Hà Nội

Cảnh báo bệnh liên cầu lợn tái xuất hiện

02-03-2013 08:03 | Y học 360
google news

Mấy tháng gần đây, số bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn (bệnh lợn tai xanh) nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương gia tăng đột biến. Bệnh diễn biến phức tạp, nhanh và rất dễ dẫn đến nguy kịch nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời

Mấy tháng gần đây, số bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn (bệnh lợn tai xanh) nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương gia tăng đột biến. Bệnh diễn biến phức tạp, nhanh và rất dễ dẫn đến nguy kịch nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy vậy, bệnh liên cầu lợn có thể phòng ngừa được, không nên quá lo lắng.

Lợn khỏe mạnh cũng có thể mang mầm bệnh

Bệnh liên cầu lợn là một bệnh từ động vật lây sang người do vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis) gây ra. Vi khuẩn liên cầu lợn có khắp nơi trong tự nhiên, ổ chứa là lợn nhà (lợn đã thuần chủng), người ta cũng đã thấy cả lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim cũng mang vi khuẩn liên cầu lợn. Những loài động vật này mang mầm bệnh nhưng chúng không gây bệnh, nếu có chỉ gây bệnh nhẹ, khi gặp điều kiện thuận lợi chúng trở nên gây bệnh nguy hiểm. Trên lợn, vi khuẩn có thể tồn tại ở đường hô hấp nhất là hô hấp trên (mũi, họng), tiêu hóa, đường sinh dục hoặc ở hạch hạnh nhân của lợn. Điều đáng chú ý là tuy lợn khỏe mạnh nhưng mang vi khuẩn liên cầu lợn chiếm tỷ lệ rất cao (có khoảng từ  60 - 100% lợn mang vi khuẩn liên cầu lợn không triệu chứng). Ngoài ra, trong   phân, chất thải, chất độn chuồng, các loại thức ăn, nước uống trong chuồng lợn bị bệnh tai xanh là nguồn chứa vi khuẩn liên cầu lợn.

Cảnh báo bệnh liên cầu lợn tái xuất hiện 1
Tổn thương da trên bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn.

Môi giới truyền bệnh từ lợn bệnh và từ môi trường nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn sang lợn lành là ruồi, gián, chuột. Đường lây truyền của bệnh qua người khi tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh tai xanh thông qua các vết trầy xước trên da của người, đặc biệt là những công nhân lò mổ, người phân phối, chế biến thịt lợn bị bệnh tai xanh hoặc theo thức ăn qua niêm mạc ruột rồi vào máu. Người mắc bệnh do ăn phải thức ăn có chứa vi khuẩn liên cầu lợn như ăn thịt lợn ốm mà nấu chưa chín, đặc biệt là ăn tiết canh, nem chạo, nem chua. Hoặc do môi trường không đảm bảo vệ sinh và bị nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn như  nguồn nước dùng trong sinh hoạt để rửa thực phẩm (thịt, cá), rau quả. Tuy vậy, hiện nay chưa có bằng chứng nào nói rằng bệnh liên cầu lợn lây từ người sang người.

Biểu hiện khi mắc liên cầu lợn

Khi mắc bệnh do liên cầu lợn, người bệnh thường có sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa. Trong bệnh liên cầu lợn hay gặp là nhiễm khuẩn huyết (vi khuẩn liên cầu lợn vào máu, nhân lên nhanh chóng và đồng thời tiết ra nhiều độc tố). Khi nhiễm khuẩn huyết, ngoài các triệu chứng như vừa nêu trên, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng (sốc nhiễm khuẩn) biểu hiện như tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp và có thể tử vong nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Một số trường hợp xuất hiện nhiễm độc đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa (đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có máu).

Người bệnh cũng có thể bị viêm màng não do vi khuẩn liên cầu lợn như sốt cao, co giật, nôn vọt, sợ ánh sáng... Nếu phát hiện sớm có thể cứu chữa được, nếu không thì có thể gây phù não, hôn mê và tử vong. Được biết, trong số 16 bệnh nhân mắc liên cầu lợn nằm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong mấy tháng vừa qua thì có 4 bệnh nhân thuộc thể nhiễm khuẩn huyết và 14 bệnh nhân viêm màng não do liên cầu lợn. Bệnh diễn biến rất nhanh, từ khi phơi nhiễm đến khi có triệu chứng đầu tiên khoảng 3 ngày và từ khi bệnh khởi phát đến lúc toàn phát, nặng khoảng 1 ngày. Việc chẩn đoán bệnh liên cầu lợn ngoài các biểu hiện lâm sàng, dịch tễ học (địa phương đang có dịch lợn tai xanh) thì cận lâm sàng đóng góp một cách đáng kể như nhuộm gram từ nước não tủy, nuôi cấy tìm vi khuẩn liên cầu lợn trong máu hoặc trong nước não tủy.

Ngoài ra, nếu có điều kiện người ta có thể chẩn đoán xác định vi khuẩn liên cầu lợn bằng kỹ thuật sinh học phân tử (PCR) hoặc phản ứng ELISA. Vì vậy, hiện tại việc chẩn đoán bệnh liên cầu lợn ở tuyến cơ sở còn gặp khó khăn do các cơ sở xét nghiệm vi sinh còn hạn chế, trong khi đó thì triệu chứng lâm sàng tương đối giống với một số bệnh nhiễm khuẩn khác.

Cảnh báo bệnh liên cầu lợn tái xuất hiện 2
Tuyệt đối không ăn tiết canh để phòng bệnh liên cầu lợn.

Phòng bệnh liên cầu  lợn thế nào?

Bệnh liên cầu lợn diễn biến phức tạp, nặng, nhanh, nên cần phải có các biện pháp phòng bệnh hữu hiệu. Do đó, việc phát hiện lợn bị bệnh tai xanh và đề phòng lây sang người là những việc làm hết sức cần thiết.

Lợn ốm phải được cách ly và chữa trị. Tuyệt đối không mua bán lợn, thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuyệt đối không ăn thịt, phủ tạng lợn ốm, lợn chết. Khi lợn chết phải chôn ngay, chôn thật sâu, chôn xa nguồn nước, xa khu dân cư và cần phải có chất sát khuẩn mạnh kèm theo như vôi bột, cloramin B.

Thịt lợn mua về cần nấu chín. Tuyệt đối không ăn thịt chưa nấu chín hoặc thịt sống, tiết canh, nem chạo, nem chua, món tái, đặc biệt là tiết canh vì trong máu lợn ốm có vô số vi khuẩn liên cầu lợn. Những người giết mổ lợn, phân phối, chế biến thịt lợn, phủ tạng lợn cần phải đi găng tay đảm bảo chất lượng. Cần dùng riêng dao, thớt, dụng cụ chế biến thịt lợn sống và thịt lợn đã nấu chín. Khi nghi ngờ mắc bệnh do liên cầu lợn, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám và xử trí kịp thời.

PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu

Trên thế giới đã phát hiện bệnh liên cầu lợn vào năm 1960 và đã có nhiều nước thông báo bệnh liên cầu lợn có thể lây sang người như Hà lan, Ðan Mạch, Ðức, Bỉ, Anh, Pháp, Tây ban Nha, Thụy Ðiển, Australia, Hungari, Hồng Kông, Croatia, Nhật Bản, Singapore, Ðài Bắc, New Zealand, Argentina, Trung Quốc. Việt Nam đã phát hiện có bệnh  liên cầu lợn từ năm 2003, mấy tháng gần đây đã có tới 16 bệnh nhân nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và đã có 2 người tử vong, ngày 23/2/2013 đã có một bệnh nhân là nữ giới ở Ba Vì, Hà Nội nhập viện do mắc bệnh liên cầu lợn.





Ý kiến của bạn