Hà Nội

Cảnh báo bệnh than xuất hiện

13-11-2014 14:40 | Dược
google news

SKĐS - Tại xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, phát hiện 9 bệnh nhân mắc bệnh than do ăn thịt gia súc bị bệnh đã chết

Trong vòng 1 tháng, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10/2014, tại xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, phát hiện 9 bệnh nhân mắc bệnh than do ăn thịt gia súc bị bệnh đã chết. Dù không có ca tử vong, nhưng đây là hiện tượng cần cảnh báo do từ lâu bệnh than hầu như vắng bóng ở nước ta.

Ở đây cũng xác định trước đó có bệnh nhiệt than xảy ra trên đàn gia súc.

Đặc điểm của bệnh than

Bệnh than có tên khoa học là Anthrax do trực khuẩn bệnh than Bacillus anthracis gây nên và là một bệnh từ động vật truyền sang người. Trực khuẩn gây bệnh than là loại trực khuẩn Gram dương tồn tại trong thiên nhiên dưới dạng nha bào nên chúng có thể lưu giữ bền vững trong môi trường hàng chục năm. Đặc điểm trực khuẩn có khả năng sinh trưởng ở nhiệt độ 370C trong các môi trường nuôi cấy thông dụng và chúng gây bệnh nhiệt than ở những loại gia súc ăn cỏ như: trâu, bò, dê, cừu... nên người bị mắc bệnh than thường được phát hiện ở những người làm nghề chăn nuôi, thú y, công nghệ da hoặc những người ăn thịt gia súc bị nhiễm bệnh.

Trực khuẩn Bacillus anthracis gây bệnh than Anthrax
Trực khuẩn Bacillus anthracis gây bệnh than Anthrax

Trực khuẩn gây nên bệnh than chủ yếu bằng 3 thành phần ngoại độc tố của vi khuẩn, chúng làm hoại tử xuất huyết mô và phù nề; phần bao của trực khuẩn gây ức chế nặng các tế bào thực bào của cơ thể. Dưới dạng bào tử, trực khuẩn bệnh than có kích thước nhỏ dưới 5µm. Khi hít thở, với số lượng từ 8.000 - 20.000 bào tử có thể xâm nhập vào đường hô hấp và chúng có khả năng vào tới các phế nang tận cùng của phổi, cư trú ở các phế bào; đồng thời qua hệ bạch huyết di chuyển tới các hạch bạch huyết ở trung thất. Tại đây, trực khuẩn bệnh than sinh trưởng, theo đường máu gây nhiễm trùng huyết và nhiễm khuẩn nhiều nơi khác trong cơ thể.

Đường lây truyền và các thể bệnh

Các nhà khoa học xác định bệnh than từ gia súc bị mắc bệnh lây truyền sang cho người bằng 3 con đường tự nhiên: đường da do tiếp xúc gây bệnh thể da - niêm mạc, đường tiêu hóa do ăn uống gây bệnh thể dạ dày - ruột, đường hô hấp do hít thở không khí gây bệnh thể hô hấp. Trong đó thể bệnh lây nhiễm bằng đường hô hấp là nghiêm trọng nhất.

Mầm gây bệnh là trực khuẩn bệnh than và nha bào bệnh than. Trực khuẩn bệnh than có thể chết ở nhiệt độ 50 - 550C sau 15 - 40 phút và ở nhiệt độ 750C sau 1 - 2 phút; dưới tác động của ánh nắng mặt trời chúng cũng có thể chết sau 10 - 16 giờ; trên thực tế mầm bệnh có khả năng tồn tại ở xác các động vật chết và thối rữa sau 2 - 3 ngày. Nha bào bệnh than có thể chết ở nước sôi 1000C sau 10 - 20 phút, hấp ướt 1200C trong 20 phút, hấp khô 1400C trong 3 giờ; chúng có khả năng tồn tại trong nước phân từ 15 - 17 tháng và ở đất từ 15 - 28 năm.

Thể da - niêm mạc: có thời gian ủ bệnh từ 1 - 10 ngày. Sau đó, bệnh nhân có tổn thương ở da với các triệu chứng như sưng đỏ, nổi mụn nước và vết hoại tử màu đen. Nếu phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm, đáp ứng hiệu quả thì những thương tổn sẽ khỏi, không để lại vết sẹo trên da. Nếu sức đề kháng của cơ thể kém thì ngoại độc tố trực khuẩn gây hoại tử mô, phù nề và ức chế các tế bào thực bào của cơ thể; đồng thời điều trị không đúng sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng huyết và nhiễm độc toàn thân. Tỉ lệ tử vong của bệnh than thể da - niêm mạc chiếm khoảng 5% các trường hợp mắc bệnh.

Thể dạ dày - ruột: có thời gian ủ bệnh từ 2 - 5 ngày. Sau thời gian này, bệnh nhân có biểu hiện đi ngoài ra máu, nôn ra máu, đau bụng, nôn mửa, chán ăn, sốt; trường hợp nặng có thể bị sốc nhiễm độc, hạch mạc treo ở ruột sưng to, tổn thương niêm mạc phần hồi tràng và manh tràng. Tỉ lệ tử vong của bệnh than thể dạ dày - ruột chiếm khoảng 25 - 75% các trường hợp mắc bệnh, trung bình là 50%.

Thể hô hấp: có thời gian ủ bệnh từ 1 - 5 ngày. Sau đó bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt cao không điển hình, khó chịu, mệt mỏi, đau cơ, ho, khó thở, tím tái, ra nhiều mồ hôi, mạch nhanh, hạch bạch huyết ở trung thất sưng to; có dấu hiệu nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy hô hấp, viêm màng não... Trong những trường hợp quá nặng có thể dẫn đến tử vong mặc dù được cứu chữa tích cực. Tỉ lệ tử vong của bệnh than thể hô hấp, hay còn gọi là thể hít thở, chiếm khoảng 90% các trường hợp mắc bệnh, thậm chí cả 100%.

Do đặc điểm trực khuẩn gây bệnh than có khả năng tồn tại khá lâu dưới dạng bào tử, dễ dàng sinh trưởng ở nhiệt độ 370C; đồng thời có thể lây nhiễm qua cả 3 con đường là đường da - niêm mạc, đường dạ dày - ruột và đường hô hấp nên việc lây lan bệnh sẽ có rất nhiều nguy cơ bùng phát. Đặc biệt, trên thực tế bệnh có tỉ lệ tử vong khá cao nếu bị nhiễm qua đường hô hấp hay đường hít thở.

Chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh

Chẩn đoán bệnh than có thể dựa vào triệu chứng lâm sàng, yếu tố dịch tễ nhưng điều quan trọng nhất giúp cho việc chẩn đoán xác định vẫn là việc thực hiện các xét nghiệm đặc hiệu. Phương pháp xét nghiệm thường dùng là nhuộm và soi tiêu bản bệnh phẩm bằng kính hiển vi quang học, tuy vậy kỹ thuật này chỉ có giá trị định hướng. Bệnh phẩm được lấy là dịch máu ở các nốt phồng mụn than, đờm, nước tiểu, phân thải, chất nôn, dịch tiết ở cơ quan... Thực hiện phương pháp nhuộm Gram để tìm trực khuẩn Gram dương của bệnh than và phương pháp nhuộm Ziel-Neelson để phát hiện nha bào của trực khuẩn. Có thể thực hiện kỹ thuật nuôi cấy tìm vi khuẩn, chẩn đoán nhanh bằng phương pháp miễn dịch huỳnh quang và phản ứng da với loại kháng nguyên anthraxcin.

Điều trị bệnh than cần được thực hiện sớm ngay sau khi phát hiện, chẩn đoán xác định. Phải cách ly bệnh nhân trong một phòng riêng; nhân viên y tế điều trị và người nhà chăm sóc phục vụ người bệnh phải bảo đảm các phương tiện phòng hộ cá nhân như: găng tay, áo choàng, khẩu trang y tế, kính đeo mắt, mũ che đầu, giày ủng... để bảo vệ phòng bệnh. Những loại thuốc kháng sinh được sử dụng để xử trí mầm bệnh như: Penicillin G 4 triệu đơn vị quốc tế tiêm tĩnh mạch cứ mỗi 4 - 6 giờ một lần và tiêm từ 7 - 10 ngày. Có thể sử dụng Ciprofloxacin 400mg cứ mỗi 8 - 12 giờ; hoặc Tetracyclin 400mg hay Doxycyclin 100mg dùng 4 lần trong ngày và dùng từ 7 - 10 ngày. Các loại thuốc kháng sinh khác có thể dùng thay thế vẫn có tác dụng hiệu quả như Erythromycin, Amoxicillin, Chloramphenicol... Đối với bệnh than thể tiêu hóa và hô hấp, cần dùng liều kháng sinh cao hơn, đồng thời phải kết hợp các biện pháp hồi sức hỗ trợ; bổ sung thuốc trợ tim mạch, dung dịch nước và điện giải. Điều cần chú ý là không được chích rạch các mụn rộp ở da vì rất dễ gây nhiễm trùng huyết. Nếu tại cơ sở y tế có gamma globulin đặc hiệu hoặc huyết thanh kháng độc tố bệnh than thì sử dụng cũng mang lại hiệu quả điều trị tốt.

Phòng bệnh than theo quy định chung là phải bảo đảm đúng chế độ kiểm dịch động vật. Các loại gia súc nuôi bị bệnh không được giết mổ để lấy thịt làm nguồn thực phẩm ăn. Khi phát hiện gia súc mắc bệnh và chết vì bệnh nhiệt than; xác gia súc phải được chôn sâu thật kỹ, bảo đảm việc khử trùng tẩy uế đúng quy trình. Công nhân các lò mổ, xưởng chế biến các sản phẩm từ động vật như thịt, xương, da, lông... cần thực hiện đúng chế độ phòng hộ bảo vệ, định kỳ phải kiểm tra sức khỏe, nếu có những tổn thương ở da bị nhiễm khuẩn nên được điều trị khỏi bệnh. Một vấn đề cũng cần được quan tâm là phải khử trùng, tẩy uế các chất thải của người và gia súc bị mắc bệnh đúng quy định. Việc phòng bệnh đặc hiệu cho người và gia súc có cơ nguy cơ cao dễ bị nhiễm trực khuẩn than có thể sử dụng vắc-xin BioThraxT để phòng ngừa. Có thể điều trị dự phòng sự phơi nhiễm bệnh bằng cách dùng thuốc kháng sinh Ciprofloxacin viên 500mg, uống mỗi ngày 2 lần hoặc Doxycyclin viên 100mg, uống mỗi ngày 2 lần. Thời gian điều trị sau khi bị phơi nhiễm mầm bệnh phải thực hiện trên 6 tuần.

Điều trị bệnh than cần được thực hiện sớm ngay sau khi phát hiện, chẩn đoán xác định. Phải cách ly bệnh nhân trong một phòng riêng.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

 


Ý kiến của bạn