Căng thẳng góp phần làm tăng trưởng khối u
Các nghiên cứu trước đây cho thấy, căng thẳng mạn tính có liên quan tới sự suy giảm nhận thức nhanh, nguy cơ mắc các vấn đề về tim và các vấn đề về sức khỏe đường ruột cao hơn. Việc tiếp xúc với căng thẳng có thể tăng tốc độ phát triển của ung thư thông qua tác động của nó đối với hoạt động của gene.
Để xem mức độ căng thẳng tác động đến sự phát triển của tế bào ung thư như thế nào, các nhà khoa học từ Đại học Y Đại Liên ở Trung Quốc (hợp tác với các đồng nghiệp từ khắp nơi trên thế giới) đã tiến hành nghiên cứu trên chuột. Họ đã đặt tất cả những con chuột bị ung thư vào trong cái chuồng nhỏ, hạn chế trong 1 tuần. Sau đó, chia những con chuột này thành 2 nhóm: Một nhóm cho vào thùng lớn, thoải mái để chấm dứt căng thẳng (những con chuột này đóng vai trò là nhóm kiểm soát) và nhóm còn lại cho vào trong thùng nhỏ trong 30 ngày. Sau điều tra ban đầu, các nhà khoa học không chỉ thấy rằng những con chuột bị căng thẳng (trong thùng nhỏ) có những thay đổi trong hành vi biểu hiện trầm cảm và lo lắng mà còn có khối u ung thư lớn hơn so với các bạn cùng nhóm trong nhóm đối chứng. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nhận thấy, những khối u này đang phát triển với tốc độ nhanh hơn và những con chuột bị căng thẳng cũng có số lượng tế bào gốc ung thư nhiều hơn. Tuy nhiên, tại thời điểm này, vẫn chưa rõ chính xác mức độ căng thẳng như thế nào đã góp phần vào sự tiến triển của bệnh ung thư.
Theo nhà điều tra chính Quentin Liu từ Viện Tế bào gốc Ung thư tại Đại học Y Đại Liên, có sự hiểu biết tốt hơn về sinh hóa gây ra căng thẳng, chúng ta sẽ có các cách can thiệp thuốc nhắm mục tiêu điều trị căn bệnh ung thư.
Căng thẳng mạn tính có thể tác động xấu đến sức khỏe.
Nguyên nhân là do nồng độ epinephrine?
Thủ phạm được các nhà khoa học đưa ra thúc đẩy sự phát triển của các khối u chính là epinephrine hormon. Đây cũng là nguyên nhân chính gây nên căng thẳng mạn tính.
Khi các nhà khoa học xem xét các yếu tố sinh lý khác nhau thay đổi như thế nào ở những con chuột đã trải qua căng thẳng mạn tính, đã tiếp cận với một loại hormon gọi là epinephrine. Các nhà khoa học nhận thấy, những con chuột bị căng thẳng có lượng hormon này cao hơn nhiều so với những con chuột trong nhóm đối chứng. Ngoài ra, ở chuột thuộc nhóm thử nghiệm đã nhận được một loại thuốc ngăn chặn ADRB2 - một thụ thể epinephrine, khối u ung thư nhỏ hơn và số lượng tế bào gốc ung thư cũng thấp hơn.
Đồng tác giả nghiên cứu, GS. Keith Kelley từ Đại học Illinois tại Chicago cho hay, khi nghĩ về căng thẳng, hầu hết mọi người cho rằng đó là do cortisol đang ức chế hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, nồng độ cortisol trong cơ thể lại thực sự thấp hơn sau 1 tháng căng thẳng.
Làm thế nào epinephrine lại khiến các tế bào gốc ung thư phát triển mạnh? Các tác giả giải thích rằng khi hormon này liên kết với ADRB2 sẽ làm tăng mức độ của lactate dehydrogenase - một loại enzyme thường cung cấp cho cơ bắp một “mũi tiêm” năng lượng trong tình huống nguy hiểm. Điều này cho phép người đó chống lại mối đe dọa hoặc chạy trốn khỏi nó. Hậu quả của việc tăng năng lượng này là sản xuất một hợp chất hữu cơ có tên là lactate. Trong trường hợp người mắc bệnh ung thư, các tế bào gây hại sẽ hấp thụ hợp chất này và cho phép họ có được nhiều năng lượng hơn.
Điều này có nghĩa là nếu một người bị căng thẳng mạn tính, họ sẽ có quá nhiều lactate dehydrogenase trong cơ thể và do vậy sẽ kích hoạt các gene liên quan đến sự phát triển ung thư và cho phép các tế bào ung thư phát triển mạnh.
Theo GS. Quentin Liu, những dữ liệu này cung cấp một lộ trình mới giải thích cách tăng epinephrine gây ra bởi căng thẳng mạn tính đã thúc đẩy sự tiến triển ung thư bằng cách tác động trực tiếp lên các tế bào gốc ung thư.