Căng thẳng xung quanh vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích bí ẩn: Mỹ loay hoay “xử” đồng minh A-rập Xê-út

17-10-2018 06:17 | Quốc tế
google news

SKĐS - Căng thẳng giữa Mỹ và A-rập Xê-út đột ngột gia tăng sau vụ mất tích bí ẩn của nhà báo A-rập Xê-út Jamal Khashoggiđang chuẩn bị xin nhập tịch Mỹ. Sau những tranh cãi đỉnh điểm, dường như quan hệ đồng minh Mỹ- A-rập Xê-út đã “bước sang một trạng thái mới” ẩn chứa nhiều nguy cơ.

Nhà báo Jamal Khashoggiđược cho là đã mất tích kể từ ngày 2/10 sau khi ông này vào tòa nhà lãnh sự quán A-rập Xê-út để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên sau nhiều giờ, ông này vẫn chưa trở ra. Thế nhưng, người vợ chưa cưới lại được thông báo rằng nhà báo Jamal Khashoggiđã rời khỏi sứ quán. Cũng đã có thông tin nhà báo này đã bị sát hại tại tòa lãnh sự. Trước đó,ông Jamal Khashoggi được biết đến là nhà báo, nhà bình luận chính trị nổi tiếng thường xuyên chỉ trích các chính sách của Thái tử A-rập Xê-út Mohammed bin Salman. Nhà báo Khashoggi đã tới Mỹ sống lưu vong từ năm 2017 do lo sợ bị chính phủ A-rập Xê-út trả thù. Ông cộng tác với Washington Post và đóng góp các bài viết về A-rập Xê-út và Trung Đông cho BBC.

Hình ảnh trích xuất từ camera cho thấy nhà báo Jamal Khashoggi đã vào Tòa lãnh sự A-rập Xê-út hôm 2/10.

Hình ảnh trích xuất từ camera cho thấy nhà báo Jamal Khashoggi đã vào Tòa lãnh sự A-rập Xê-út hôm 2/10.

Chính vì thế, sự mất tích bí ẩn của nhà báo Jamal Khashoggiđược cho là một ẩn số, khiến giới chức Mỹ đặc biệt quan tâm. Bởi thứ nhất, nhà báo Jamal Khashoggiđang xin nhập tịch Mỹ và thứ hai có nhiều thông tin rằng sự mất tích bí ẩn của nhà báo A-rập Xê-út có liên quan đến những ẩn số chính trị tại A-rập Xê-út. Xin nhắc lại rằng quan hệ Mỹ - A-rập Xê-út đã rạn nứt ngay từ năm 1973 sau khi A-rập Xê-út áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ để trừng phạt Mỹ và phương Tây vì đã ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh A-rập Xê-út - Israel. Nay, vụ mất tích bí ẩn của nhà báo Jamal Khashoggiđược cho là “giọt nước tràn ly” có thể biến những nghi kỵ tiềm tàng trở thành mồi lửa châm ngòi mâu thuẫn.

Trong một diễn biến mới nhất khiến dư luận dậy sóng, báo chí quốc tế thông tin, Thổ Nhĩ Kỳ đang cáo buộc A-rập Xê-út đã giết nhà báo Jamal Khashoggitrong tòa lãnh sự tại Istabul, sau đó “phân tách thi thể” để đưa ra ngoài. Ankara cũng tuyên bố họ có bằng chứng. Hãng tin CNN và Wall Street Journal của Mỹ sáng 16/10 chạy dòng tít lớn về chủ đề này và dẫn các nguồn giấu tên tiết lộ chính phủ A-rập Xê-út có thể sắp công bố báo cáo thừa nhận nhà báo Jamal Khashoggi thiệt mạng ngoài ý muốn trong một cuộc thẩm vấn sau khi bị bắt cóc.

Hiện chưa rõ thực hư ra sao nhưng vụ việc nhanh chóng khiến quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - A-rập Xê-út trở nên căng thẳng, và giới quan sát thì cho rằng có những động cơ chính trị phía sau. Tờ Guardian dẫn lời James Oberwetter, cựu đại sứ Mỹ tại A-rập Xê-út, nhận định: “Vụ mất tích của Khashoggi đặt Tổng thống Trump và chính quyền của ông vào tình thế đi trên dây và mọi người sẽ chờ xem họ hành xử ra sao”. Theo Washigton Post, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cử Ngoại trưởng Mike Pompeo tới A-rập Xê-út để xác minh sự việc và cảnh báo sẽ “trừng phạt nghiêm khắc” nếu phát hiện A-rập Xê-út có liên quan đến cáo buộc sát hại nhà báo.

Trong khi đó, New York Times dẫn lời Steven A. Cook, học giả tại viện nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ) cho rằng, vụ mất tích của nhà báo người A-rập Xê-út ở Thổ Nhĩ Kỳ đã hé lộ những căng thẳng và tham vọng ở thế giới Hồi giáo. Còn Kênh Aljazzera dẫn lời các nhà phân tích khu vực nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng trường hợp nhà báo Khashoggi như một đòn bẩy chính trị, tác động lên bàn đàm phán với A-rập Xê-út hoặc với Mỹ. Giới phân tích nhận định vụ việc này sẽ còn  kéo theo nhiều ấn số về quan hệ chính trị ở Trung Đông.

Vấn đề đặt ra là liệu quan hệ đồng minh Mỹ - A-rập Xê-út sẽ đi về đâu sau diễn biến này? Dưới góc nhìn phân tích, những lợi ích cùng với toan tính chiến lược sẽ không đẩy căng thẳng giữa Mỹ - A-rập Xê-ú đi quá xa, đặc biệt là về phía Mỹ. Thứ nhất, Mỹ hiện đang rất cần đồng minh A-rập Xê-út để “kiềm chân” các thế lực cực đoan ở Trung Đông. Thứ hai, về kinh tế, A-rập Xê-út là nhà nhập khẩu hàng đầu trang thiết bị quân sự và hàng hóa Mỹ. Thứ ba, nếu “làm găng” với A-rập Xê-út, rất có thể Mỹ sẽ đẩy đồng minh truyền thống vào vòng tay các đối thủ chiến lược như Trung Quốc và Nga.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump sẽ hành xử với đồng minh A-rập Xê-út tới đâu vẫn là một ẩn số khó dự đoán. Chính vì thế, vụ việc nhà báo Khashoggi nếu không được xử lý rốt ráo, rất có thể sẽ khiến quan hệ Mỹ - các nước Trung Đông bước vào một vòng xoáy căng thẳng mới.


N.Minh
Ý kiến của bạn