Căng thẳng vùng Vịnh không hạ nhiệt: Nhiều hệ lụy nguy hiểm

26-06-2017 06:33 | Quốc tế
google news

SKĐS - Bản yêu sách gồm 13 điểm mà Saudi Arabia và các đồng minh đưa ra đối với Qatar vi phạm chủ quyền của Doha cũng như không hợp lý.

Bản yêu sách gồm 13 điểm mà Saudi Arabia và các đồng minh đưa ra đối với Qatar vi phạm chủ quyền của Doha cũng như không hợp lý. Đây là phản ứng đầu tiên của Doha đối với những yêu cầu từ các nước Arab vùng Vịnh đã cắt đứt quan hệ ngoại giao Qatar từ 3 tuần nay.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 24/6, quan chức phụ trách truyền thông của Chính phủ Qatar Sheikh Saif bin Ahmed Al-Thani nhấn mạnh những yêu cầu của các nước Arab vượt quá mục tiêu chống khủng bố mà các nước này đề ra. Đại diện Chính phủ Qatar cáo buộc việc phong tỏa ngoại giao với Qatar không nhằm mục đích chống khủng bố mà nhằm tác động đến chủ quyền của Qatar và can thiệp vào chính sách ngoại giao của Doha.

Hiện, Saudi Arabia và các đồng minh vẫn tiếp tục gây áp lực đối với Qatar. Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) Anwar Gargash nhấn mạnh, các nước Arab không tìm cách “thay đổi chế độ” ở Qatar song sẵn sàng cắt đứt quan hệ nếu Doha không chấp nhận những yêu cầu trên. Ông Gargash cảnh báo Qatar nên thực hiện nghiêm túc các yêu cầu nêu trên hoặc phải chấp nhận “ly hôn” với các quốc gia láng giềng ở vùng Vịnh.

Căng thẳng vùng Vịnh không hạ nhiệt: Nhiều hệ lụy nguy hiểmKhủng hoảng vùng Vịnh kéo dài sẽ kéo theo khủng hoảng kinh tế khu vực.

Trước đó, theo kênh truyền hình Al-Jazeera, liên minh do Saudi Arabia đứng đầu đưa ra một danh sách gồm 13 yêu cầu, trong đó có yêu cầu Qatar đóng cửa kênh Al-Jazeera, hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran, trục xuất tất cả thành viên Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran, cắt đứt mọi hợp tác quân sự với Tehran và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này. Ngoài ra, danh sách này còn yêu cầu Qatar cắt mọi quan hệ với các “tổ chức khủng bố”, trong đó có tổ chức Anh em Hồi giáo, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và phong trào Hezbollah ở Liban.

Các nước Arab láng giềng của Qatar khẳng định bản yêu sách này là “điểm cốt yếu”, không phải là điểm khởi đầu cho các cuộc thương lượng, đồng thời phát đi tín hiệu rằng nếu Qatar từ chối tuân thủ bản yêu sách theo khung thời hạn đã định, họ sẽ tiếp tục cô lập Qatar cả về đường biển, đường bộ và đường không một cách vô hạn định. Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh bùng phát ngày 5/6, sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, UAE, Bahrain cùng một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, vì cho rằng Doha ủng hộ khủng bố, can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước trong khu vực.

Hệ lụy nguy hiểm

Tất nhiên, Qatar kịch liệt bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng các nước láng giềng đang tìm cách can thiệp vào chính sách đối ngoại của Doha. Trong một tuyên bố ngày 23/6, Washington bắt đầu cho thấy những dấu hiệu muốn rút khỏi cuộc tranh cãi này khi miêu tả cuộc khủng hoảng như “vấn đề nội bộ” của các nước vùng Vịnh.

Chia rẽ và mâu thuẫn hiện nay được cho là sẽ dẫn tới những hệ lụy nguy hiểm tại khu vực. Đó là nguy cơ một cuộc chiến khu vực có thể xảy ra trong tương lai nếu như các nước Arab quá o ép Qatar. Việc Thổ Nhì Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Qatar về quân sự, việc Arab Saudi thay thế Thái tử cũ bằng con trai Quốc vương Arab Saudi Al Salman, “người thiết kế”cuộc chiến Yemen, có lập trường cứng rắn với Iran và Qatar là những tín hiệu cho thấy các bên sẽ không nhượng bộ. Đáng chú ý, việc Arab Saudi tuyên bố đã bắt giữ 3 thành viên của Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran với cáo buộc âm mưu tiến hành một vụ tấn công khủng bố trên lãnh thổ nước này, được cho là “một cú sốc nữa” khiến khủng hoảng vùng Vịnh leo thang.

Ngày 20/6, Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thắn đặt câu hỏi về động cơ của Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất cùng các quốc gia vùng Vịnh khác khi các nước này đồng loạt tẩy chay Qatar. Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảm thấy “khó hiểu” khi các nước vùng Vịnh không giải thích rõ những lý do dẫn tới việc cô lập, trừng phạt Cata ở mức độ chưa từng có như hiện nay. “Tại thời điểm này, chúng tôi có một câu hỏi duy nhất: liệu hành động của các nước vùng Vịnh có thực sự xuất phát từ lo ngại Qatar hỗ trợ cho khủng bố theo như cáo buộc, hay xuất phát từ những mâu thuẫn âm ỉ lâu nay giữa các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh”, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói.

Việc Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thắn chất vấn các hành động cô lập Qatar không chỉ là một động thái hiếm thấy mà còn cho thấy sự sốt ruột của Mỹ khi cuộc khủng hoảng kéo dài. Trên thực tế, Qatar là nơi đặt căn cứ quân sự then chốt của Mỹ, căn cứ Al Udeid, nơi đóng quân của hơn 11 nghìn lính Mỹ và liên quân cùng hơn 100 máy bay tham gia không kích chống IS.

Giới phân tích cho rằng, nếu căng thẳng leo thang và kéo dài sẽ tác động lớn đối với nền kinh tế khu vực và thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Dù cuộc khủng hoảng hiện nay chưa tác động ngay đến thị trường năng lượng thế giới. Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài sẽ gây trở ngại cho các hoạt động khai thác, xuất khẩu dầu và khí đốt của Qatar, từ đó ảnh hưởng đến thị trường năng lượng khiến giá dầu tăng theo. Hiện châu Âu là khách hàng khí đốt lớn của Qatar, cho nên bất cứ gián đoạn nào trong khâu xuất khẩu mặt hàng này đều là vấn đề đáng lo ngại.


N.Quang
Ý kiến của bạn