Căng thẳng trở lại trên bán đảo Triều Tiên

21-08-2016 5:52 PM | Quốc tế

SKĐS - Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thiết lập hệ thống giám sát thường xuyên vệ tinh nhân tạo của các nước nhằm đối phó với khả năng Triều Tiên khiêu khích bằng tên lửa.

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thiết lập hệ thống giám sát thường xuyên vệ tinh nhân tạo của các nước nhằm đối phó với khả năng Triều Tiên khiêu khích bằng tên lửa. Đây là động thái mới nhất cho thấy các nước đang cảnh giác về Bình Nhưỡng.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết sẽ triển khai hệ thống giám sát vệ tinh mới này muộn nhất là vào năm 2022. Ngân sách chuẩn bị cho hệ thống này trong năm nay là 200 triệu yen (xấp xỉ 2 triệu USD). Quyết định lập mạng lưới giám sát của Chính phủ Nhật Bản nhằm tăng cường hệ thống thu thập thông tin về Triều Tiên, đẩy mạnh chia sẻ thông tin với Mỹ.

Động thái trên diễn ra sau khi Triều Tiên ngày 17/8 xác nhận nước này đã nối lại hoạt động sản xuất plutonium. Ngay lập tức, Mỹ và Hàn Quốc đã lên tiếng chỉ trích động thái này là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). “Nếu những thông tin này là đúng thì đây chắc chắn là sự vi phạm rõ rệt các nghị quyết của HĐBA LHQ cấm những hoạt động như vậy” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nhấn mạnh. Ông Mark Toner đã tái khẳng định “cam kết vững chắc của Mỹ bảo vệ các đồng minh trong khu vực gồm Hàn Quốc và Nhật Bản”.

Những động thái quân sự mới của Triều Tiên khiến dư luận lo ngại.

Trước đó, Triều Tiên xác nhận đã nối lại hoạt động sản xuất plutonium và không có kế hoạch ngừng các vụ thử hạt nhân chừng nào còn nhận thấy những đe dọa từ Mỹ. Theo Viện Năng lượng nguyên tử Triều Tiên, các chuyên gia Triều Tiên bắt đầu tái chế các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, được tháo dỡ từ một lò phản ứng graphite tầm trung để phục vụ cho sản xuất plutonium (nguyên liệu chính để sản xuất bom hạt nhân). Viện này cũng tuyên bố Bình Nhưỡng đang chế tạo urani làm giàu cấp độ cao, cần thiết để sản xuất vũ khí và điện hạt nhân “như kế hoạch”.

Một nguồn tin khác cho biết, Triều Tiên đã lập 3 căn cứ pháo phòng không mới ở ngoại ô Bình Nhưỡng như một tấm lá chắn mới bảo vệ Thủ đô và các căn cứ quân sự của nước này.

“Việc mở rộng lực lượng pháo phòng không của Triều Tiên thể hiện Bình Nhưỡng không từ bỏ nỗ lực phát triển vũ khí truyền thống, cũng như vũ khí và tên lửa hạt nhân”, chuyên gia Curtis Melvin, Viện Mỹ - Triều thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế Johns Hopkins (SAIS) phân tích.

Các nước láng giềng cảnh giác

Động thái của Triều Tiên cũng đã đẩy tình hình khu vực “nóng” thêm. Seoul đang có kế hoạch tham vấn chặt chẽ với các nước cũng như các tổ chức quốc tế hữu quan về cách ứng phó việc Triều Tiên nối lại hoạt động sản xuất plutonium.

“Bất kỳ mưu đồ nào đe dọa người dân và đất nước Hàn Quốc sẽ không bao giờ thành công” - Tổng thống Park Geun Hee nhấn mạnh.

Bà Tomomi Inada - Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng đã chỉ thị cho Các Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẵn sàng bắn hạ bất kỳ vật thể nào hướng vào lãnh thổ nước này nhằm đề phòng khả năng Triều Tiên phóng tên lửa.

Các quan chức cấp cao của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành hội đàm, thảo luận cách thức đối phó tốt hơn với các mối đe dọa xuất phát từ Triều Tiên. Trong cuộc điện đàm, ba nước đã cam kết hợp tác chặt chẽ trong việc đối phó với các hành động khiêu khích bằng tên lửa của Triều Tiên, cũng như chia sẻ quan điểm rằng các vụ phóng tên lửa đạn đạo gần đây nhất của Triều Tiên là “sự vi phạm trắng trợn” các nghị quyết của HĐBA LHQ và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định của cộng đồng quốc tế.

Trong một tuyên bố mới nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho cho biết, việc nước này có tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân nữa hay không phụ thuộc vào cách hành xử của Mỹ. Ông Ri Yong Ho cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong Un  kêu gọi ký Hiệp ước hòa bình với Mỹ để thay thế hiệp định đình chiến kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953, đồng thời yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc. “Đây là con đường duy nhất để dẫn tới đối thoại”, ông Ri Yong Ho nói.

Triều Tiên đã tiến hành thử hạt nhân lần thứ tư hồi tháng 1 vừa qua và giới chức Hàn Quốc cũng như giới chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng có thể tiến hành thử hạt nhân lần thứ năm bất cứ lúc nào.

Trong một diễn biến khác, căng thẳng đã gia tăng giữa Triều Tiên, Hàn Quốc và phương Tây khi cuối tuần trước Phó Đại sứ nước này tại Anh Thae Yong Ho đã chạy trốn sang Hàn Quốc. Đây là nhà ngoại giao cấp cao nhất của Triều Tiên trốn sang Seoul.


N. Minh
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH