Căng thẳng không chỉ bùng phát giữa hai nước mà còn có nguy cơ biến thành xung đột toàn khu vực khi hàng loạt các quốc gia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran cùng với nguy cơ đối đầu trực diện giữa người Hồi giáo dòng Siite và người Hồi giáo dòng Sunni tại Trung Đông.
Một ngày sau khi dòng người biểu tình tấn công và đốt sứ quán Arab Saudi đốt ở Tehran (hôm 4/1) nhằm phản đối chính quyền Riyadh xử tử ông Nimr al-Nimr (Ni An Ni), một giáo sĩ Shi'ite (Si-ai) bị buộc tội đóng vai trò chủ chốt trong làn sóng biểu tình bùng phát ở miền Đông Saudi Arabia năm 2011, Ngoại trưởng Arab Saudi Adel al-Jubeir đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với Iran và cho biết các nhân viên ngoại giao Iran phải rời khỏi Arab Saudi trong vòng 48 giờ. Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir tuyên bố nước này cũng sẽ cắt đứt hoạt động giao thông đường không với Iran và cấm người dân du lịch tới nước này.
Căng thẳng bùng phát sau khi Lãnh tụ tinh thần của Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei ngày 3/1 cảnh báo Saudi Arabia sẽ phải đối mặt với "sự trả thù thần thánh" liên quan tới việc Riyadh xử tử Giáo sĩ Nimr al-Nimr. Iran, quốc gia theo hệ phái Hồi giáo Shi'ite, đã nhiều lần cảnh báo Saudi Arabia không nên hành quyết giáo chức Shi'ite nói trên. Việc Chính quyền Riyadh vẫn tiến hành xử tử Giáo sĩ Al- Nimr đã gây ra làn sóng tức giận ở Iran và khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Mỹ cho rằng việc Saudi Arabia tử hình Giáo sĩ dòng Shi'ite nổi tiếng có thể làm trầm trọng thêm thực trạng cạnh tranh phe phái ở Trung Đông .
Căng thẳng bùng phát sau khi Arab Saudi hành hình Giáo sỹ người Hồi giáo dòng Siite Nimr Al Nirm.
Ngay sau khi Arab Saudi Adel al-Jubeir cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, một loạt các nước Arab cũng đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, chính phủ Sudan cũng tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran và trục xuất toàn bộ phái bộ ngoại giao Iran cũng như triệu hồi đại diện ngoại giao của nước này tại Tehran. Cùng ngày, Bahrain đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, đồng thời yêu cầu tất cả các thành viên phái bộ ngoại giao Iran rời khỏi nước này trong vòng 48 giờ. Trong khi đó, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã triệu hồi Đại sứ của nước này tại Iran, đồng thời hạ cấp quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Hồi giáo, với lý do Tehran "can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Vùng Vịnh và Arab".
Tuy nhiên, vụ việc không chỉ dừng lại ở những căng thẳng ngoại giao mà còn xới lên những lo ngại về xung đột tôn giáo. Hội đồng Hồi giáo Shi'ite Tối cao của Liban cho rằng Saudi Arabia đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khi kỳ thị người Hồi giáo dòng Shiite. Tại Bahrain, mặc dù chính phủ nước này tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, nhưng cảnh sát nước này đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông vài trăm người biểu tình ở làng Abu-Saiba, phía Tây thủ đô Manama, phản đối việc Saudi Arabia hành quyết Giáo sĩ Shi'ite Nimr al-Nimr. Trong khi đó, đã có những dấu hiệu cho thấy người Hồi giáo dòng Shiite ở các nước Trung Đông khác sẽ phản đối Arab Saudi và nguy cơ các cuộc xung đột sắc tộc có thể lao thang.
Theo giới phân tích, nguyên nhân sâu xa của những tranh cãi hiện nay không chỉ do vụ Giáo sỹ Nimr Al Nimr bị xử tử, mà còn do những mâu thuẫn lịch sử tồn tại giữa hai quốc gia lớn và có ảnh hưởng lớn nhất Trung Đông này. Iran, Iraq và Arab Saudi trước đây vốn là “thế chân vạc” khi cả 3 quốc gia đều sở hữu nguồn dầu mỏ khổng lồ. Không chỉ cạnh tranh về địa chính trị và kinh tế, giữa 3 quốc gia này vẫn tồn tại những chia rẽ về sắc tộc, tôn giáo từ hơn 1.300 năm trước do tranh cãi liên quan đến việc chọn người kế vị đấng tiên tri Mohammed. Bất đồng vẫn luôn tồn tại và cứ có dịp lại bùng phát giữa người Hồi giáo dòng Sunni ở Arab Saudi và Iraq với người Hồi giáo dòng Shiite ở Iran. Cuộc chiến của Mỹ phát động ở Iraq lật đổ chính quyền Tổng thống Hussein theo dòng Hồi giáo Sunni; sự thay đổi về mặt chính sách của Mỹ về thỏa thuận hạt nhân với Iran và nhóm P5 1 đã khiến vai trò của Iran nổi bật và có ảnh hưởng sâu rộng ở Trung Đông. Chính vì thế, cuộc đua cạnh tranh ảnh hưởng giữa Iran và Arab Saudi trong khu vực ngày càng trở nên gay gắt.
Trong một diễn biến mới nhất, giữa tuần này Liên đoàn Arab sẽ họp khẩn về căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran. Phó Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Ben Helli cho biết AL sẽ tổ chức cuộc họp khẩn theo đề nghị của Saudi Arabia để thảo luận về các vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán và Lãnh sự quán nước này ở Iran. Dự báo tình hình Trung Đông sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong những ngày tới sau những mâu thuẫn hiện nay giữa Iran và Arab Saudi.