Bất chấp khủng hoảng kinh tế, ngành du lịch thế giới trong năm qua vẫn liên tục phát triển. Với những điểm đến chủ yếu là châu Âu và châu Á, lượng du khách quốc tế trong năm 2013 đã đạt xấp xỉ 1,1 tỷ người, tức là tăng 5% so với năm trước. Trên đây là số liệu do Tổ chức Du lịch Thế giới (OMT) công bố trong một thông cáo ra ngày 20/1/2014.
Cụ thể là đã có 1.087 tỷ người di chuyển từ nước này sang nước khác trong năm qua, cao hơn với con số 52 triệu người của năm trước. Thông cáo của OMT khẳng định: “Mặc dù có những khó khăn về kinh tế, kết quả của du lịch quốc tế vẫn cao hơn so với mong đợi”. Mức tăng trưởng du lịch năm nay liên quan đến hầu hết toàn bộ các khu vực của thế giới, ngoại trừ vùng Trung Cận Đông đang có chiến sự.
1.087 tỷ người di chuyển từ nước này sang nước khác trong năm 2013.
Nhu cầu du lịch quốc tế tăng mạnh cho các điểm đến là châu Á ( 6%), châu Phi ( 6%) và châu Âu ( 5%). Trong đó tiểu vùng Đông Nam Á lại hấp dẫn ngày càng đông du khách quốc tế với mức tăng tới 10% khách trong năm 2013. Tổng Thư ký của OMT Taleb Rifai khẳng định, năm qua là một năm được mùa nhất của du lịch quốc tế bất chấp kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Mức tăng trưởng 5% là điều đáng mừng cho châu Âu giữa lúc khu vực này đang chìm trong khủng hoảng kinh tế. Năm 2013, các nước trong Liên hiệp châu Âu đã đón 563 triệu lượt du khách quốc tế, tăng hơn so với năm ngoái 29 triệu.
Con số tăng trưởng lại càng có ý nghĩa hơn khi mà những nước đông du khách đến nhất lại là những quốc gia đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Thí dụ như Tây Ban Nha năm qua đã đón số lượng kỷ lục 60,4 triệu du khách quốc tế. Vẫn theo thông cáo của OMT, có 5 nước dẫn đầu thế giới về khách đi du lịch nước ngoài đó là Trung Quốc, Hoa Kỳ tiếp đó đến Đức, Anh và Nga. OMT cũng tỏ ra lạc quan với mức dự báo tăng trưởng của cả thế giới trong năm nay sẽ khoảng từ 4 - 4,5%.
Về từng nước, hiện tại vẫn chưa có con số thống kê chi tiết nhưng Pháp vẫn là nước giữ được điểm đến hàng đầu cho du khách ngoại quốc. Năm 2013, nước Pháp đón tiếp 83 triệu du khách, tiếp theo là Hoa Kỳ với 67 triệu khách, rồi đến Trung Quốc, Tây Ban Nha với 57,7 triệu người mỗi nước. Số lượng du khách tới thăm Italy cũng tăng mạnh với tổng số 46,4 triệu lượt. Tuy dẫn đầu về số lượng khách nhưng Pháp lại chỉ được xếp thứ 3 về thu nhập từ du lịch quốc tế.
Có những nước như Nhật Bản sau thảm họa động đất sóng thần và nhất là tai nạn hạt nhân Fukushima hồi năm 2011, thì trong năm qua, đất nước Mặt trời mọc đã tìm lại sức hấp dẫn của mình với mức tăng trưởng khách lên tới 24%.
Điều mà các điểm đến du lịch quan tâm hơn cả là mức chi tiêu của các du khách. Theo OMT, du khách chịu tiêu xài nhất là người Trung Quốc, xếp trên người Mỹ và người Đức. Xếp hạng này càng có ý nghĩa kinh tế hơn khi biết rằng năm qua là 97 triệu người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, trong khi con số này năm 2000 chỉ là 10 triệu. So với năm 2012 thì số du khách Trung Quốc ra nước ngoài tăng 14 triệu người và xu hướng này vẫn tiếp tục đi lên trong viễn cảnh tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh ở đất nước hơn một tỷ dân và còn là cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới.
Theo OMT, du khách Trung Quốc năm 2012 đã chiếm vị trí hàng đầu những khách du lịch nước ngoài chi tiêu nhiều nhất với tổng số tiền lên tới 102 tỷ USD. Chắc chắn sức mua sắm của du khách trong năm 2013 cũng đã vượt con số trên. Khách Trung Quốc chi tiêu nhiều đến mức mà ở nhiều nơi điểm du lịch họ được gán cho biệt danh là “những chiếc ví tiền di động”.
Giờ đây người ta có thể thấy nhiều quốc gia du lịch đang có cuộc cạnh tranh thu hút du khách Trung Quốc, những khách hàng được cưng chiều nhất của thị trường đồ hiệu. Các nước châu Âu như Anh quốc, Pháp và Đức, những điểm đến được ưa chuộng của khách Trung Quốc đã có những biện pháp nhằm đơn giản hóa việc cấp visa cho du khách đến từ Hoa lục.
Lê Sơn