Hà Nội

Cảnh báo áp xe gan do biến chứng đái tháo đường

19-08-2023 12:20 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Nam bệnh nhân bị áp xe gan do biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương xử trí điều trị thành công.

Bệnh nhân L.Q.S. (66 tuổi, trú tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) vào viện trong tình trạng sốt cao 39 độ C, da, niêm mạc kém hồng, đường huyết tăng.

Theo thông tin hồ sơ từ tuyến dưới chuyển lên và khai thác từ người nhà, bệnh nhân được chẩn đoán mắc đái tháo đường hơn 8 năm nay và đang được điều trị thuốc. Tuy nhiên, cách thời gian vào viện khoảng 6 tuần, bệnh nhân xuất hiện sốt rét run, từng cơn, khoảng 2 - 3 cơn/ngày, nhiệt độ cao nhất 40 độ C, phải dùng thuốc hạ sốt.

Ngoài ra, bệnh nhân còn mệt mỏi nhiều, ăn uống kém, gầy sút nhanh (4 kg/6 tuần). Mặc dù được điều trị nhưng tình trạng không cải thiện nên đã được chuyển lên Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Tại Khoa Điều trị tích cực, bệnh nhân được chỉ định thăm dò chức năng toàn trạng; kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp; kiểm tra gan, lách... Thông qua các kết quả kiểm tra cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán áp xe gan, đái tháo đường type 2.

Cảnh báo áp xe gan do biến chứng đái tháo đường - Ảnh 2.

Một bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Sau khi hội chẩn nhanh liên khoa, bệnh nhân đã được xử trí kháng sinh, kiểm soát đường huyết bằng việc tiêm insulin. Sau 4 ngày điều trị lâm sàng, thể trạng bệnh nhân đã ổn định, số cơn sốt và tần suất sốt giảm dần. Qua quá trình điều trị tích cực kết hợp chế độ dinh dưỡng cùng điều trị thuốc hợp lý, tình trạng áp xe, chỉ số đường huyết của bệnh nhân nói trên đã được kiểm soát.

Điều trị sớm áp xe gan do biến chứng đái tháo đường hạn chế nguy cơ tử vong

Theo ThS.BS Nguyễn Đăng Quân - Khoa Điều trị tích cực, áp xe gan là sự hình thành ổ mủ nhiễm khuẩn trong tổ chức gan, có thể to hoặc nhỏ, đơn độc hay nhiều ổ mủ khác nhau do tác nhân vi khuẩn gây ra.

Vi khuẩn gây ra tình trạng áp xe gan hầu hết đều là thứ phát và có thể bắt nguồn từ những ổ nhiễm khuẩn trong ổ bụng thông qua đường mật, tĩnh mạch cửa, động mạch gan, chấn thương, xâm lấn từ nhiễm khuẩn do thủng tạng rỗng, đôi khi gặp sau khi chụp đường mật ngược dòng, sinh thiết gan... Tình trạng này thường gặp ở những người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh đái tháo đường, người lớn tuổi, người mắc bệnh xơ gan…

Dấu hiệu của áp xe gan do vi khuẩn thường khó nhận biết thông qua các biểu hiện lâm sàng, mà cần phải thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng. Áp xe gan do biến chứng đái tháo đường nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại biến chứng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao. Do vậy, việc điều trị sớm rất quan trọng để hạn chế nguy cơ tử vong cho người bệnh.

Cảnh báo áp xe gan do biến chứng đái tháo đường - Ảnh 3.

Bệnh nhân đái tháo đường khi bị nhiễm trùng sẽ rất nặng do hệ miễn dịch suy yếu.

Theo các bác sĩ bệnh nhân đái tháo đường khi bị nhiễm trùng sẽ rất nặng do hệ miễn dịch suy yếu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Đồng thời các bệnh lý cấp tính do vi khuẩn, virus cũng kích thích cơ thể sinh ra hormone kháng insulin khiến đường máu càng tăng cao. Cơ chế hai chiều này sẽ khiến bệnh tình trở nên trầm trọng.

Cụ thể, tế bào miễn dịch trong cơ thể bệnh nhân đái tháo đường bị suy yếu, không có khả năng đối phó với các tác nhân gây bệnh. Đường huyết cao cũng là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Một vết thương nhỏ cũng đủ để vi khuẩn sinh sôi, phát triển.

Ở bệnh nhân đái tháo đường, các triệu chứng nhiễm trùng thường không điển hình, khá mờ nhạt. Bệnh nhân thường chỉ sốt nhẹ, nhiệt độ dao động 37-38 độ C, người mệt mỏi, ăn uống kém,.. nên dễ chủ quan đến khi triệu chứng nặng hơn thì tình trạng bệnh đã rất nghiêm trọng.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo đối bệnh nhân đái tháo đường cần tuân thủ điều trị, có chế độ dinh dưỡng, tập luyện phù hợp. Khi có những biểu hiện bất thường, bệnh nhân cần đến ngay bệnh viện để thăm khám, xét nghiệm và được chỉ định phương pháp điều trị hợp lý.

Bệnh áp xe gan biểu hiện như thế nào?

Biểu hiện toàn thân: sốt cao liên tục 39-400C, nhiều cơn sốt rét run, mệt lả, li bì, vã mồ hôi, đau bụng nhiều vùng gan, trên rốn. Áp xe do ký sinh trùng thì ít khi sốt, đau hơn so với áp xe do vi khuẩn, nấm.

Triệu trứng tại gan: ấn đau vùng gan, gây cảm giác tức nặng vùng dưới sườn phải, đè vào vùng dưới cơ hoành gây đau tức vùng dưới ngực phải, khó thở.

Biểu hiệu bệnh nặng, biến chứng:

+ Suy hô hấp: do viêm phổi vùng lân cận khối áp xe, hoặc vỡ áp xe vào màng phổi.

+ Vỡ áp xe vào ổ bụng: gây đau lan bụng dữ dội, nôn ra máu, mủ, tiêu chảy…

+ Vỡ áp xe vào màng tim: đột ngột khó thở, vã mồ hôi, da tím tái, tiếng tim không nghe rõ, nếu không sớm cấp cứu bệnh nhân có thể tử vong vì bị ép tim cấp

+ Nhiễm khuẩn toàn thân nặng: suy tuần hoàn, tụt huyết áp, suy hô hấp, suy gan cấp…


Thanh Thảo
Ý kiến của bạn