Trao đổi với phóng viên ngày 28/5, PGS. TS Bùi Vũ Huy - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, một cháu bé 12 tuổi (dân tộc Mường, sống tại Hoà Bình) tử vong sau một tuần vào viện và trường hợp cháu bé 9 tuổi (dân tộc Mông, Lạng Sơn) tử vong chỉ nửa ngày nhập viện.
“Các cháu bé này đều ở giai đoạn rõ rệt của bệnh dại, bị kích thích tinh thần, hoảng hốt, sợ nước, sợ gió rất rõ. Dù được các bác sĩ tích cực hỗ trợ nhưng cả hai cháu đều tử vong”- BS Huy nói
Chủ quan khi bị chó cắn sẽ mang lại nhiều hiểm họa khôn lường
Các chuyên gia cho hay, qua khai thác tiền sử, gia đình hai cháu đều không biết con mình bị chó cắn. Riêng với gia đình cháu bé 12 tuổi, bị chó cắn, sau đó 13 ngày con chó chết, khi trẻ có biểu hiện bất thường, cha mẹ mới đưa con đến cơ sở y tế.
Còn trường hợp cháu bé 9 tuổi ở Lạng Sơn, gia đình có nuôi chó mẹ và đàn chó con. Khi chó mẹ có biểu hiện ốm, gia đình bán đi và giữ đàn chó con tiếp tục chăm sóc. Trong quá trình chăm sóc chó, cháu nhỏ bị một con chó con gặm vào tay nhưng cũng không nói lại với gia đình.
PGS. TS Bùi Vũ Huy cho biết, chỉ trong một tuần đã có 2 cháu tử vong vì bệnh dại là chuyện rất bất thường. Lí do chủ yếu do gia đình, cộng đồng chưa có ý thức nhiều trong phòng chống bệnh dại.
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại. Các trường hợp tử vong do bệnh dại do không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại.
“Chính vì vậy, để phòng tránh bệnh một cách tốt nhất, biện pháp duy nhất có hiệu quả để ngăn ngừa người bị bệnh dại là khi bị phơi nhiễm với vi rút dại do bị con vật cắn, cào, liếm trên da và niêm mạc bị tổn thương hoặc chăm sóc con vật bị ốm, nghi bị bệnh dại,… người đó phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối đặc, các chất sát khuẩn như cồn y tế, cồn i-ốt... Sau đó đến cơ sở y tế để được khám và có chỉ định phác đồ điều trị dự phòng hợp lý càng sớm càng tốt”- BS Bùi Vũ Huy khuyến cáo.
Đồng thời BS Huy cũng khuyến cáo: Do thời gian ủ bệnh dài nên các trường hợp bị nhiễm vi rút dại nhưng chưa có triệu chứng dại vẫn nên đi tiêm vắc xin phòng dại để tạo miễn dịch trước khi vi rút dại xâm nhập hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, người nghi ngờ bị dại tuyệt đối không đi chữa thuốc nam.
Các chuyên gia khuyến cáo việc tiêm phòng dại cho chó mèo cũng là một trong các giải pháp để ngăn ngừa bệnh dại
Khi chó nghi dại/dại chết phải chôn sâu đổ vôi bột để sát khuẩn. Tuyệt đối không làm thịt chó ốm nghi dại vì trong quá trình làm thịt sẽ bị lây nhiễm vi rút qua các vết thương. Đặc biệt, khi chó, mèo bị dại thường rất hung dữ, cắn nhiều người và các vật khác như chó, mèo, trâu, bò, lợn, ngựa... sẽ gây ra ổ dịch dại ở động vật lưu truyền năm này sang năm khác, đó là nguyên nhân chính khiến bệnh dại lưu hành. Vì vậy, việc xử lý triệt để ổ dịch dại ở động vật là quan trọng nhất.
Người dân cũng không nên bán hoặc di chuyển chó, mèo ốm, nghi dại nhằm giảm nguy cơ lây truyền bệnh dại cho người và lây lan bệnh dại ở các con vật khác ở nhiều vùng khác. Chó, mèo nuôi phải tiêm vắc xin phòng dại liên tục hàng năm theo đúng quy định của ngành thú y sẽ tạo được miễn dịch bảo vệ cho chó không bị bệnh dại.