Liên tiếp cầu bị tông sập
Mới đây nhất, trưa ngày 20/3, một sà lan đã tông vào cầu Ghềnh ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai) làm gãy hai nhịp cầu, khiến nhiều người đang di chuyển trên cầu bị rơi xuống sông. Vụ sập cầu Ghềnh đã khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam tạm thời tê liệt. Công an Đồng Nai đã ký lệnh tạm giữ hình sự ông Phan Thế Thượng (62 tuổi, ngụ TP.HCM) để điều tra về hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy; Trần Văn Giang (36 tuổi, ngụ Sóc Trăng) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, ngụ Bạc Liêu) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.
Tại Hà Tĩnh, sáng 12/3/2016, một sà lan chở cát di chuyển trên kênh nhà Lê hướng Đức Thọ - thị xã Hồng Lĩnh đã đâm vào mố cầu Cơn Độ khiến cầu gãy sập. Trước đó, ngày 6/3/2016, tàu Thành Luân HP 3016, tải trọng 3.000 tấn lưu thông hướng từ Hải Dương tới Hải Phòng đã đâm va dầm cầu An Thái, khiến dầm cầu dài hơn 209m, rộng 11m bị rạn nứt ở khu vực giữa đỉnh cầu. Nguyên nhân ban đầu được xác định, do tàu có độ cao, khi lưu thông đến đây gặp thủy triều lên khiến xảy ra vụ tai nạn. Trước thời điểm xảy ra vụ tai nạn, tàu đã hết hạn kiểm định từ tháng 1/2016.
Tại TP.HCM, ngày 18/9/2015, sà lan chở hàng trăm tấn cát lưu thông trên rạch Long Kiểng, khi đi qua cầu Long Kiển đã va chạm khiến cây cầu sắt này hư hỏng. Cú tông khiến 9 gối cầu nhịp thông thuyền bị lệch, 1 bộ giằng gió bị đứt. Ngày 12/7/2015, tàu kéo theo sà lan số hiệu LA 03671 do ông Trần Văn Trung (ngụ quận 4) điều khiển lưu thông trên sông Chợ Đệm (hướng từ cầu Bình Điền về huyện Bình Chánh). Khi đến khu vực lòng sông thuộc xã Tân Nhựt đã va vào cầu Cái Tâm. Cây cầu được xây dựng hàng tỷ đồng từ đóng góp của người dân bị sập hoàn toàn.
Hình ảnh sập cầu Ghềnh.
Quản lý giao thông thủy có vấn đề
Liên quan đến vụ việc sập cầu Ghềnh vừa qua, theo điều tra bước đầu của ngành chức năng, nguyên nhân gây ra vụ đâm va nêu trên là do tài công điều khiển sà lan đã vi phạm các quy định về giao thông đường thủy nội địa, đến thời điểm gây tai nạn, chiếc tàu kéo đã quá hạn đăng kiểm gần 3 tháng, nên không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, cho thấy được sự coi thường pháp luật của người chủ chiếc tàu kéo mang biển số SG-3745 khi không chấp hành các quy định của pháp luật về đăng kiểm phương tiện giao thông thủy. Qua đây cũng cho thấy có lỗ hổng lớn trong việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về đăng kiểm của ngành quản lý.
Trao đổi với Trung tá Nguyễn Ngọc Khanh - Đội trưởng Đội Xử lý vi phạm giao thông, Phòng CSGT tỉnh Kiên Giang cho thấy, giao thông đường thủy khác nhiều so với đường bộ vì có nhiều nhánh sông nhỏ mà chủ tàu có thể cho tàu “tấp” vào nhằm trốn tránh sự kiểm soát của ngành chức năng. Bên cạnh đó, không ít chủ tàu thủy ở khu vực Nam Bộ là tâm lý “nghề dạy nghề” và thói quen lâu nay là cha, chú biết lái sà lan, dạy lại cho con cháu. Sẽ không có gì đáng nói nếu như bên cạnh việc chỉ bảo từ kinh nghiệm của cha, chú, thế hệ lớp con cháu được theo học đầy đủ các khóa học về đào tạo lái tàu và thi sát hạch nghiêm túc của ngành chức năng để được cấp bằng lái. Thế nhưng, thực tế nhiều năm qua ở nhiều địa phương chưa được chú trọng.
Theo số liệu thống kê của Bộ GTVT, hệ thống đường thủy nội địa Việt Nam rất phong phú, có tới 2.360 con sông, kênh lớn nhỏ với tổng chiều dài khoảng 41.900km. Trên các quốc lộ và tỉnh lộ có tổng cộng 7.440 công trình cầu, tương đương với đó là hàng ngàn cây cầu đường bộ bắc qua sông. Thực tế này cho thấy sẽ có nhiều sự cố giao thông đường thủy đang trực chờ. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn có thể ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ tai nạn nếu ngành chức năng có các giải pháp căn cơ xử lý cương quyết và đồng bộ đối với việc đăng kiểm cũng như sát hạch cấp bằng lái.