Giãn tĩnh mạch chân ở nữ giới thường gặp nhiều hơn so với nam giới. Đây là tình trạng suy yếu chức năng của các tĩnh mạch ở chân, tức là việc dẫn máu về tim không còn hiệu quả nữa, gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần
Người nửa đêm phải dậy dội nước lạnh vào chân, người lại phải từ bỏ dày cao gót…
Tại hội thảo về giãn tĩnh mạch chân diễn ra ngày 2/7 ở BV Tim Hà Nội, chị Trần Phương- 42 tuổi ở Cầu Giấy Hà Nội kể: Khoảng 2 năm nay, nhiều đêm liền cứ ngủ được 1-2 tiếng là cả hai chân của chị nóng râm ran, có lần nóng quá, không thể ngủ nổi, chị Phương đã phải dậy lấy chậu nước lạnh xối liên tục từ bắp chân trở xuống. “Tôi phải xối nước nhiều lần mới hết cảm giác nóng râm ran ở chân và sau đó mới có thể ngủ được”- Chị Phương nói.
Qua câu chuyện với chị Phương được biết, cách đây khoảng 7 năm chị đã thi thoảng bị dấu hiệu nóng râm ran ở chân, tưởng thiếu can xi, do công việc văn phòng phải ngồi suốt ngày nên chị đã đi khám và làm xét nghiệm can xi máu. Tuy nhiên, kết quả cho thấy chị không bị thiếu can xi. Cứ bẵng đi vài năm thi thoảng dấu hiệu đó vẫn diễn ra. Và 2 năm gần đây dấu hiệu này xảy ra thường xuyên hơn, khiến cho chị thường xuyên bị mất ngủ.
Chân bị nóng râm ran về đêm khiến chị Phương thường xuyên mất ngủ Ảnh minh họa
Khác với chị Phương, chị Thanh Mai (Linh Đàm- Hà Nội) dáng dong dỏng cao, nên chị thường chọn váy và giày cao gót từ 7-9 cm là thời trang công sở chính của mình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chị Mai thường xuyên bị đau mỏi bàn chân, bắp chân, có lần phải đi lại nhiều trong cuộc họp, chị đã phải vội bỏ giày ra để đi đôi dép lê lẹt bẹt mới đỡ cảm giác đau mỏi đó. Tuy nhiên, hôm sau đi đôi giày cao vào chân là chị Mai lại bị đau mỏi chân như cũ. Qua tìm hiểu chị Mai nghi ngờ mình bị suy giãn tĩnh mạch chân nên đã đi khám tầm soát.
Trường hợp của chị Phương, chị Mai không phải là hiếm bởi ngay tại chương trình tầm soát bệnh giãn tĩnh mạch chân ngày 2/7, đã có hàng trăm bệnh nhân, đa phần trong đó là phụ nữ các độ tuổi đến thăm khám.
Bệnh ngày càng trẻ hóa
Theo PGS.TS Đinh Thị Thu Hương bệnh giãn tĩnh mạch chân hay suy tĩnh mạch là bệnh mạn tính, thường gặp ở phụ nữ và người lớn tuổi- do quá trình lão hóa các cơ quan theo tuổi tác. Nhưng hiện nay nó cũng đang xuất hiện nhiều ở giới trẻ. Giãn tĩnh mạch chân ở nữ giới thường gặp nhiều hơn so với nam giới. Đây là tình trạng suy yếu chức năng của các tĩnh mạch ở chân, tức là việc dẫn máu về tim không còn hiệu quả nữa, gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần. Những người có nguy cơ cao mắc là: phụ nữ trong độ tuổi 35 -50, làm công việc đứng lâu, ngồi nhiều và đang có triệu chứng sớm như đau, sưng, nặng chân về chiều.
Mới đầu, người bệnh có thể thấy những hình mạng nhện màu đỏ hoặc màu xanh ở bắp chân. Khi bệnh nặng hơn, máu bị ứ trệ ở chân khiến người bệnh có cảm giác khó chịu ở chân: căng tức ở bắp chân, mỏi chân... và có các biểu hiện của hội chứng chân không nghỉ (phải rung hoặc gác chân mới có cảm giác dễ chịu). Nặng hơn nữa thì chân bị thay đổi màu sắc da, loạn dưỡng và chàm hóa da. Nhiều trường hợp không được điều trị, chân sẽ bị loét, thường là ở cổ chân. Bệnh dễ dẫn đến biến chứng như hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch giãn, có thể lan lên phổi gây tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến tử vong. Sưng, mỏi chân; nặng bắp chân; kiến bò dọc cẳng chân; chuột rút ban đêm có thể là những biểu hiện của bệnh giãn tĩnh mạch chân. Tuy nhiên, nhiều người lại không chú tâm đến nó mà chỉ nghỉ mỏi chân vì đi cả ngày, đôi giày quá chật...
Chân bị giãn tĩnh mạch
Triệu chứng thường gặp:
Các triệu chứng thường gặp nhất của bệnh giãn tĩnh mạch chân trong giai đoạn đầu là phù hai chi dưới đi kèm với cảm giác nặng, chuột rút về ban đêm, triệu chứng này sẽ bớt khi bệnh nhân kê chân cao buổi tối khi đi ngủ.
Về sau, các triệu chứng nặng dần và xuất hiện các mảng rối loạn dinh dưỡng trên da và các tĩnh mạch giãn dần, nổi ngoằn nghoèo, có thể có những đợt viêm tắc tĩnh mạch với các triệu chứng nhiễm trùng toàn thân như sốt cao, môi khô lưỡi dơ và tại chỗ tĩnh mạch bị viêm đỏ, bên trong lòng xuất hiện những cục thuyên tắc cứng...
Đi giày cao gót nhiều dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân
Biến chứng :
Là chuyên gia về lĩnh vực này, PGS.TS Đinh Thị Thu Hương cho biết, nếu không phát hiện sớm để điều trị phù hợp, bệnh giãn tĩnh mạch chân sẽ có những biến chứng như: Trước tiên là các biến chứng về rối loạn huyết động học: cẳng chân bệnh nhân bị sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm.
- Nặng hơn bệnh nhân có thể bị viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng.
- Giai đoạn cuối cùng có thể diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, các tĩnh giãn rất lớn, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị.
- Cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng rất nặng có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Điều trị thế nào?
Khuyến khích bệnh nhân có nguy cơ cao về suy tĩnh mạch như phụ nữ trong độ tuổi 35 – 50, làm công việc đứng lâu, ngồi nhiều và đang có triệu chứng sớm như đau, sưng, nặng chân về chiều nên đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm. Tùy vào cấp độ của bệnh mà các bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp khác nhau: điều trị bệnh dùng thuốc hoặc phẫu thuật chích xơ, rút bỏ tĩnh mạch bị giãn, suy...
Người bệnh cần duy trì một chế độ sinh hoạt năng động, đi bộ hằng ngày, chú ý giữ cân nặng cơ thể hợp lý, bỏ thuốc lá...
Chương trình nhằm hướng con người đến một cuộc sống lành mạnh, qua những bài thuyết trình, tư vấn của bác sỹ chuyên khoa có bề dày kinh nghiệm sẽ tư vấn những kiến thức, kinh nghiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe thông qua chế độ ăn uống, luyện tập và sinh hoạt cho người bệnh. Ở mỗi nơi chương trình diễn ra đều làm gia tăng nhận thức người dân về bệnh suy tĩnh mạch mạn tính. Việc tầm soát sớm bệnh suy tĩnh mạch giúp người dân điều trị bệnh kịp thời và hiệu quả.