Hà Nội

Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan: Những hệ lụy khôn lường

12-08-2019 06:08 | Quốc tế
google news

SKĐS - Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan có dấu hiệu trở thành một cuộc khủng hoảng sâu rộng ở Nam Á sau khi Chính phủ Ấn Độ hủy bỏ mọi đặc quyền tự trị sâu rộng dành cho khu vực Kashmir.

Bởi dù đối với Ấn Độ, đây là một động thái mang nhiều ý nghĩa chiến lược, nhưng Pakistan cho rằng bước đi này đã xâm phạm chủ quyền của Islamabath. Sự đối đầu giữa 2 quốc gia láng giềng sau hơn một thập kỷ tạm yên bình, khiến cả Nam Á và cộng đồng quốc tế lo ngại về một nguy cơ bất ổn mới đang chực chờ.

Gần 1 tuần sau khi Ấn Độ hủy bỏ Điều 370 trong Hiến pháp về việc trao quyền tự trị đặc biệt cho khu vực Kashmir và cơ cấu lại khu vực này thành 2 bang, căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mà ngược lại, mối quan hệ giữa 2 quốc gia láng giềng ngày càng trở nên khó dự báo. Nếu như lần đầu tiên sau 3 năm, Ấn Độ ban hành lệnh giới nghiêm, cử 35.000 quân tới Kashmir và tuyên bố sẽ tổ chức tiến hành bầu cử sớm ở Kasmir, thì Pakistan thông báo sẽ trục xuất Cao ủy Cấp cao Ấn Độ, đình chỉ thương mại song phương và cấm chiếu ngay lập tức các bộ phim Ấn Độ. Đáng lo ngại, có dấu hiệu cho thấy tình hình còn có thể diễn biến phức tạp hơn khi cả Ấn Độ và Pakistan đều đưa ra những tuyên bố “bên miệng hố chiến tranh”. Thậm chí, Thủ tướng Ấn Độ Modi còn từ chối vai trò trung gian hòa giải của Mỹ, không đồng ý “làm lành” mối quan hệ với Pakistan.

Kashmir lại là điểm nóng mới ở Nam Á.

Kashmir lại là điểm nóng mới ở Nam Á.

Rõ ràng các bước đi từ cả Ấn Độ và Pakistan đang đặt Nam Á vào một vòng xoáy khủng hoảng mới. Và câu hỏi “Vì sao Ấn Độ - Pakistan không thể thỏa hiệp trong vấn đề Kashmir? một lần nữa lại khiến dư luận quốc tế băn khoăn.

Trên thực tế, dù Ấn Độ - Pakistan có chung tới hơn 2.900km đường biên giới nhưng do những vấn đề về lịch sử và tôn giáo, mối quan hệ giữa 2 nước láng giềng này chưa từng êm ấm. Sau khi Pakistan tách khỏi Ấn Độ thành quốc gia độc lập tháng 8/1947, vấn đề chủ quyền của Kasmir liên tục trở thành thách thức lớn nhất trong quan hệ song phương.

Do đó, không phải ngẫu nhiên - sau 2 cuộc chiến tranh liên quan đến quy chế chủ quyền của Kashmir, quyết định mới nhất của Chính phủ Ấn Độ hủy bỏ mọi đặc quyền tự trị và cơ cấu lại Kasmir một lần nữa khiến dư luận lo ngại. Đối với Ấn Độ, bước đi này được cho là những tính toán chiến lược của Thủ tướng Modi nhằm giải quyết vấn đề quy chế pháp lý của Kashmir, tranh thủ lấy lòng các đảng phái Hindu theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và quan trọng hơn là việc ngăn chặn các tác động cực đoan từ các nhân tố bên ngoài (ám chỉ Pakistan). Bình luận về những diễn biến hiện nay, giới quan sát quốc tế đều cho rằng, động thái của chính quyền New Delhi mang nhiều màu sắc chính trị; và nó dự báo sẽ đặt ra nhiều thách thức mới trong chính sách đối nội, đối ngoại của New Dehli; đồng thời làm sứt mẻ mối quan hệ với Pakistan. Bởi lẽ, quyết định của Thủ tướng Modi sẽ tạo ra một tình huống pháp lý mới về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ Kashmir, khi đường phân định hiện tại lại trở thành đường biên giới quốc gia giữa 2 nước.

Phản ứng quyết liệt của Pakistan và cả Ấn Độ hiện nay cho thấy vấn đề Kashmir như một “mồi lửa” có thể thổi bùng mọi mâu thuẫn giữa 2 cường quốc Nam Á. Và điều đáng lo ngại hơn là mồi lửa ấy có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột mang tính khu vực, khi đang xuất hiện các nhân tố mới tác động vào vụ việc.

Việc các nỗ lực hòa giải bất thành của Mỹ; việc Pakistan tìm tới “chiếc ô bảo trợ” của Trung Quốc để ngăn ngừa Ấn Độ... không chỉ cho thấy bất đồng Ấn Độ - Pakistan đang tiến lên một nấc thang nguy hiểm mới, mà còn có thể đẩy cục diện khu vực vào hố sâu mâu thuẫn địa chính trị giữa các cường quốc. Ai có thể khẳng định rằng: những mâu thuẫn Mỹ - Trung sẵn có ở mặt trận thương mại hay công nghệ, nay lại không thể lấn sang những lằn ranh mới?

Vì thế, điều dư luận mong chờ hiện nay là Ấn Độ và Pakistan cần kiềm chế tránh để xảy ra đối đầu quân sự. Bởi nếu cả hai quốc gia cùng sở hữu vũ khí hạt nhân cùng “va chạm”, sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy nguy hiểm cho cả khu vực. Ấn Độ đã chi 64 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng so với ngân sách 11 tỉ USD của Pakistan trong 5 năm gần đây. Một nguy cơ nữa, đó là nếu leo thang biến thành xung đột, Pakistan có thể triển khai ngay các đầu đạn hạt nhân nhờ chính sách ủy quyền sử dụng hạt nhân cho các đơn vị chiến đấu cơ sở. Do đó, bất kỳ sự leo thang quân sự nào đều có tác động bất lợi, không chỉ đối với 2 nước mà còn đối với cả khu vực và thế giới.

Ở thời điểm này, cộng đồng quốc tế hy vọng Ấn Độ và Pakistan sẽ có các bước đi kiểm soát, phù hợp với tình hình thực tế, giảm căng thẳng và cùng nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định khu vực.


N.Quang
Ý kiến của bạn