và sử dụng thuốc vận mạch… nhưng đáng tiếc là người bệnh đã không qua khỏi do nhập viện quá muộn.
TS.BS Bùi Long thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Tim mạch can thiệp. Ảnh minh họa
Theo TS.BS Bùi Long, nhồi máu cơ tim xảy ra khi động mạch vành tắc đột ngột, làm ngưng dòng máu nuôi cơ tim dẫn đến làm chết tế bào cơ tim. Phương pháp điều trị hiệu quả duy nhất là can thiệp động mạch vành qua da, tái thông động mạch vành kịp thời để có máu nuôi cơ tim. Ở trường hợp này, bệnh nhân T. còn bị sốc tim dẫn đến suy đa tạng như suy thận, suy gan. Khi bệnh nhân đã sốc tim, việc can thiệp tái thông động mạch vành khó khăn hơn rất nhiều, thủ thuật hiệu quả thấp, nguy cơ biến chứng, tử vong cao.
Người cao tuổi mắc bệnh nền cần cảnh giác
Thời gian khám bệnh từ thứ Hai đến thứ Sáu: 07h30-16h30; thứ Bảy: 08h00-12h00.
TS.BS Bùi Long cảnh báo tình trạng người cao tuổi không đi khám do e ngại dịch COVID-19 đã để lại hậu quả nặng nề. Trong khi đó, đa số các bệnh nhân tim mạch thường mắc thêm bệnh nền khác như: tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch… nên việc điều trị rất khó khăn. Một số bệnh nhân có triệu chứng không điển hình như mệt mỏi, không có cảm giác đau ngực cấp, hơi khó thở nên thường bỏ qua, cho rằng không phải biểu hiện của bệnh nên không đi khám.
“Nếu không được phát hiện sớm, cơ tim bị tổn thương nặng, bệnh nhân sẽ không qua khỏi hoặc nếu có vượt qua cơn nguy hiểm thì phải điều trị hồi sức tích cực lâu dài và tốn kém” – chuyên gia tim mạch cho hay.
Vì vậy, TS.BS Bùi Long khuyến cáo người cao tuổi có bệnh lý tim mạch nền, đặc biệt là bệnh động mạch vành… cần chú ý các dấu hiệu bất thường như: huyết áp dao động, nhịp tim không ổn định, mệt mỏi vô cớ, hoạt động bình thường thấy mệt, tức ngực… thì nên tới bệnh viện cấp cứu, khám sớm để chẩn đoán bệnh nhồi máu cơ tim, phối hợp điều trị nhằm tăng cao cơ hội sống sót.
Người thân cũng cần chú ý tình trạng sức khỏe của người cao tuổi, phát hiện sớm bất thường về tim mạch và vấn đề sức khỏe toàn thân để đi khám kịp thời.
Để phòng bệnh tim mạch, bác sĩ lưu ý người dân nên ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, tránh các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, không căng thẳng quá mức và nên rèn luyện thể lực vừa sức. Lưu ý, khi đi tập thể dục, cần thực hiện những biện pháp phòng dịch bệnh được Bộ Y tế khuyến cáo như đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân.
– Không nên tham gia các lễ hội, du lịch hoặc đến những nơi đông người.
– Nếu người già, người mắc bệnh mạn tính đang nằm viện thì người thân nên hạn chế đến thăm, để tránh mang theo virus lây bệnh.
– Duy trì các điều trị thường quy như uống thuốc, thăm khám đúng lịch. Chẳng hạn, những người đang mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp… cần uống thuốc điều trị bệnh đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.
– Tránh xa các nguồn lây nhiễm bệnh, những người có triệu chứng ho, sốt…