Môi giới "tung chiêu" nhận cọc
Thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) Hàn Quốc luôn có một sức hút lớn đối với những người lao động có nhu cầu thật. Vì vậy, đây là "miếng mồi béo bở" để các môi giới tìm cách lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người lao động.
Theo đó, trên các trang mạng xã hội, nhiều môi giới đã chào mời, quảng bá rằng có thể đưa người lao động sang làm công việc thời vụ tại Hàn Quốc với visa E8.
Để tăng niềm tin, các môi giới còn cam kết sẽ đảm bảo các thủ tục đưa người lao động sang Hàn Quốc theo chương trình này. Với người lao động ở những địa phương chưa có thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc, các đối tượng môi giới hứa hẹn sẽ làm thủ tục chuyển khẩu đến địa phương đã có thỏa thuận với Hàn Quốc hòng thu tiền của người lao động.
Các quảng cáo tuyển dụng XKLĐ nhan nhản trên các trang mạng xã hội với nhiều thông tin hấp dẫn như xuất cảnh nhanh, việc làm ổn định, lương cao, chi phí thấp, không đòi hỏi trình độ tay nghề cao, ngoại ngữ, sức khỏe... Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, thực chất đây là những thông tin không đúng, thậm chí có tính chất lừa đảo. Bởi, người lao động muốn đi XKLĐ phải đáp ứng đủ các điều kiện về sức khỏe, ngoại ngữ, kỹ năng nghề, hiểu biết về pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán nước đến làm việc…
Nhiều 'cò mồi' XKLĐ ở Hà Tĩnh còn hứa hẹn sẽ đưa người lao động sang Hàn Quốc theo diện đưa người đi lao động thời vụ. Các môi giới cũng hứa hẹn lo hết thủ tục giấy tờ để thu thêm tiền của người lao động. Mức thu khá cao, dao động trong khoảng từ 50-60 triệu đồng.
Theo một "cò mồi", để đi lao động theo chương trình này mỗi người phải đóng phí đi là 45,5 triệu đồng và hứa bao visa. Đồng thời cam kết chắc chắn xuất cảnh vào ngày 10/1/2024 bằng văn bản và hóa đơn nhận cọc.
Lãnh đạo UBND xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), cho biết, địa bàn hiện có gần 3.000 người đang đi XKLĐ làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu... Trong số đó có rất nhiều lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.
"Sau khi nhận thông tin về việc Hà Tĩnh chưa ký kết văn bản chính thức về Thoả thuận hợp tác thực hiện chương trình lao động thời vụ tại Hàn Quốc, địa phương sẽ có kế hoạch tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về chương trình này. Tránh việc người lao động mắc 'bẫy' những môi giới đưa thông tin sai lệch trên mạng xã hội", lãnh đạo xã Cương Gián cho hay.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều lao động tin vào những lời môi giới đi XKLĐ, bị lừa đảo dẫn đến nợ nần. Có doanh nghiệp đã đưa người đi làm việc ở nước ngoài nhưng lại bằng visa du học hoặc du lịch; nếu đi theo con đường này sẽ không ai có giấy phép lao động hợp pháp, nhất là khi bị nước sở tại kiểm tra thì người lao động sẽ bị phạt tiền, bắt giữ và bị trục xuất về nước.
Theo Cổng thông tin điện tử Cục quản lý lao động ngoài nước, chương trình đưa lao động sang làm công việc thời vụ tại Hàn Quốc được thực hiện theo thỏa thuận ký giữa địa phương của Việt Nam và địa phương của Hàn Quốc, do vậy, chỉ người lao động của địa phương có ký thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc mới được tham gia chương trình.
Tại các địa phương triển khai chương trình này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) là cơ quan quản lý thực hiện và trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc là đơn vị trực tiếp tuyển chọn, hoàn thiện hồ sơ và phái cử lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Các doanh nghiệp không được tham gia thực hiện chương trình đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.
Chưa ký kết văn bản chính thức về việc triển khai chương trình visa E8
Ông Nguyễn Xuân Thái, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho biết, hiện tỉnh này chưa ký kết văn bản chính thức về Thoả thuận hợp tác thực hiện chương trình lao động thời vụ (visa E8) tại Hàn Quốc.
"Chúng tôi có nhận được thông tin một số cá nhân đăng tải, "cò mồi" đưa lao động đi làm thời vụ tại Hàn Quốc. Trên cơ sở đó Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đã có văn bản gửi các địa phương, đơn vị liên quan để khuyến cáo đối với với các thông tin nói trên", ông Thái thông tin.
Mặc dù tỉnh Hà Tĩnh chưa ký kết văn bản chính thức về Thoả thuận hợp tác thực hiện Chương trình lao động thời vụ theo hướng dẫn tại Văn số 2188/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 24/6/2022 của Bộ LĐ-TB&XH. Tuy nhiên, thời gian qua trên các trang mạng xã hội và một số cá nhân vẫn thông tin, giới thiệu, quảng cáo về việc tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai Chương trình lao động thời vụ tại Hàn Quốc; thậm chí một số cá nhân đã thu tiền của người lao động để giới thiệu tham gia chương trình.
Để ngăn chặn tình trạng các trang mạng xã hội và một số cá nhân đăng thông tin, giới thiệu, quảng cáo sai sự thật, thậm chí một số tổ chức, cá nhân có hành vi thu tiền của người lao động về chương trình này, Sở LĐ-TB&XH đề nghị UBND các các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH, các phòng, ngành liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn kịp thời thông tin đến tận cơ sở và người dân về việc tỉnh Hà Tĩnh chưa triển khai thực hiện Chương trình hợp tác đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.
UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH, phòng, ngành liên quan phối hợp công an cấp huyện, cấp xã thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin từ cơ sở; nếu phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh khuyến cáo người lao động, học sinh, sinh viên không tham gia bất kỳ các hoạt động liên quan đến tư vấn, giới thiệu và đăng ký tham gia Chương trình lao động thời vụ Hàn Quốc do tỉnh Hà Tĩnh chưa triển khai thực hiện.
Khi có chủ trương của UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình, Sở LĐ-TB&XH sẽ thông báo trực tiếp đến các cơ quan, đơn vị bằng văn bản chính thức.