Căng thẳng Nga - phương Tây gia tăng khi Putin rời G20 sớm

18-11-2014 09:42 | Quốc tế
google news

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin kết thúc sớm lịch trình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Australia, nơi ông chịu nhiều sức ép từ các nhà lãnh đạo thế giới, có thể làm trầm trọng hóa quan hệ Nga - phương Tây.

2014-11-16T092540Z-867555417-G-2259-4905

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một cuộc họp báo trong khuôn khổ hội nghị G20 tại Australia.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/11 rời hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Brisbane, Australia sớm vì cần có đủ thời gian để ngủ. Kremlin bác bỏ thông tin cho rằng ông bỏ về trước khi hội nghị kết thúc do sự đón tiếp lạnh nhạt của chủ nhà và sức ép từ các lãnh đạo phương Tây. Ông là nhà lãnh đạo đầu tiên của G20 rời Australia.

Các lãnh đạo phương Tây đồng loạt gây sức ép đối với Tổng thống Nga tại hội nghị G20. Thủ tướng Australia Tony Abbott gợi ý ông Putin "xin lỗi" về vụ rơi máy bay MH17. Thủ tướng Anh David Cameron cáo buộc Nga "bắt nạt nước nhỏ ở châu Âu". Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi sự can thiệp của Nga vào tình hình Ukraine là "một mối đe dọa cho thế giới" và nhận xét vụ rơi máy bay MH17 hồi tháng 7 là "kinh khủng".

Thủ tướng Canada Stephen Harper nói với ông Putin: "Tôi nghĩ rằng tôi sẽ bắt tay ngài, nhưng tôi chỉ có một điều muốn nói, ngài cần phải ra khỏi Ukraine".

"Các nước không xuống thang căng thẳng", tờ Gazeta.ru của Nga viết.

Một tài khoản Twitter châm biếm nổi tiếng ở Nga còn gọi hội nghị G20 là "Hội nghị thượng đỉnh G19 1 ở Australia", ám chỉ việc các nước phương Tây cô lập Nga.

Ông Putin gần đây thường trở thành tâm điểm trong các cuộc hội đàm quốc tế. Nga bị loại khỏi nhóm các cường quốc công nghiệp G8 do cuộc khủng hoảng ở Ukraine, quan điểm của Kremlin ngày càng mâu thuẫn với lợi ích của phương Tây. Hồi đầu tháng 6, G7 họp thượng đỉnh tại Bỉ mà không có sự tham gia của Nga lần đầu tiên trong 17 năm. Bầu không khí giá lạnh có thể được cảm nhận rõ ràng.

Tuy nhiên, việc ông Putin ra về sớm tại hội nghị Brisbane đã làm sự căng thẳng lên một cấp độ hoàn toàn mới. Theo các nhà phân tích, những lời chỉ trích ngày càng gia tăng của lãnh đạo phương Tây với Nga và sự ra về đột ngột của ông Putin cho thấy, không bên nào còn quan tâm đến việc duy trì quan hệ xã giao.

Fyodor Lukyanov, Chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, cơ quan có quan hệ thân thiết với chính phủ Nga, cảnh báo rằng những lời chỉ trích từ phương Tây có thể khiến ông Putin thể hiện lập trường cứng rắn hơn.

"Chúng ta đang chứng kiến phương Tây ngày càng cực đoan hóa lập trường, trước hết phải kể đến Bắc Mỹ và Australia, chủ nhà của hội nghị", Lukyanov nói trên đài phát thanh.

"Họ không mong muốn xoa dịu căng thẳng, trái lại, căng thẳng ngày càng được bộc lộ ra. Phản ứng của Nga rất dễ đoán, Moscow sẽ thể hiện lập trường cứng rắn hơn", ông nói.

Lilia Shevtsova, một nhà phân tích tại Viện Brookings nhận định rằng khi cuộc đối đầu của Nga với phương Tây càng trầm trọng thì Moscow càng phụ thuộc vào Trung Quốc.

"Hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh và hội nghị G20 ở Brisbane đã xác nhận rằng Tổng thống Putin "bị cô lập", bà viết trên Facebook.

"Một nước bị cô lập và muốn dựa vào một nước khác, nền chính trị thế giới chưa biết đến một sự kết hợp nào có thể bùng nổ hơn".

Các nhà phân tích cũng cho rằng việc ông Putin ra về sớm sẽ nhận được sự đồng tình từ những người ủng hộ trong nước. "Tất cả cử chỉ của nhà lãnh đạo Nga là để nhằm vào số đông ủng hộ ông", Konstantin Kalachev, người đứng đầu nhóm Chuyên gia Chính trị (Political Expert Group), nhận định.

Ông cho biết thái độ của ông Putin sẽ được những người ủng hộ giải thích là "Nhà lãnh đạo Nga đâu có gì cần phải nói với phương Tây".

Theo The Guardian, dù truyền thông phương Tây miêu tả ông Putin bị cô lập tại hội nghị, ông tiếp tục giữ quan hệ chặt chẽ với các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

 


Ý kiến của bạn