Hà Nội

Cảnh báo, bệnh zona có thể gây viêm màng não

29-04-2023 10:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS -Zona thần kinh là bệnh lý khá phổ biến, thường gặp ở người lớn tuổi và những người suy giảm miễn dịch. Thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát.

Bệnh zona thần kinh: Nhận biết, nguyên nhân và điều trịBệnh zona thần kinh: Nhận biết, nguyên nhân và điều trị

SKĐS- Zona thần kinh là bệnh nhiễm trùng ngoài da do virus Varicella gây ra. Bệnh gây tổn thương da và dây thần kinh với các triệu chứng nổi mụn nước và đau rát trên vùng da bị tổn thương. Zona thần kinh đa số lành tính, tuy nhiên nếu không điều trị đúng sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Zona là bệnh lành tính không nguy hiểm nhưng nếu không chữa trị kịp thời, bệnh nặng sẽ dẫn đến nhiều biến chứng. Tuy vậy nhiều người bệnh vẫn chủ quan khi mắc bệnh lý này.

Nhiều người chủ quan khi mắc bệnh zona

Bệnh zona còn được gọi là bệnh do Herpes zoster, gây ra bởi varicella-zoster virus (VZV)- cũng là tác nhân của bệnh thủy đậu. Thủy đậu là do nhiễm virus tiên phát, sau khi khỏi bệnh virus VZV không bị tiêu diệt mà nằm ở hạch thần kinh cảm giác.

Chính vì vậy, bệnh zona được coi là sự tái hoạt động trở lại của VZV khi hệ miễn dịch suy giảm hoặc bởi một số yếu tố: u ác tính, chấn thương, tia xạ, dùng thuốc ức chế miễn dịch…..

Theo nghiên cứu có tới gần 70% người trên 50 tuổi bị zona, khoảng 5% trẻ dưới 15 tuổi. Khiến người bệnh đau rát khó chịu. Ngoài ra, nếu không điều trị đúng cách, zona lan rộng ra xung quanh, khiến tổn thương ngày càng lớn, chữa trị không kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm.

Cảnh báo, bệnh zona có thế gây viêm màng não - Ảnh 2.

Tùy theo các dây thần kinh bị ảnh hưởng bởi virus zona, có thể gây ra nhiều hệ lụy trong đó có viêm não, viêm màng não.

Tuy vậy nhưng nhiều người vẫn chủ quan với căn bệnh này. Điển hình là trường hợp bệnh nhân nam (quê ở Bắc Ninh, 33 tuổi). Theo lời kể của bệnh nhân, khoảng 2 ngày trước khi nhập viện thấy xuất hiện nhiều mụn, phỏng nước nhỏ li ti rải rác khắp hai bả vai, sau lưng thành từng đám, đau nhức, rát, ăn ngủ kém. Theo mách bảo, anh đã tự dùng thuốc uống nhưng không đỡ, sau đó thấy có biểu hiện sốt, đau nhức mới vào viện khám và điều trị. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm anh đựơc chẩn đoán mắc zona thần kinh bội nhiễm.

Không được may mắn như vậy, bệnh nhân nam  N.V.N 58 tuổi, trước khi nhập viện 5 ngày anh bị đau mạn sườn-hông trái, đau giật từng cơn. Bệnh nhân đi khám và được chẩn đoán thoái hóa cột sống thắt lưng. Sau 2 ngày xuất hiện mụn nước vùng bẹn, đùi trái với tổn thương lan rộng nên đến Bệnh viện TWQĐ 108. Tại đây bệnh nhân đã được chẩn đoán zona vùng bẹn bìu, chân trái mức độ nặng và được chỉ định nhập viện điều trị nội trú. Tuy nhiên, 1 ngày sau khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện sốt kèm theo đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn. Đặc biệt bệnh nhân có thêm nhiều tổn thương mụn nước rải rác vùng mặt, thân người (tổn thương lưu vong).

Sau đó các bác sĩ đã chọc dịch não tủy làm xét nghiệm PCR kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với VZV. Các bác sĩ đã chẩn đoán anh N. viêm não- màng não do VZV/ zona.

Biểu hiện và đối tượng dễ mắc zona

Mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ đều có thể mắc bệnh Zona, đặc biệt đối với nhóm người có nguy cơ cao như: Nguời trên 60 tuổi; Người được ghép thận hay ghép tủy xương; Người bị nhiễm HIV/AIDS hay bị ung thư các loại; người đang dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch hoặc các thuốc loại corticoids lâu ngày để điều trị suyễn, viêm khớp, vảy nến; người có tiền sử chấn thương, nhiễm trùng…rất dễ bị zona sau khi bị thủy đậu.

Khởi phát bệnh zona rất đột ngột, bệnh nhân cảm thấy đau nhức, nóng rát ở một vùng da kèm sốt, mệt mỏi. Sau đó nổi nhiều mụn nước to nhỏ không đều thành chùm trên nền hồng ban.

Vị trí các mụn nước có thể nổi trên một vùng da hay niêm mạc nhưng đặc biệt là chỉ ở một bên cơ thể hoặc hiếm khi lan qua bên đối diện.

Ðau rát là một triệu chứng chính của bệnh do các rễ thần kinh bị tổn thương. Tùy trường hợp, có khi chỉ đau vừa nhưng có khi đau rất dữ dội, nhất là ở những người già. Hạch nách, cổ hay bẹn cùng bên và gần với vùng da bị bệnh có thể sưng to.

Chùm mụn nước ở một bên cơ thể, nổi hạch, kèm triệu chứng đau rát là các đặc điểm quan trọng của bệnh zona.

Các mụn nước sẽ vỡ, chảy dịch, đóng mài và lành sẹo, có thể xấu hoặc không trong vòng 2-3 tuần. Một số ít trường hợp nặng, có thể có biến chứng như bội nhiễm sang thương da, đau nhức thần kinh sau zona, viêm thần kinh thị giác, loét giác mạc, liêt thần kinh mặt…

Cảnh báo, bệnh zona có thế gây viêm màng não - Ảnh 3.

Khi mắc zona bệnh nhân cảm thấy đau nhức, nóng rát ở một vùng da kèm sốt, mệt mỏi.

Biến chứng của bệnh zona

Bệnh zona có nhiều biến chứng tùy thuộc vào vị trí, mức độ tổn thương như:

- Nhiễm trùng da do zona

‎Tổn thương lan rộng, chăm sóc không tốt khiến vết thương ngày càng tổn thương nặng hơn, lâu lành hơn, vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng.

‎‎- Đau dây thần kinh zona

‎Một số trường hợp có thể vẫn gây đau, sau khi hết mụn nước zona. Tình trạng này được gọi là đau dây thần kinh sau zona. Có thể là do các sợi thần kinh bị hư hại làm cảm giác đau.

‎‎- Ảnh hưởng đến thị lực

‎Zona xuất hiện trong hoặc xung quanh mắt (bệnh mắt zona) có thể gây ra nhiễm trùng mắt đau đớn và có thể dẫn đến mất thị lực.

‎‎- Hệ lụy về thần kinh

‎Tùy theo các dây thần kinh bị ảnh hưởng bởi virus zona tấn công, có thể gây ra:

‎- Có thể viêm não, viêm màng não.

‎- Có thể ảnh hưởng khả năng nghe.

‎- Gây liệt mặt.

Cần làm gì?

Điều trị bệnh zona nên được bắt đầu càng sớm càng tốt nhằm mục đích chống bội nhiễm thương tổn da, chống đau dây thần kinh, chống virus, phòng tránh các biến chứng nặng và đặc biệt là hội chứng đau sau zona.

Bên cạnh việc sử dụng các thuốc nội khoa như Acyclovir có thể phối hợp các thuốc giảm đau theo bậc hoặc các thuốc giảm đau thần kinh để làm giảm tình trạng đau của người bệnh thì việc kết hợp với các biện pháp điều trị vật lý trị liệu phục hồi chức năng là cần thiết.

Vì vậy, khi có biểu hiện của bệnh zona cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Tuyệt đối không được chủ quan, tự điều trị hoặc điều trị theo mách bảo có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.

Để phòng bệnh việc tiêm phòng bằng vaccine thủy đậu là cần thiết. Bên cạnh đó, nên giữ vệ sinh cá nhân, hạn chế hoặc không tiếp xúc với người chưa tiêm phòng thủy đậu, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai.

‎‎Với người đã bị zona, nên kiêng ăn thực phẩm giàu chất béo, rượu bia, ngũ cốc tinh chế quá kỹ, sẽ làm tăng lượng đường huyết, tăng nhiễm trùng và khiến cho vết phỏng lâu lành. Các thực phẩm giàu vitamin C, kẽm như cam, gan động vật, bơ... giúp tăng cường sức đề kháng. Vitamin B6, B12 cũng giúp các vết mụn nước nhanh chóng phục hồi.

Mời độc giả xem thêm video:

Đau nhức hốc mắt - coi chừng mắc bệnh nguy hiểm | SKĐS


Ths. Nguyễn Thị Quỳnh Trang
Ý kiến của bạn