Hà Nội

Cảnh báo bệnh quai bị có thể quay trở lại

01-04-2021 10:19 | Đời sống
google news

SKĐS - Những năm gần đây, bệnh quai bị đã được không chế nhờ công tác truyền thông và tiêm chủng có hiệu quả.

Tuy nhiên, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác tiêm chủng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi tâm lý e ngại của người dân khi đến bệnh viện. Bệnh quai bị được giới chuyên môn cảnh báo sẽ có khả năng quay trở lại, đặc biệt vào các tháng 4-5 sắp tới.

Nguyên nhân và những biến chứng

Quai bị do vi rút paramyxovirus gây nên. Bệnh quai bị (còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do vi rút quai bị) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên. Người lớn cũng có thể mắc nhưng tỷ lệ thấp hơn. Khả năng mắc bệnh của nam giới cao hơn nữ giới.

bệnh quai bị

Vi rút paramyxovirus lây truyền qua đường hô hấp và đường ăn uống, qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi. Vấn đề lây qua đường phân và nước tiểu hiện vẫn chưa được xác nhận dù vi rút quai bị có khả năng tồn tại trong nước tiểu khoảng 2-3 tuần. Khi bị nhiễm bệnh, vi rút nhân lên trong khoang tỵ hầu và hạch bạch huyết. Vi rút tăng cao trong huyết thanh khoảng 12-15 ngày sau nhiễm và lan ra các cơ quan khác. Thời gian lây từ 6 ngày trước cơn toàn phát sưng tuyến mang tai cho đến 2 tuần, sau khi có triệu chứng bệnh lý.

Sau khi tiếp xúc với vi rút quai bị khoảng 14-24 ngày, người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm. Sau đó, tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần. Tuyến mang tai có thể sưng 1 bên hay 2 bên. Nếu sưng cả 2 bên thì 2 tuyến có thể không sưng cùng lúc, tuyến 2 bắt đầu sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài; có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức.

Bệnh nhân có cảm giác đau ở vùng tuyến bị sưng, nhưng da trên vùng sưng không nóng và không sung huyết, ngược với những trường hợp viêm tuyến mang tai do vi khuẩn. Lỗ ống Stenon ở niêm mạc má 2 bên sưng đỏ, có khi có giả mạc. Bệnh nhân có cảm giác khó nói, khó nuốt, đôi khi phù thanh môn gây khó thở phải mở khí quản.

Thời gian biểu hiện bệnh lý khoảng 10 ngày. Tuy nhiên có khoảng 25% người bị nhiễm vi rút quai bị mà không có dấu hiệu bệnh lý rõ rệt. Đây là những đối tượng có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không nhận biết. Bệnh quai bị gây miễn dịch bền vững khi đã mắc bệnh dù sưng 1 hay 2 bên tuyến mang tai nên ít khi bị quai bị lần 2.

Những điều phụ huynh cần lưu tâm

BS.CKII Dư Tuấn Quy - Phó trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, những năm qua dịch quai bị đã cơ bản được kiểm soát, tại các phòng khám của BV Nhi đồng 1 chỉ thỉnh thoảng tiếp nhận một vài ca bệnh. Nhưng không có trường hợp có biến chứng nặng như: viêm tụy, viêm não... Trẻ được điều trị triệu chứng bằng paracetamol để hạ sốt giảm đau, hướng dẫn cho trẻ hạn chế vận động, nghỉ ngơi, ăn những thức ăn lỏng chia nhiều bữa trong ngày.

Để có được những kết quả đó nhờ vai trò của công tác truyền thông và tiêm chủng, trẻ được phòng ngừa quai bị nhờ mũi tiêm vắc xin 3 trong 1: Sởi - Rubella - Quai bị. Tuy nhiên, thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 công tác tiêm chủng ít nhiều bị ảnh hưởng do tâm lý e ngại của người dân khi đến các cơ sở y tế và nơi đông người. “Chúng tôi e ngại rằng thời gian vừa qua, nhiều trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đủ mũi (trẻ tiêm mũi 1 từ 12 tháng – 15 tháng tuổi được, mũi tiêm thứ 2 được thực hiện khi trẻ từ 4-6 tuổi hoặc sớm hơn khi có dịch bệnh xảy ra) dẫn đến không đạt hiệu quả phòng bệnh. Bệnh quai bị có thể quay lại, đặc biệt trong tháng 4-5 sắp tới”, BS.CKII Dư Tuấn Quy khuyến cáo.

bệnh quai bị Biện pháp phòng ngừa có hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh

BS.CKII Dư Tuấn Quy khuyến cáo: Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất của bệnh là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ. Bệnh tuy lành tính nhưng có khả năng gây biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới hoặc viêm buồng trứng ở nữ giới và có thể dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống. Các tuyến nước bọt khác, tụy và hệ thần kinh trung ương cũng có thể bị tổn thương dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm tụy, viêm não… Do đó phụ huynh không nên chủ quan.

Khi nhận biết các dấu hiệu bệnh ở trẻ như: sưng hàm, thỉnh thoảng một số trẻ có các biểu hiện kèm theo như sốt, đau đầu. Những trường hợp có biến chứng nặng hơn đặc biệt ở bé trai là viêm tinh hoàn. Một số trường hợp khác có các biểu hiện như đau bụng, nôn ói khi nhập viện vì các triệu chứng của viêm tụy. Đây là một trong những biến chứng nặng. Biến chứng viêm não, trẻ có biểu hiện sốt, đau đầu, nôn ói nhiều, co giật, do các tổn thương viêm não. Thỉnh thoảng có một số ca nặng gây viêm cơ tim. Phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm. Đối với các y bác sĩ, khi khám cho trẻ có các yếu tố nghi ngờ quai bị cần khám một cách tổng quát và tìm các biến chứng nếu có, đặc biệt ở trẻ nam, cần khám và xác định tinh hoàn có gì bất thường hay không.

 Lời khuyên của thầy thuốc

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường xảy ra vào mùa xuân nhất là trong khoảng thời gian tháng 4 và tháng 5. Hơn 80% trường hợp mắc quai bị xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi, thường gặp nhất là trẻ từ 6-10 tuổi. Người lớn cũng có thể bị mắc bệnh nếu không tiêm vắc-xin ngừa bệnh trước đó. Trẻ dưới 2 tuổi và người cao tuổi rất hiếm bị bệnh.

Bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp, chủ yếu do tiếp xúc với các giọt nước bọt, hoặc các giọt chất tiết mũi họng của người bệnh bị văng ra khi người bệnh ho hoặc chảy mũi. Người mắc quai bị có thể lây lan cho người khác 1 tuần trước khi sưng tuyến mang tai và kéo dài 2 tuần sau khi sưng tuyến mang tai. Thời gian lây mạnh nhất vào khoảng 2 ngày trước khi viêm tuyến mang tai.

Bệnh quai bị gồm nhiều thể thường được phân loại theo vị trí tổn thương, gồm các thể sau:

- Viêm tuyến nước bọt mang tai: Thể điển hình hay gặp nhất, chiếm 70% các thể có khu trú rõ. Khởi phát bệnh người bệnh sẽ bị sốt 38-39 độ C, đau đầu, đau mỏi toàn thân, ăn ngủ kém. Giai đoạn toàn phát: sau sốt 24- 48 giờ sẽ xuất hiện viêm tuyến mang tai. Lúc đầu sưng một bên, sau 1-2 ngày sưng tiếp bên kia (thường sưng cả 2 bên, ít gặp sưng chỉ 1 bên). 2 bên sưng thường không đối xứng (bên sưng to, bên sưng nhỏ). Da vùng má bị sưng căng, bóng, không đỏ, ấn không lõm, sờ nóng, đau, nước bọt ít, quánh. Giai đoạn lui bệnh: Người bệnh thường hết sốt sau 3-4 ngày, tuyến nước bọt mang tai hết sưng trong vòng 8-10 ngày. Đa số bệnh tự khỏi trong vòng 10 ngày (nếu không có biến chứng).

- Viêm tinh hoàn: Thể thường gặp thứ 2 sau viêm tuyến nước bọt mang tai. Hay gặp ở nam giới đang tuổi dậy thì hoặc đã trưởng thành (khoảng 10-30% trường hợp mắc bệnh quai bị). Viêm tinh hoàn thường bị 1 bên, ít gặp cả 2 bên, thường xuất hiện sau viêm tuyến nước bọt và khi các triệu chứng viêm tuyến nước bọt đã dịu đi. Thường vào ngày thứ 5 đến thứ 10 của bệnh thấy sốt xuất hiện trở lại hoặc sốt tăng lên. Có thể buồn nôn, nôn. Tinh hoàn đau, nhất là khi đi lại và to gấp 2-3 lần bình thường, sờ thấy chắc, da bìu có thể nề, căng đỏ. Trong những trường hợp nặng có thể kèm thêm viêm thừng tinh, viêm mào tinh hoàn và tràn dịch màng tinh hoàn.

Ngoài 2 thể trên, bệnh quai bị có thể gặp các thể bệnh ít gặp như: viêm buồng trứng, viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim.


NGUYÊN AN
Ý kiến của bạn