Hà Nội

Cảnh báo các chiêu lừa... xin việc

25-03-2013 21:17 | Thời sự
google news

Nếu như trước kia, nhiều trung tâm giới thiệu việc làm trưng biển tuyển lao động, giới thiệu việc làm “lừa” những người lao động nhẹ dạ bằng cách nộp hồ sơ, dẫn đi vòng vo không đúng địa điểm để lấy tiền phí của người lao động thì nay, việc lừa đảo xin việc đã được những đối tượng này “nâng cấp” với mức độ tinh vi hơn rất nhiều.

Nếu như trước kia, nhiều trung tâm giới thiệu việc làm trưng biển tuyển lao động, giới thiệu việc làm “lừa” những người lao động nhẹ dạ bằng cách nộp hồ sơ, dẫn đi vòng vo không đúng địa điểm để lấy tiền phí của người lao động thì nay, việc lừa đảo xin việc đã được những đối tượng này “nâng cấp” với mức độ tinh vi hơn rất nhiều. Không cần mở trung tâm cho tốn tiền thuê mặt bằng, các đối tượng lừa đảo này chỉ giỏi lẻo mép, quen ông này, bà kia là có thể “giúp” được người có nhu cầu cần việc.

20 năm tù cho trùm lừa đảo

Vừa qua, TAND tỉnh Nghệ An đã đưa vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra xét xử, tuyên phạt Bùi Xuân Lâm (35 tuổi) - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An (trú tại xóm 2, xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn) 20 năm tù giam. Với cái mác của mình, Lâm đã nhận tiền và hứa chạy việc cho 195 lao động. Tổng số tiền Lâm lừa đảo gần 10 tỷ đồng nhưng không hề chạy được việc cho bất kỳ một ai.

Cảnh báo các chiêu lừa... xin việc 1
Thông tin tuyển dụng việc làm luôn được nhiều người quan tâm (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Bằng cách rêu rao có quan hệ với nhiều quan chức và bản thân sắp lên làm Giám đốc Trung tâm, từ năm 2009 - 2012, Bùi Xuân Lâm đã lừa đảo hàng trăm người dân với chiêu bài chạy việc. Thủ đoạn của Lâm là lên mạng và tìm hiểu qua kênh bạn bè về các chương trình đào tạo của các ngành, chỉ tiêu, tiêu chuẩn tuyển dụng lao động vào các cơ quan, ban, ngành, rồi cách thức thi công chức tại tỉnh Nghệ An. Sau đó, Lâm lừa dối nhiều người là có khả năng xin việc cho các sinh viên vừa tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm. Lâm hứa hẹn với nhiều người rằng sẽ “sắp xếp” vào các vị trí ở nhiều cơ quan, ban, ngành của tỉnh và huyện khác nhau... Với chức danh là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An nên đối tượng này đã được nhiều người tin tưởng giao tiền nhờ xin việc. Sau khi lừa đảo được gần 10 tỷ đồng, tháng 1/2012, Lâm làm đơn xin nghỉ việc rồi bỏ trốn khỏi nơi cư trú, cuối năm 2012 thì ra đầu thú. Tại cơ quan điều tra, Lâm khai nhận, số tiền hơn 10 tỷ đồng chiếm đoạt được Lâm dùng để trả nợ kinh doanh thua lỗ, trả tiền lãi vay nóng của nhiều người. Lâm cũng chi hơn 1,5 tỷ đồng cho các cuộc nhậu nhẹt, chơi bời để khuếch trương thanh thế...

“Buôn nước bọt” cướp tiền

Có thể nhắc lại vụ án Nguyễn Thị Mai (SN 1980, quê ở Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh, tạm trú tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lừa đảo xin việc cho những người muốn làm việc ở trong các bệnh viện tại Hà Nội để chiếm đoạt tài sản lên tới hàng trăm triệu đồng đã bị CAQ Đống Đa khám phá để hiểu thêm hành vi của loại tội phạm “buôn nước bọt” này. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Dược, Mai làm trình dược viên chuyên bán thuốc cho một số bệnh viện ở Hà Nội. Trong thời gian đi giao thuốc cho cửa hàng thuốc trong các bệnh viện, nắm bắt được nhu cầu về việc làm của những bác sĩ, y tá muốn chuyển đơn vị công tác hoặc xin vào các bệnh viện lớn hơn để làm nên Mai tìm cách lừa đảo chiếm đoạt tài sản của họ. Với mỗi người có nhu cầu xin việc, Mai đều bịa ra rằng bản thân mình quen biết với lãnh đạo bệnh viện, đặc biệt là những người trong Phòng Tổ chức cán bộ, có khả năng thu xếp việc. Nhằm tạo niềm tin từ người lao động cần việc làm, Mai đều hẹn người bị hại đến cổng các bệnh viện nơi người lao động đang muốn xin vào làm để nói chuyện, bàn bạc công việc. Tinh vi hơn, Mai còn thuê một người khác mạo nhận là lãnh đạo của bệnh viện cùng đến cho người lao động gặp gỡ. Để tạo cảm giác “an toàn” chắc chắn cho người lao động, cứ mỗi lần nhận tiền xong từ họ, Mai còn đề nghị người lao động tổ chức một bữa cơm gặp gỡ thân mật với một số “đối tác” làm lãnh đạo trong bệnh viện đó để cảm ơn. Tin lời Mai cũng như vị “lãnh đạo” bệnh viện giả mạo, nhiều người lao động đã nộp cho Mai với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng để nhờ Mai xin việc. Vụ việc chỉ bị phát giác khi những lời hứa và thời gian Mai bảo người lao động chờ đợi nhận việc cứ kéo dài ngày này qua năm khác. Mới đây nhất, Phòng CSHS, Công an tỉnh Sơn La cho biết, đang tích cực điều tra vụ Lưu Thị Hồng (trú tại bản Híp, Chiềng Ngần, Sơn La) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, từ tháng 4/2011 đến tháng 1/2012, Hồng đã nhận tiền, hồ sơ của nhiều người, hứa hẹn xin việc làm với số tiền chiếm đoạt là 620 triệu đồng. Hiện Phòng CSHS đã ra quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Lưu Thị Hồng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cảnh báo các chiêu lừa... xin việc 2
Công an đọc lệnh bắt tạm giam đối tượng lừa đảo xin việc làm.

Đồng tiền đi trước không phải là khôn!

“Nếu người lao động, những người có nhu cầu về việc làm chịu khó tìm hiểu kỹ cũng như sàng lọc thông tin về công việc hay các đối tượng hứa giúp tìm việc cho thì sẽ hạn chế được rất nhiều những hậu quả đáng tiếc, thậm chí là đau lòng có thể xảy ra” - một điều tra viên của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH CATP Hà Nội phân tích. Mặc dù vậy, với tâm lý đang rất cần việc làm nên rất ít người lao động có thể sáng suốt suy tính thấu đáo mọi chuyện cũng như lường trước những hậu quả có thể xảy ra. Khi đó, trong suy nghĩ của người lao động chỉ có câu hỏi là bao giờ có việc, khi nào thì mình được nhận vào làm... Nắm bắt được điểm yếu này nên nhiều đối tượng lừa đảo thường “tung hứng” về thời gian, địa điểm cũng như lên những kế hoạch lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản của người lao động hết sức tinh vi.

Chỉ huy Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV-CATP Hà Nội đánh giá, từ thực tế phá những vụ án liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là giả vờ xin việc cho để lừa đảo, gây án thường rất khó khăn và phần thiệt thòi bao giờ cũng về phía người lao động. Sau khi phát hiện mình bị lừa, đại đa số những người lao động đều bị thiệt hại, không lấy lại được tiền và thậm chí bỏ mạng. Trong những “mối” xin việc này, người lao động thường xuyên giữ kín và chỉ lộ ra khi sự việc không thành, vỡ lở, do đó ảnh hưởng rất nhiều đến công tác điều tra khám phá án. Tìm việc, muốn có một công việc phù hợp với bản thân là một nhu cầu hết sức chính đáng của tất cả người lao động. Tuy nhiên, để ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra thì ngoài trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc giám sát, kiểm tra và xử lý thì mỗi người lao động cần phải tỉnh táo, cảnh giác với những lời hứa đường mật, không có căn cứ.    

Phan Tâm


Ý kiến của bạn