Cảnh báo: Chấn thương khi chơi bóng đá khiến lỏng gối trái

17-10-2018 14:45 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Các bác sĩ bác sĩ khoa Y học thể thao, Bệnh viện Nhân Dân 115 vừa phẫu thuật cho bệnh nhân bị chấn thương khi chơi bóng đá, bệnh nhân bị sưng đau, lỏng gối trái. Chẩn đoán hình ảnh cho thấy: đứt dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, rách sụn chêm gối trái.

Cách đây nửa tháng, anh N.T.K (28 tuổi) chơi đá bóng, bị té ngã. Anh K. bị sưng đau, lỏng gối trái, ngày càng tăng nhiều, dữ dội và vận động khó khăn nên bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nhân Dân 115. Trước đó, anh K. đã có tiền căn phẫu thuật dây chằng chéo trước gối phải năm 2010.

Qua thăm khám, bác sĩ khoa Y học thể thao nhận thấy bệnh nhân sưng đau, lỏng gối trái.  Kết quả chụp MRI: đứt dây chằng chéo trước, đứt dây chằng chéo sau, rách sụn chêm trong độ 3 gối trái.

Hình ảnh tổn thương khớp gối của bệnh nhân.

Sau khi có chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, rách sụn chêm gối trái, các bác sĩ khoa Y học thể thao đã phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, tạo hình sụn chêm gối trái.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, gối trái sưng nhẹ, mạch mu chân rõ. Hiện tại anh K. đi lại được bằng 2 nạng, gối trái co được khoảng 90 độ. Dự kiến, nếu phục hồi tốt và tập vật lý trị liệu đúng cách thì khoảng 8-9 tháng sau, anh K. có thể chơi bóng đá trở lại.

Các bác sĩ khoa Y học thể thao - Bệnh viện Nhân Dân 115 khuyến cáo: Đối với những người chơi bóng đá không chuyên nghiệp, trước khi chơi bóng cần phải khởi động thật kỹ và hạn chế các pha tranh chấp bóng quá sức để tránh các chấn thương đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo các bác sĩ, không có môn thể thao nào an toàn tuyệt đối với người tập nếu tập luyện không đúng cách cũng như không khởi động kỹ trước khi tập. Nguyên nhân của những chấn thương do tập thể thao thường là chủ quan, không có ý thức đề phòng chấn thương, khởi động chưa đúng, chưa đủ, thậm chí kỹ thuật chơi chưa tốt cũng dẫn tới chấn thương.

Chấn thương do đá bóng xử lý thế nào?
Nhiều người đá bóng nghiệp dư, khi gặp chấn thương ở sân bóng có những xử trí sai lầm như xoa dầu nóng để giảm sưng đau, hoặc cố chịu đau để chơi hết hiệp, có người không có hiểu biết mà tự nắn chỉnh khớp khi nghi ngờ trật khớp…. các bác sĩ cho rằng, đây là những hiểu biết và xử trí sai lầm của người chơi thể thao nói chung. Tuy nhiên không phải chấn thương nào cũng tự ý xử lý được, có những chấn thương nếu không đưa người bị nạn vào các cơ sở y tế đúng cách sẽ làm trầm trọng tổn thương.
Chấn thương phân ra 3 loại là chấn thương phần mềm, chấn thương khớp và chấn thương xương. Hai loại chấn thương sau cần phải cố định và đưa người bệnh đến cơ sở y tế để chữa trị đúng cách. Riêng về chấn thương phần mềm, có hơn 80% các chấn thương thể thao thuộc về phần mềm, đó là tổn thương gân, cơ, dây chằng với nhiều mức độ khác nhau, có thể do va chạm trực tiếp hoặc bị kéo căng quá mức, vặn xoắn, co rút đột ngột …
Chấn thương phần mềm được phân loại từ độ 1 đến độ 3, thường là giãn rất nhẹ gân, cơ dây chằng, trong đó độ 1 thường có cảm giác đau thoáng qua, không ảnh hưởng sinh hoạt bình thường, vùng bị thương chưa quá sưng, bầm hoặc chỉ đau nhiều khi vận động nặng, chịu lực lớn, số lượng bó sợi bị rách 25%, có thể tự khỏi sau 1 – 2 tuần được xử trí đúng theo phác đồ R.I.C.E; Chấn thương độ 2 gồm sưng bầm tụ máu tại chỗ, đau nhiều, giới hạn một phần vận động của cơ, mất vững một phần của khớp, mức độ này dây chằng (gân, cơ) bị rách từ 25% đến 75% số sợi. Chấn thương độ 3 các dấu hiệu tăng lên nhiều, khớp sưng nhiều, mất vững và có thể bị bán trật hoặc trật khớp hoàn toàn . Đứt hoàn toàn số sợi gân - cơ hay dây chằng.


Minh Tùng
Ý kiến của bạn