Căng thẳng Mỹ và các đồng minh NATO trước thềm thượng đỉnh

10-07-2018 15:04 | Quốc tế
google news

SKĐS - Mối quan hệ Mỹ và các đồng minh NATO đang “nóng lên” khi ngày 11/7, thượng đỉnh NATO khai mạc tại Brussel (Bỉ).

Trong một tuyên bố mới nhất, Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg đã lên tiếng cảnh báo mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ đang ở mức căng thẳng và không có gì đảm bảo liên minh xuyên Đại Tây Dương này sẽ tồn tại mãi mãi.

Có khá nhiều lý do khiến quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh NATO “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền cách đây gần 2 năm, chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông đã làm phật lòng không ít đồng minh. Ông Trump liên tục đưa ra nhiều chỉ trích về tính hiệu quả của NATO với câu hỏi  tế nhị nhưng thực dụng “vì sao nước Mỹ phải chi tiền cho khối này, trong khi NATO không mang lại lợi ích gì nhiều cho nước Mỹ”.

Trong một diễn biến mới nhất, Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết thư nhắc nhở 8 thành viên châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuân thủ các cam kết về chi tiêu cho quốc phòng. Nhà lãnh đạo Mỹ đã nhiều lần chỉ trích các đồng minh NATO vì không thực hiện cam kết đưa ra năm 2014 là dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng, đồng thời cáo buộc những nước này đẩy cho Mỹ trách nhiệm gánh nặng không công bằng nghĩa vụ bảo vệ châu Âu. Tổng thống Trump đã viết thư riêng cho 8 quốc gia đồng minh châu Âu để nhắc nhở họ thực hiện cam kết này, đồng thời tái khẳng định ông sẽ yêu cầu các nước tôn trọng cam kết này tại hội nghị thượng đỉnh NATO, dự kiến diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào ngày 11 và 12/7 tới.

Theo một nguồn tin ngoại giao, 8 nước châu Âu nhận được thư của Tổng thống Mỹ là Bỉ, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Luxembourg, Na Uy, Hà Lan và Đức. Hiện Mỹ chiếm gần 72% tổng chi tiêu quốc phòng của NATO và mới chỉ có 3 nước châu Âu đạt mức chi 2% GDP cho quốc phòng là Anh, Hy Lạp và Estonia.

Tổng thống Trump cũng cảnh báo Mỹ sẽ “xử lý” những quốc gia không làm tròn nghĩa vụ. Nhà báo Martin Kettle, cây bút chuyên phân tích mảng chính trị của tờ Guardian nhận định: những lời lẽ cứng rắn của cho thấy ông Trump thực sự bất bình, thậm chí không muốn duy trì liên minh NATO và ít quan tâm đến quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump đang gây chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh NATO

Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump đang gây chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh NATO

Tuy nhiên, ngoài chuyện tiền bạc, một nguyên nhân nữa phải tính đến đó là chính sách “Nước Mỹ trên hết” đã động chạm tới lợi ích thiết thân của các đối tác chủ chốt của Mỹ. Điều này đẩy quan hệ Mỹ-NATO đứng trước đầy rẫy những bất đồng khó có thể hóa giải. Đấy là chưa kể “sự lệch pha” về quan điểm giữa Mỹ và NATO khi Tổng thống Mỹ mới đây tuyên bố cần mời Nga trở lại với G7 và thậm chí gia nhập cả NATO.

Chính vì thế, nội bộ NATO không ít lần lục đục vì cách hành xử của ông chủ Nhà Trắng. Cũng đã có không ít lời “bàn ra tán vào” về thái độ của Mỹ, nhưng rốt cuộc NATO vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì Mỹ, ngoài việc là đầu tầu của khối, cũng là nước đóng góp ngân sách lớn nhất cho NATO. Chẳng may nếu Mỹ “quay lưng” thì không chỉ chuyện ngân sách chung, mà tương lai của NATO cũng sẽ lâm vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, buộc Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg phải cay đắng thừa nhận không có gì đảm bảo liên minh xuyên Đại Tây Dương này sẽ tồn tại mãi mãi. Đây cũng là lý do khiến NATO phải mềm mỏng hơn với Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh lần này, để tránh cho mâu thuẫn biến thành xung đột.

Ngay sau hội nghị thượng đỉnh NATO, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tới thăm nước Anh vào hôm thứ 6 tới. Báo chí Mỹ và Anh đều cho biết Tổng thống Trump và Thủ tướng Anh sẽ hội đàm ở ngoại ô thủ đô London để tránh các cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm, dấu hiệu cho thấy người dân Anh không chào đón Tổng thống Trump.

Thực tế, Mỹ-Anh được mô tả là trục quan hệ khá đặc biệt. Theo nhà sử học Anthony Seldon, Anh và Mỹ gắn bó với nhau trong nhiều thập kỷ qua bởi cùng chia sẻ lịch sử, cơ cấu chính phủ, lý tưởng và hợp tác quốc phòng. Tuy nhiên, nếu như chiến lược xoay trục sang châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama – dành nhiều ưu tiên cho Anh, thì nay dưới thời của Tổng thống Donald Trump, chính sách “Nước Mỹ trên hết” gây không ít bất mãn với người dân Anh. Thêm vào đó, việc nước Anh rời EU cũng đã khiến cho vị thế của London trong mắt của một số đồng minh, ví dụ như Mỹ, đã thay đổi. Việc Tổng thống Trump hủy bỏ chuyến thăm chính thức nước Anh hồi đầu tháng 1 là ví dụ cho thấy điều đó. Do đó, chuyến thăm Anh, đồng minh NATO của ông Donald Trump diễn ra cuối tuần này có lẽ cũng sẽ đối mặt với khá nhiều vấn đề.

Vậy tương lai hội nghị thượng đỉnh NATO hôm nay sẽ ra sao?

Đây là câu hỏi khá là khó dự đoán. Ngay sau thượng đỉnh NATO, ông Donald Trump sẽ bắt đầu thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Hensinky (Phần lan) vào thứ 2 tuần tới. Động thái khiến NATO lo lắng nhất hiện nay là một cuộc gặp nồng ấm và thân thiện giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ có thể làm suy yếu các nỗ lực gây sức ép mà liên minh NATO hay EU áp đặt lên Nga. Bên cạnh đó, nó khiến người châu Âu có cảm giác như đang bị bỏ rơi, còn Nga thì sắp đạt được mục tiêu chia rẽ châu Âu và liên minh xuyên Đại Tây Dương NATO. NATO cũng thừa hiểu Tổng thống Donald Trump là một người rất khó dự đoán, nên điều gì cũng có thể xảy ra nếu cả Mỹ và NATO cùng “căng”. Chính vì thế, dù bất mãn không ít với nhà lãnh đạo Mỹ, nhưng các nhà lãnh đạo NATO được cho là sẽ mềm mỏng với Tổng thống Trump tại hội nghị thượng đỉnh NATO hôm nay, để tránh căng thẳng bùng phát giữa hai bên. Trong tình trạng hiện nay, người ta có lẽ cũng không hy vọng nhiều vào kết quả hội nghị.


N.Quang
Ý kiến của bạn