Bệnh nhân Phạm Văn H. (31 tuổi, ngụ tại TP.HCM) trong lúc làm vệ sinh bồn cầu bị hóa chất tẩy rửa bồn cầu văng vào mặt, tay gây bỏng.
“Trước đây, chúng ta thường nghe nói đến bỏng do hóa chất thông cống hoặc thông bồn cầu vì đó là những hóa chất mạnh. Trong khi đó, một loại hóa chất mà hầu như nhà nào cũng sử dụng, vệ sinh bồn cầu, để tẩy rửa làm sạch; đôi khi mình không nghĩ hóa chất này có thể gây bỏng vì tưởng rằng nồng độ của nó nhẹ hơn so với các hóa chất tẩy rửa vệ sinh khác. Nhưng thật sự nó có thể gây bỏng trong khi bệnh nhân làm công việc vệ sinh”, BS. Trần Lê Hồng Ngọc - một trong những bác sĩ điều trị cho bệnh nhân - chia sẻ.
Tổn thương bỏng sâu
Mặc dù bệnh nhân tới liền bệnh viện sau khi có cảm giác đau rát do tiếp xúc hóa chất, nhưng những tổn thương bỏng đã chuyển qua màu trắng và xám nên các bác sĩ nhận định đây là tổn thương bỏng sâu chứ không phải tổn thương bỏng nông. Tổn thương bỏng nong thường có màu hồng và các bóng nước nhạt. Còn tổn thương bỏng trên bệnh nhân này là bỏng sâu, mới ngày thứ nhất mà da đã chết hoàn toàn.
“May mắn cho bệnh nhân này là lượng hóa chất văng lên khá ít, và không trúng những vùng nguy hiểm như mắt. Vì hóa chất này vào mắt có thể gây bỏng giác mạc và dẫn đến mù lòa. Qua đến ngày thứ hai, vùng tổn thương do hóa chất đã bị đen thẫm đi”, BS. Ngọc cho biết.
Các bác sĩ cảnh báo, những hóa chất thông thường được sử dụng thông thường hàng ngày vẫn có thể gây bỏng và rất nguy hiểm. Bỏng nặng hay nhẹ tùy thuộc vào nhiều yếu tố: nồng độ hóa chất đậm đặc đến đâu, tỉ lệ pha loãng như thế nào, vùng cơ thể nào bị hóa chất tác động… Hóa chất tẩy rửa bồn cầu có thương hiệu có thể đã được pha chế với tỉ lệ an toàn, còn một số hóa chất bán trong các cửa hàng không rõ nguồn gốc thường sẽ rất đậm đặc. Nhưng theo các chuyên gia y tế, dù thế nào đi nữa, việc sử dụng các hóa chất tẩy rửa, nếu không phải axít thì cũng là kiềm (xút, bazơ), cần vô cùng thận trọng để giảm nguy cơ gây bỏng.
Cần sơ cứu đúng
Mặc dù bệnh nhân đến bệnh viện ngay, nhưng vẫn không tiến hành sơ cứu ban đầu, nên khi vào đến bệnh viện, bỏng khá sâu. Bỏng hóa chất không phải như các bỏng nhiệt khác sau khi cắt bỏ nguồn tiếp xúc, vết bỏng không tiếp tục diễn tiến nữa. Đặc biệt, bỏng do hóa chất kiềm, mặc dù đã có thể dứt bỏ nguồn tiếp xúc, nhưng bỏng vẫn tiếp tục ăn sâu vào trong cơ thể dù vùng bỏng trông có vẻ nhỏ.
“Rất nhiều yếu tố nguy cơ gây vết bỏng sâu ở trường hợp này. Bệnh nhân đổ trực tiếp hóa chất vào bồn cầu để tẩy rửa. Lúc đổ vào nước, hóa chất kiềm phản ứng “ái nước”, tăng nhiệt độ và văng ngược trở lại. Do đó, người dân nên pha loãng ra trước khi sử dụng và không nên đổ trực tiếp vào khu vực cần tẩy rửa. Trong quá trình pha chế, người dân phải có những bảo hộ an toàn như đeo găng tay, mắt kính…”, BS. Quốc Khanh hướng dẫn. “Bên cạnh đó, sơ cứu khi bị hóa chất văng vào người cũng vô cùng quan trọng. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, cần phải xối rửa ngay vùng bị bỏng trong vòng 15 - 30 phút, cố gắng càng lâu càng tốt, làm mát tổn thương, nhằm làm giảm đi lượng hóa chất xâm lấn, bám trên da. Các sản phẩm tẩy rửa chủ yếu chứa kiềm (xút) thành ra vấn đề ăn sâu của tổn thương bỏng thường diễn tiến kéo dài. Càng rửa lâu càng pha loãng hóa chất, giảm độ ăn sâu của tổn thương bỏng. Cách sơ cứu bỏng hóa chất duy nhất là dùng nước lạnh ở vòi nước máy thông thường, mà không được dùng nước lạnh quá hay nước đá, hoặc tất cả các loại nước khác vì chúng ta không lường trước phản ứng gì sẽ xảy ra, thậm chí làm nặng hơn tình trạng đang có”.
Đến cơ sở y tế chuyên sâu
Một cảnh báo khác, dù là tổn thương nhỏ, sau khi rửa sạch vết thương, bệnh nhân vẫn cần phải đến cơ sở y tế chuyên sâu để được xử trí thích đáng.
“Thực tế, về sau, tổn thương này sẽ để lại sẹo rất lớn và xấu ở vùng cằm và cổ. Vì bỏng hóa chất, đặc biệt là do kiềm, luôn là bỏng sâu. Bỏng hóa chất tẩy rửa, khoa cũng đã từng tiếp nhận mấy ca, trong đó có bệnh nhân bị bỏng giác mạc, hoặc có bệnh nhân bỏng cả hai chân suốt 10 ngày không thể lành và bệnh viện tỉnh phải chuyển lên. Vết bỏng tưởng chừng rất nhẹ, không có gì e ngại, nhưng vết thương ăn sâu vào bên trong”, BS. Ngọc cảnh báo.
Bỏng hóa chất do axít thường làm cháy da, tổn thương khu trú ngay tại vùng đó, đánh giá được độ sâu của tổn thương, tùy thuộc vào độ đậm đặc của axít. Còn riêng bỏng kiềm thì diễn tiến là bắt đầu hủy mô, và thấm từ từ xuống mô theo thời gian. Thậm chí hai, ba ngày sau, sau khi mình đã tiến hành tẩy rửa làm sạch vết thương, tổn thương bỏng vẫn tiếp tục diễn tiến, ăn sâu vào tận mô mỡ và xương.
Diện tích bỏng hóa chất của bệnh nhân H. không rộng, chừng 1% (100cm2), nhưng điều trị vô cùng khó khăn. Di chứng sẹo để lại rất nặng nề. Trước mắt, tiên lượng chưa có, các bác sĩ cho biết, ít nhất cần đến 3 tuần, để tổn thương ổn định khu trú rõ mới đánh giá được đầy đủ. Có thể, bệnh nhân sẽ dùng các chất chống sẹo, hoặc đôi khi cần can thiệp phẫu thuật để giải quyết những loại sẹo này như lọc bỏ da chết, ghép da.