Trong những ngày qua, tại tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra mưa lớn, gây ngập úng trên diện rộng và dự báo tình hình bão, lũ sẽ có diễn biến phức tạp trên địa bàn trong thời gian tới. Để góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng trong mùa mưa lũ, các đơn vị chức năng của Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị ngành y tế Quảng Ninh chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh…
Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thuỷ sản không rõ nguyên nhân
Ngày 30/7, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết đã gửi công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai một số biện pháp trong thời gian mưa, lũ như tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; Thực hiện ăn chín, uống chín.
Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tăng cường kiểm soát các nguồn cung cấp thực phẩm, ngăn ngừa việc lợi dụng tình trạng khan hiếm thực phẩm để đưa ra thị trường các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Mưa lũ "nhấn chìm" nhiều vùng đất của Quảng Ninh trong biển nước làm ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân
Vận động các cơ sở sản xuất thực phẩm bao gói sẵn, nước uống đóng chai trên địa bàn hỗ trợ những nơi bị ngập lụt nặng về thuốc, thực phẩm và nước uống.
Sau khi mưa, lũ ngừng: ngành y tế Quảng Ninh cần tiếp tục tăng cường kiểm soát các nguồn cung cấp thực phẩm, đặc biệt là các nguồn thực phẩm hỗ trợ cho các vùng ngập lụt, tránh để hiện tượng thực phẩm hết hạn, thực phẩm không an toàn đến người tiêu dùng.
Chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện giám sát, xử lý, khắc phục sự cố khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng
Vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ
Cũng liên quan đến tình hình mưa lũ diễn ra nghiêm trọng tại Quảng Ninh, Cục Y tế Dự phòng đã có công điện khẩn yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường theo các khuyến cáo của Bộ Y tế.
Theo đó người dân và các cơ sở y tế cần triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau bão lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân sử dụng nước sinh hoạt sạch sau mưa lũ
Các cơ sở y tế cũng cần tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa bão như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn… Duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới. Tổ chức các đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn người dân về vệ sinh môi trường khi cần thiết;
Chủ động cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Chloramin B, Aquatabs hoặc những hóa chất khử khuẩn khác tại các vùng có thể bị ngập lụt. Tăng cường giám sát chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt tại các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung, đảm bảo nồng độ Clo dư luôn đạt 0,3-0,5 mg/lít tại vòi sử dụng, đảm bảo người dân có nước sạch an toàn để sử dụng; Bố trí đầy đủ nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm cho các địa phương trong mùa bão lụt.
Theo con số thống kê về thiệt hại trong trận mưa lũ lịch sử của tỉnh Quảng Ninh đến ngày 30/7, có 17 người tử vong, 6 người mất tích, gần 4.000 hộ dân, trường học, bệnh xá bị ngập lụt, hàng trăm ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn; làm thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản của người dân; hạ tầng kinh tế, giao thông bị tổn thất nặng nề, giao thông ách tắc, tê liệt nhiều giờ; nhiều khu vực người dân bị chia cắt, cô lập hoàn toàn. Ước tích tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại trên 1.500 tỉ đồng trong trận mưa lũ vừa qua.
Thái Bình