Cảnh báo 7 nguy cơ khi thiếu magiê, bổ sung thế nào?

25-07-2022 14:30 | Dược

SKĐS - Hạ magiê máu do thiếu magiê sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe, thậm chí nghiêm trọng. Thế nhưng thực tế vấn đề sức khỏe này lại thường bị bỏ qua.

Trong hầu hết các trường hợp, thiếu hụt magiê thường không được chẩn đoán sớm (do các dấu hiệu thường không rõ ràng) cho đến khi thiếu hụt nghiêm trọng và xuất hiện các triệu chứng.

Có nhiều nguyên nhân gây thiếu hụt magiê như:

  • Không đủ dinh dưỡng, kém hấp thu
  • Dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc hóa trị và thuốc ức chế bơm proton
  • Tiêu chảy cấp tính hoặc mạn tính
  • ‘Hội chứng đói xương’ sau phẫu thuật tuyến cận giáp hoặc tuyến giáp
  • Phẫu thuật dạ dày

Các tình trạng sức khỏe như đái tháo đường, bệnh celiac có liên quan đến mất magiê. Những người bị rối loạn sử dụng rượu cũng có nguy cơ bị thiếu khoáng chất này cao hơn.

Thiếu magiê- Ảnh 1

Magiê là khoáng chất rất quan trọng với sức khỏe

1. Những nguy cơ do thiếu magiê

1.1 Co giật cơ và chuột rút do thiếu magiê

Các dấu hiệu phổ biến của thiếu magiê bao gồm co giật cơ, run và chuột rút. Tuy nhiên, co giật cơ không tự chủ có thể còn do nhiều nguyên nhân khác. Ví dụ, căng thẳng hoặc quá nhiều caffeine cũng có thể gây ra co thắt cơ không tự chủ hoặc có thể do tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc là triệu chứng của bệnh thần kinh cơ (như chứng loạn dưỡng cơ, bệnh đa xơ cứng, bệnh nhược cơ)... Mặc dù các cơn co giật cơ thường không thường xuyên, nhưng nếu các triệu chứng vẫn còn tiếp tục, cần đi khám.

Trong khi các chất bổ sung magiê có thể giúp giảm co giật cơ và chuột rút ở một số người bị thiếu hụt, nhưng lại không có khả năng làm giảm các triệu chứng này ở người lớn tuổi hoặc những người không thiếu magiê.

1.2. Ảnh hưởng đến tâm trạng

Thiếu hụt magiê có thể tác động tới sức khỏe tâm thần như thờ ơ (được đặc trưng bởi sự tê liệt về tinh thần hoặc thiếu cảm xúc). Sự thiếu hụt tồi tệ hơn thậm chí có thể dẫn đến mê sảng và hôn mê.

Ngoài ra, các nghiên cứu quan sát cho thấy mức magiê thấp có liên quan đến việc tăng nguy cơ trầm cảm. Các nhà khoa học cũng đã suy đoán rằng thiếu magiê có thể thúc đẩy lo lắng (nhưng thiếu bằng chứng trực tiếp).

Một đánh giá kết luận rằng bổ sung magiê có thể có lợi cho một nhóm nhỏ những người bị rối loạn lo âu, nhưng cần thêm các nghiên cứu về vấn đề này.

Thiếu magie- Ảnh 2

Chuột rút là một triệu chứng của thiếu hụt magiê

1.3. Loãng xương

Loãng xương gây xương yếu và tăng nguy cơ gãy xương. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh loãng xương, bao gồm:

  • Sự lão hóa
  • Thiếu vận động
  • Chế độ ăn uống thiếu vitamin D và K

Nhưng thiếu magiê cũng là một yếu tố nguy cơ gây loãng xương. Sự thiếu hụt có thể làm suy yếu xương trực tiếp, nhưng nó cũng làm giảm nồng độ canxi trong máu, chất xây dựng chính của xương.

Các nghiên cứu trên chuột xác nhận rằng chế độ ăn uống thiếu magiê dẫn đến giảm khối lượng xương. Mặc dù không có nghiên cứu nào như vậy được thực hiện ở người, nhưng nghiên cứu cho thấy việc hấp thụ magiê kém có mật độ khoáng xương thấp hơn.

1.4. Mệt mỏi và yếu cơ

Mệt mỏi, một tình trạng đặc trưng bởi kiệt sức hoặc suy nhược về thể chất hoặc tinh thần, là một triệu chứng khác của thiếu magiê.

Do mệt mỏi là một triệu chứng không đặc hiệu nên không thể xác định được nguyên nhân trừ khi nó đi kèm với các triệu chứng khác.

Một dấu hiệu cụ thể hơn của sự thiếu hụt magiê là yếu cơ. Theo các nhà khoa học, sự yếu cơ này là do mất kali trong các tế bào cơ, một tình trạng liên quan đến sự thiếu hụt magiê. Do đó, thiếu magiê là một trong những nguyên nhân có thể gây ra mệt mỏi hoặc suy nhược.

1.5. Tăng huyết áp

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy sự thiếu hụt magiê có thể làm tăng huyết áp, là một yếu tố nguy cơ cao gây bệnh tim.

Trong khi thiếu bằng chứng trực tiếp ở người, một số nghiên cứu quan sát cho thấy rằng mức magiê thấp có thể làm tăng huyết áp.

Một số đánh giá đã kết luận rằng bổ sung magiê có thể làm giảm huyết áp, đặc biệt là ở người lớn bị huyết áp cao. Nói một cách đơn giản, thiếu magiê có thể làm tăng huyết áp, do đó, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa trước khi có thể hiểu đầy đủ về vấn đề này.

1.6. Bệnh hen suyễn

Sự thiếu hụt magiê đôi khi được thấy ở những người bị hen suyễn nặng. Ngoài ra, mức magiê có xu hướng thấp hơn ở những người bị hen suyễn so với những người không bị tình trạng này.

Các nhà nghiên cứu tin rằng thiếu magiê có thể gây ra sự tích tụ canxi trong các cơ lót đường dẫn khí của phổi. Điều này làm cho đường thở bị co lại, làm cho việc thở trở nên khó khăn hơn.

1.7. Nhịp tim không đều

Rối loạn nhịp tim, hoặc nhịp tim không đều, là một trong những tác động nghiêm trọng nhất có thể xảy ra của việc thiếu magiê. Rối loạn nhịp tim có thể từ không gây ra triệu chứng đến gây ra các triệu chứng rất nghiêm trọng. Ở một số người, nó có thể khiến tim đập nhanh.

Các triệu chứng rối loạn nhịp tim khác có thể xảy ra bao gồm:

  • Khó thở
  • Tức ngực
  • Ngất xỉu
  • Chóng mặt
  • Mệt mỏi
Thiếu magie- ảnh 3

Có rất nhiều thực phẩm giàu magiê để lựa chọn

Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, rối loạn nhịp tim có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc suy tim.

Theo các nhà khoa học, sự mất cân bằng nồng độ kali bên trong và bên ngoài tế bào cơ tim - một tình trạng liên quan đến sự thiếu hụt magiê - có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Một số người bị suy tim sung huyết và rối loạn nhịp tim đã được chứng minh là có lượng magiê thấp hơn những người không bị suy tim.

Trong một nghiên cứu nhỏ ở nhóm người bị suy tim, việc tiêm magiê đã cải thiện đáng kể chức năng tim của những người tham gia. Bổ sung magiê cũng có thể giúp giảm các triệu chứng ở một số người bị rối loạn nhịp tim.

2. Làm thế nào để có đủ magiê?

Magiê được tìm thấy rộng rãi trong cả thực phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật. Các nguồn phong phú nhất là hạt và quả hạch, nhưng ngũ cốc nguyên hạt, đậu và rau lá xanh cũng là những nguồn tương đối tốt chứa khoáng chất này.

Dưới đây là hàm lượng magiê trong 100 gram của một số thực phẩm:

  • Hạnh nhân: 279 mg
  • Hạt bí ngô: 550 mg
  • Sô cô la đen: 228 mg
  • Đậu phộng: 176 mg

Ví dụ, chỉ 1 ounce (28,4 gram) hạnh nhân cung cấp 19% RDA (khuyến nghị hàng ngày) cho magiê.

Các nguồn magiê tuyệt vời khác bao gồm: Hạt lanh, hạt hướng dương, hạt chia, ca cao, cà phê, hạt điều, hạt phỉ, yến mạch…

Những thực phẩm này cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng lành mạnh khác. Bao gồm chúng trong chế độ ăn uống của bạn không chỉ làm giảm nguy cơ thiếu magiê mà còn hỗ trợ cho sức khỏe tổng thể.

Magiê cũng được thêm vào nhiều loại ngũ cốc ăn sáng và các loại thực phẩm chế biến khác.

Nếu bạn có một tình trạng sức khỏe khiến cơ thể mất magiê, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường, điều quan trọng là bạn phải ăn nhiều thực phẩm giàu magiê hoặc uống thuốc bổ sung. Nói chuyện với bác sĩ về việc lập kế hoạch tăng lượng magiê phù hợp với nhu cầu của bạn.

Mời độc giả xem thêm video:

Rong biển- vị thuốc

Trịnh Xuân Nguyên
(Theo healthline)
Ý kiến của bạn