Căng thẳng trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình

24-09-2015 19:55 | Quốc tế

SKĐS - Cuộc họp Thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngày 25/9/2015 tại Nhà Trắng là dịp để lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ ...

Cuộc họp Thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngày 25/9/2015 tại Nhà Trắng là dịp để lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ đề cập đến những hồ sơ đang gây căng thẳng giữa hai nước, trong đó căng thẳng nhất là hồ sơ biển Đông, trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng bồi đắp và quân sự hóa nhiều đảo ở vùng biển Đông.

Căng thẳng trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình

Hai nhà lãnh đạo đề cập đến những hồ sơ đang gây căng thẳng giữa hai nước.

Được biết, theo lịch trình, Chủ tịch Tập Cận Bình trước hết đến Seatle, rồi mới đi Washington và sau đó là diễn đàn Liên hợp quốc ở New York. Chuyến đi diễn ra trong bầu không khí giá băng giữa hai nước. Nhiều người Mỹ đủ mọi khuynh hướng đả kích sự đón tiếp trân trọng dành cho Chủ tịch nước Trung Quốc và buổi dạ yến khoản đãi ở Nhà Trắng. “Nếu tôi là Tổng thống, tôi sẽ mua cho ông ta một chiếc bánh hamburger ở McDonald, rồi bắt đầu làm việc”. Donald Trump, cũng như nhiều ứng cử viên Tổng thống Mỹ khác coi Bắc Kinh là nguồn gốc của mọi vấn đề.

Trong khi năm 2015 khởi đầu có vẻ tốt đẹp. Ông Barack Obama và ông Tập Cận Bình thông báo một kế hoạch chung chống tình trạng hâm nóng khí hậu, cùng xác định các mục tiêu để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2030. Ông Tập Cận Bình cũng ủng hộ hiệp định nguyên tử Iran, mà Nhà Trắng phải hết sức vất vả mới đạt được.

Tuy nhiên, các lãnh đạo ở Bắc Kinh vẫn xem chính sách “xoay trục” sang châu Á của Mỹ trên thực tế chỉ là nhằm kiềm chế Trung Quốc về mặt địa chính trị. Bản thân Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang khai thác tinh thần dân tộc của người Trung Quốc, đặc biệt trên vấn đề chủ quyền biển Đông. Cho nên chắc chắn là ông sẽ không làm theo yêu cầu của chính quyền Obama là “ngưng ngay lập tức các hoạt động bồi đắp và quân sự hóa các đảo trên biển Đông”. Bên cạnh đó, các vụ tấn công tin tặc nhắm vào những công ty Mỹ, mà Trung Quốc bị nghi là thủ phạm cũng là vấn đề chính đang gây sóng gió trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Mỹ đã công khai lên án Bắc Kinh vì xem đó là những hành động “gây mất ổn định” và “đe dọa an ninh khu vực”.

Nhưng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng dữ dội. Bắc Kinh bị tố cáo trộm cắp các bí mật công nghiệp, nhờ đó các công ty có thể Trung Quốc thủ lợi. Vấn đề này không mới mẻ gì nhưng đã làm trầm trọng thêm trong những tháng gần đây. Các vụ gián điệp tin học tại Mỹ đã tăng đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái - theo công bố mới đây của FBI - và Trung Quốc là thủ phạm hàng đầu. Tổng thống Obama đe dọa trả đũa bằng cách hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các nhà quan sát cho rằng, Bắc Kinh cũng sẽ tỏ ra cứng rắn về quần đảo Trường Sa, nơi họ đã cho xây nhiều đảo nhân tạo bất chấp sự phản đối của các láng giềng. Các đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc, sự kiện này đã được lịch sử và luật pháp chứng minh - theo Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ông ta nói thêm: “Đó là quan điểm của Trung Quốc và quan điểm này sẽ không thay đổi”. Như vậy, cuộc đối thoại rồi cũng không đi đến đâu.

Bữa tiệc chiêu đãi ông Tập Cận Bình tại thành phố Seattle - chặng dừng chân đầu tiên của ông trên đất Mỹ chẳng phải là quốc yến và không có mặt Tổng thống Mỹ Barack Omaba. Ấy vậy mà người ta phải nhướng mắt nhìn nhau khi thấy trong thực đơn có wasabi, loại gia vị độc chiêu của ẩm thực Nhật Bản, không thể nhầm lẫn với bất kỳ nguyên liệu của quốc gia nào khác. Ai cũng biết mối quan hệ đầy sóng gió giữa Trung Quốc và Nhật Bản với các mắc mứu khó gỡ của lịch sử. Thế nên người Mỹ chẳng có lý do gì, nếu thực sự muốn làm vui lòng khách mời, lại đưa nguyên liệu độc chiêu của người Nhật vào thực đơn trong buổi tiếp đãi đầu tiên dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Thêm vài nguyên liệu khác, nổi tiếng trong ẩm thực Nhật Bản nhưng cũng phổ biến ở những nước khác, được ghi theo tên cách gọi của người Nhật trong tờ thực đơn. Chẳng hạn củ cải trắng, thay vì được ghi bằng tên chung thông dụng “white radish” thì được ghi theo cách gọi của người Nhật là “daikon”. Đối với loại đậu nành trong trái dài, hạt to, thực đơn ghi là edamame - cách gọi của người Nhật cho món đậu nành Nhật Bản luộc. Trong khi đó, người ta có thể thay bằng một cách viết “trung lập” hơn như “green soy bean” đối với loại đậu phổ biến ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

 (Theo AFP, CNN)

Quỳnh Anh

 


Ý kiến của bạn