Viêm phổi do sặc xăng dầu tuy là bệnh hiếm gặp - chủ yếu xảy ra với những người thợ lái máy công trình do không tuân thủ an toàn lao động đã dùng miệng hút xăng, dầu bị sặc, nhưng lại gây hậu quả tổn thương phổi nặng nề. Thậm chí đã từng có trường hợp bệnh nhân bị biến chứng áp xe hóa phải phẫu thuật cắt thùy phổi.
Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị bệnh nhân viêm phổi sặc dầu tại BV Bạch Mai trên 32 bệnh nhân cho thấy, sau khi uống, hút xăng dầu diezel, dầu mazút, dầu hỏa… bệnh nhân thường có triệu chứng ho sặc sụa, hơi thở mùi xăng dầu hoặc nôn ra xăng dầu, đau ngực, sốt, ho, khó thở. Kết quả khám phổi cho thấy ran nổ ở vùng tổn thương, có thể có hội chứng đông đặc; X-quang phổi có hình ảnh đám mờ dạng đông đặc phế nang một thùy hoặc nhiều thùy, một bên phổi - có khi cả hai bên phổi hoặc tổn thương dạng nốt.
Trong nghiên cứu, việc điều trị cho bệnh nhân viêm phổi do sặc xăng dầu chủ yếu bằng kháng sinh, có thể dùng thêm corticoid, nội soi phế quản, dùng thuốc loãng đờm, giảm đau – hạ sốt. Cũng trong nghiên cứu, đa số bệnh nhân có thời gian nằm viện và thời gian dùng kháng sinh từ 7-14 ngày. Hầu hết bệnh nhân sau ra viện một tháng không còn các triệu chứng ho, sốt, khó thở, phổi hết ran… Không có trường hợp nào tử vong hay kèm theo triệu chứng ngộ độc. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo, việc dùng corticoid trong điều trị viêm phổi do sặc xăng dầu tuy có tác dụng chống viêm, giảm xơ hóa phổi và cải thiện chức năng phổi nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần nghiêm túc tuân thủ an toàn lao động, người dân tuyệt đối không dùng miệng hút dầu để tránh những hậu quả nặng nề phải nằm viện tốn kém, mất ngày lao động.
Dương Hải