Folate và acid folic là các dạng khác nhau của vitamin B9. Mặc dù có sự khác biệt rõ ràng giữa cả hai, nhưng tên của chúng thường được sử dụng thay thế cho nhau.
Vitamin B9 rất quan trọng với cơ thể…
1. Phân biệt folate với acid folic
1.1 Vitamin B9 là gì?
Vitamin B9 là một chất dinh dưỡng thiết yếu, có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể như: Đóng một vai trò trong sự phát triển của tế bào và sự hình thành của DNA…
Thiếu vitamin B9 có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe, bao gồm:
-Tăng homocysteine: Mức homocysteine cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
-Dị tật bẩm sinh: Mức folate thấp ở phụ nữ mang thai có liên quan đến các bất thường khi sinh, chẳng hạn như dị tật ống thần kinh.
-Nguy cơ ung thư: Hàm lượng folate thấp có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư…
1.2 Folate là gì?
Folate là dạng tự nhiên của vitamin B9 hay nói cách khác, vitamin B9 xuất hiện tự nhiên trong thực phẩm được gọi là folate.
Tên của nó có nguồn gốc từ chữ Latin "folium", có nghĩa là lá. Trên thực tế, các loại rau lá là một trong những nguồn cung cấp folate tốt nhất trong chế độ ăn uống.
Folate là tên gọi chung cho một nhóm các hợp chất liên quan với các đặc tính dinh dưỡng tương tự.
Dạng hoạt động của vitamin B9 là một folate được gọi là acid levomefolic hoặc 5-methyltetrahydrofolate (5-MTHF).
Trong hệ tiêu hóa, hầu hết folate trong chế độ ăn uống được chuyển đổi thành 5-MTHF trước khi đi vào máu.
Folate là dạng tự nhiên của vitamin B9.
1.3 Acid folic là gì?
Acid folic là một dạng tổng hợp của vitamin B9, còn được gọi là acid pteroylmonoglutamic. Nó được sử dụng trong các chất bổ sung và được thêm vào các sản phẩm thực phẩm chế biến, chẳng hạn như bột mì và ngũ cốc ăn sáng.
Không giống như folate, không phải tất cả acid folic khi dùng đều được chuyển hóa thành dạng hoạt động của vitamin B9 - 5-MTHF - trong hệ tiêu hóa. Thay vào đó, nó cần được chuyển hóa trong gan hoặc các mô khác của cơ thể.
Sau khi bổ sung acid folic, cơ thể cần có thời gian để chuyển đổi tất cả thành 5-MTHF. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra chậm và không hiệu quả ở một số người. Thậm chí, ngay cả một liều nhỏ, chẳng hạn như 200-400 mcg mỗi ngày, có thể không được chuyển hóa hoàn toàn cho đến khi uống liều tiếp theo. Vấn đề này có thể trở nên tồi tệ hơn khi ăn các loại thực phẩm tăng cường cùng với các chất bổ sung acid folic.
Kết quả là, acid folic chưa chuyển hóa thường được phát hiện trong máu của cơ thể, ngay cả khi ở trạng thái nhịn ăn. Đây là một nguyên nhân đáng lo ngại, vì hàm lượng acid folic không chuyển hóa cao có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe.
Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy rằng bổ sung acid folic cùng với các vitamin B khác, đặc biệt là vitamin B6, làm cho quá trình chuyển đổi hiệu quả hơn.
2. Thừa acid folic xảy ra khi nào?
Cơ thể hấp thu acid folic dễ dàng hơn folate. Người ta ước tính rằng khoảng 85% acid folic từ thực phẩm bổ sung, trong khi chỉ 50% folate tự nhiên từ thực phẩm được cơ thể sử dụng.
Sau khi acid folic được hấp thụ vào máu, nó sẽ được gan phân hủy thành các hợp chất nhỏ hơn. Tuy nhiên, gan chỉ có thể xử lý một lượng acid folic nhất định tại một thời điểm.
Do đó, tiêu thụ quá nhiều acid folic từ thực phẩm bổ sung dẫn đến thừa acid folic. Acid folic không chuyển hóa (UMFA) tích tụ trong máu (điều này không xảy ra khi ăn thực phẩm có nhiều folat). Điều này đáng lo ngại khi nồng độ UMFA trong máu cao dường như có liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác nhau.
Bổ sung quá nhiều acid folic sẽ gây hại.
3. Tác dụng phụ tiềm ẩn khi bổ sung quá nhiều acid folic
3.1 Đối với phụ nữ mang thai
Bổ sung đầy đủ acid folic trong thai kỳ là cần thiết cho sự phát triển trí não của thai nhi và làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh.
Do nhiều phụ nữ không đáp ứng được nhu cầu folate thông qua các nguồn thực phẩm, nên những người trong độ tuổi sinh đẻ thường được khuyến khích bổ sung acid folic. Tuy nhiên, bổ sung quá nhiều acid folic khi đang mang thai lại gây hại. Cụ thể:
Việc sử dụng acid folic quá liều ở bà bầu có thể gây ra những vấn đề sau:
- Rối loạn hệ thần kinh ở người mẹ và thai nhi, mẹ có thể gặp phải tình trạng bị co giật.
- Tăng nguy cơ nhẹ cân ở trẻ vì khi mẹ thừa acid folic sẽ dẫn đến việc thai nhi bị hấp thụ kẽm kém, gây nguy cơ thiếu kẽm làm sinh con bị nhẹ cân.
- Bị rối loạn hệ tiêu hóa, dễ buồn nôn, đầy hơi, cơ thể chán ăn và sút cân. Khi mang thai vấn đề ăn uống, cân nặng của mẹ lại rất quan trọng, bởi nó ảnh hưởng đến sự phát triển và nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi. Vậy nên khi mẹ bị thừa acid folic không chỉ ảnh hưởng đến mẹ mà thai nhi cũng sẽ bị tác động rất lớn.
Có thể làm chậm sự phát triển trí não ở trẻ em
Bổ sung quá nhiều acid folic khi đang mang thai có thể làm tăng tình trạng kháng insulin và làm chậm sự phát triển trí não ở trẻ.
Trong một nghiên cứu, những đứa trẻ 4 và 5 tuổi có mẹ bổ sung hơn 1.000 mcg acid folic mỗi ngày khi mang thai đạt điểm thấp hơn trong các bài kiểm tra phát triển não bộ so với con của những phụ nữ dùng 400 – 999 mcg mỗi ngày.
Một nghiên cứu khác liên hệ nồng độ folate trong máu cao hơn trong thời kỳ mang thai với nguy cơ kháng insulin cao hơn ở trẻ em từ 9-13 tuổi.
Mặc dù cần nghiên cứu thêm, nhưng tốt nhất nên tránh dùng nhiều hơn liều khuyến cáo hàng ngày là 600 mcg chất bổ sung acid folic trong khi mang thai, trừ khi có lời khuyên khác của chuyên gia y tế.
3.2 Tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu với sức khỏe
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nồng độ acid folic không chuyển hóa tăng cao mãn tính có thể có những tác động xấu đến sức khỏe, bao gồm:
3.2.1 Có thể che giấu sự thiếu hụt vitamin B12
Dùng nhiều acid folic có thể che giấu sự thiếu hụt vitamin B12.
Cơ thể sử dụng vitamin B12 để tạo ra các tế bào hồng cầu và giữ cho tim, não và hệ thần kinh hoạt động tối ưu. Nếu không được điều trị, thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến tổn thương thần kinh không thể phục hồi, điều này làm cho việc chẩn đoán chậm trễ trở nên đặc biệt đáng lo ngại.
Vì lý do này, các chất bổ sung acid folic có thể che giấu chứng thiếu máu nguyên bào khổng lồ do vitamin B12 gây ra và gây ra tình trạng thiếu hụt vitamin B12 cơ bản mà không bị phát hiện.
Thiếu máu nguyên bào khổng lồ là một tình trạng đặc trưng bởi các tế bào hồng cầu mở rộng. Nó có thể gây ra các triệu chứng như suy nhược, mệt mỏi, khó tập trung và khó thở .
Nếu bổ sung acid folic và nhận ra bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy cân nhắc kiểm tra nồng độ vitamin B12.
3.2.2 Có thể đẩy nhanh sự suy giảm tinh thần liên quan đến tuổi tác
Lượng acid folic dư thừa có thể làm tăng tốc độ suy giảm tinh thần do tuổi tác, đặc biệt là ở những người có mức vitamin B12 thấp.
Một nghiên cứu ở những người trên 60 tuổi liên kết nồng độ folate hoặc UMFA trong máu cao với sự suy giảm tinh thần ở những người có mức vitamin B12 thấp. Liên kết này không được nhìn thấy ở những người có mức B12 bình thường.
Một nghiên cứu khác cho thấy những người có lượng folate cao và lượng vitamin B12 thấp có thể bị mất chức năng não cao hơn 3,5 lần so với những người có các chỉ số máu bình thường.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng cần phải có thêm nhiều nghiên cứu trước khi có thể khẳng định chắc chắn rằng việc bổ sung một lượng acid folic cao có thể gây hại cho sức khỏe tâm thần.
3.2.3. Có thể làm tăng khả năng tái phát ung thư
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Trong khi một số nghiên cứu ghi nhận sự gia tăng nhỏ nguy cơ ung thư ở những người bổ sung acid folic, hầu hết các nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ. Do vậy, các nhà khoa học suy đoán rằng nguy cơ có thể phụ thuộc vào loại ung thư và tiền sử sức khỏe của người bệnh.
Ví dụ, một số nghiên cứu cũ hơn cho thấy những người trước đây được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư đại trực tràng bổ sung hơn 1.000 mcg acid folic mỗi ngày có nguy cơ tái phát ung thư cao hơn 1,7-6,4%.
Tuy nhiên, ăn nhiều thực phẩm giàu folate dường như không làm tăng nguy cơ ung thư, thậm chí có thể làm giảm nguy cơ này.
Do vậy, cần có thêm nghiên cứu về mối liên hệ tiềm ẩn giữa folate, các chất bổ sung acid folic, với nguy cơ và sự tái phát ung thư.
4. Dùng thế nào cho an toàn?
Không bổ sung acid folic quá liều
Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) khuyến cáo rằng người lớn trên 19 tuổi nên hạn chế tiêu thụ acid folic từ thực phẩm bổ sung ở mức 1.000 mcg mỗi ngày. Trẻ em dao động từ 300–800 mcg tùy thuộc vào độ tuổi.
Hầu hết mọi người không tiêu thụ quá 1.000 mcg acid folic mỗi ngày trừ khi đang dùng chất bổ sung với liều lượng cao. Trên thực tế, theo NIH, ước tính chỉ có khoảng 5% nam giới và phụ nữ ở độ tuổi 51-70 uống nhiều hơn lượng này mỗi ngày, chủ yếu là do sử dụng các chất bổ sung.
Acid folic có trong hầu hết các loại vitamin tổng hợp, chất bổ sung trước khi sinh và vitamin B tổng hợp và cũng được bán dưới dạng thực phẩm bổ sung. Ở một số quốc gia, một số loại thực phẩm cũng được tăng cường loại vitamin này.
Các chất bổ sung acid folic thường được khuyến khích để ngăn ngừa hoặc điều trị mức folate trong máu thấp. Hơn nữa, những người đang mang thai hoặc dự định có thai thường xuyên uống thuốc này để giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh.
Chế độ ăn kiêng khuyến nghị (RDA) cho folate là 400 mcg cho những người trên 14 tuổi. Những người đang mang thai và cho con bú nên nhận được 600 mcg tương ứng. Liều bổ sung thường dao động từ 400–800 mcg.
Cần lư ý, acid folic có thể tương tác với một số loại thuốc kê đơn, bao gồm một số loại thuốc trị co giật, viêm khớp dạng thấp, nhiễm ký sinh trùng… Do đó, nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc khác, tốt nhất nên hỏi ý kiến chuyên gia y tế trước khi sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung acid folic.
Mời độc giả xem thêm video:
Lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi