Căng thẳng Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ dậy sóng Địa Trung Hải

17-08-2020 07:47 | Quốc tế
google news

SKĐS - Địa Trung Hải nóng lên bởi căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp khiến cộng đồng thế giới quan ngại. Liệu có một giải pháp ngoại giao khi trên thực địa các bên vẫn đang ở thế đối đầu...?

Ăn miếng trả miếng

Những ngày qua, khu vực biển Địa Trung Hải “dậy sóng” bởi những căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, từ những tranh chấp liên quan đến dầu mỏ và khí đốt, các vụ đụng độ trên biển đến trên không khiến quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Sự việc khởi nguồn từ ngày 10/8 khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa tàu thăm dò mang tên Oruc Reis được hộ tống bởi ít nhất 6 chiến hạm mang tên lửa “ngang nhiên hoạt động” thăm dò ở vùng biển mà Hy Lạp tuyên bố chủ quyền, nằm trên thềm lục địa của Hy Lạp, ở phía Đông Địa Trung Hải. Hoạt động khoan và thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng biển gần đảo thuộc Hy Lạp, song nằm gần bờ biển phía Nam thuộc tỉnh Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ, được Hy Lạp cho là hoạt động bất hợp pháp.

Sau động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, lập tức quân đội Hy Lạp đã chuyển sang trạng thái báo động cao, toàn bộ sĩ quan hải quân và không quân trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.  Căng thẳng được đẩy lên  một nấc thang mới khi hai bên sẵn sàng “động thủ” bất cứ lúc nào.  Trong suốt 1 tuần vừa qua, 2 bên đã có những hành động “ăn miếng trả miếng”, tàu hộ vệ của Hy Lạp đã va chạm với tàu hộ tống của Thổ Nhĩ Kỳ khi tiếp cận tàu khoan Oruc Reis khiến một số thủy thủ bị thương. Bộ Quốc phòng Hy Lạp cho rằng, đây chỉ là một tai nạn trong khi phía Thổ Nhĩ Kỳ lại coi đây là khiêu khích. Hành động mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là “bắt nạt” của Pháp mới đây là trong cuộc tập trận với Hy Lạp, chiến đấu cơ của Pháp đã bay qua các tàu thăm dò và hộ vệ của  Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lên tiếng cảnh báo “những ai tập kích tàu khoan Oruc Reis sẽ phải trả giá đắt”.

Tàu nghiên cứu địa chấn Thổ Nhĩ Kỳ cập cảng Istanbul.

Tàu nghiên cứu địa chấn Thổ Nhĩ Kỳ cập cảng Istanbul.

Khi niềm tin bị đánh mất

Đại diện cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho rằng, các hoạt động mới nhất ở Đông Địa Trung Hải trong đó có việc nối lại hoạt động thăm dò năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ là cực kỳ đáng lo ngại, chỉ dẫn đến sự đối kháng và mất lòng tin lớn hơn giữa các quốc gia liên quan tại khu vực này.

Căng thẳng giữa 2 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Đại Tây Dương (NATO) đã đưa mối quan hệ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ xuống mức thấp nhất trong hơn 2 thập kỷ. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng căng thẳng giữa các đồng minh trong NATO. Trong khi đó, quan hệ giữa  Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang “gặp nhiều sóng gió” bởi hiện nay, Hy Lạp là thành viên của EU, còn Thổ Nhĩ Kỳ thì không.  Tại Hội nghị Ngoại trưởng EU mới đây, các nước EU đã bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với Hy Lạp, EU đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ “giảm leo thang ngay lập tức” và cho rằng đối thoại và đàm phán là chìa khóa để giải quyết các vấn đề tranh cãi về phân định ranh giới biển và khai thác tài nguyên. Tuyên bố của 27 quốc gia thành viên EU còn khẳng định những động thái huy động hải quân gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ “dẫn đến tình trạng đối kháng và ngờ vực nghiêm trọng hơn”.

Cách đây 1 năm, EU đã thông qua các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về những tranh chấp trên biển với Cộng hòa Síp. Tới thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ phải “hứng” thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm đáp trả những hoạt động của Ankara đang diễn ra ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải. Những  căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp đã đưa quan hệ của quốc gia này với liên minh 27 quốc gia vào thế đối nghịch khiến con đường trở thành thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhiều khó khăn.

Ở thời điểm hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ một mặt vừa phải chống chọi với cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 trong nước, mặt khác, quốc gia này đang tham gia nhiều cuộc chiến trong khu vực. Trong bối cảnh kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước nhiều khó khăn, Ankara cần một nguồn lực đủ lớn không chỉ vực dậy nền kinh tế đang kiệt quệ vì dịch bệnh, vừa phục vụ cho các cuộc chiến bên ngoài quốc gia. Chính vì thế, trữ lượng khí đốt khổng lồ ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải không dễ bị bỏ qua, nó là “tia hy vọng” sẽ hỗ trợ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới.


Trần Hải
Ý kiến của bạn