Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cho rằng "Đi hết làng quê mình sẽ gặp đất nước, đi hết đất nước mình sẽ gặp nhân loại" (tr.5). Điều này hoàn toàn đúng theo logic phát triển tự nhiên từ bé đến lớn, từ hẹp đến rộng, từ hữu hạn đến vô hạn...
Còn tôi lại không nghĩ thế. Đối với những người như nhà thơ Hải Đường thì đi đến với nhân loại sẽ gặp đất nước, đi đến với đất nước sẽ gặp làng quê mình. Chiều diễn dịch ngược này mới nghe có vẻ không hợp lý, theo logic hình thức thông thường, vì người ta bao giờ cũng bắt đầu cuộc đời từ nơi sinh ra, mà đại đa số những người thuộc thế hệ Hải Đường trở về trước được sinh ra từ làng thì ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng thuộc về làng, rồi mới đến nước, ra thế giới.
Nhưng, nhìn theo quan điểm logic biện chứng thì nên hiểu ngược lại. Vì thông thường, với tất cả những người sinh ra từ làng, cho đến lúc ra đi (khoảng 17 - 18 tuổi) hầu như chưa đi hết làng, theo đầy đủ ý nghĩa của cụm từ này. Nếu có cũng chỉ đi hết bằng đôi chân, bập bẹ đôi ba câu chữ của làng và vài ba công việc hàng ngày giúp gia đình, học hành, âu cũng chỉ là sự bắt chước mà thôi, còn cái gọi là "làng" theo nghĩa rộng thì dường như các chàng trai, cô gái ấy chưa hề nghĩ tới và hiểu được, vì kinh nghiệm sống chưa có là bao, kiến thức văn hóa còn ít, lại mải lo những công việc cụ thể khác, còn thì giờ đâu mà nghĩ.
![]() |
Minh chứng là khi nhà thơ ra đi đến nơi khác lại nhìn thấy làng mình rõ hơn, sâu sắc hơn. Làng hiện lên trong mắt nhà thơ Hải Đường không chỉ có ông bà, cha mẹ, mái tranh, lũy tre, giếng nước, vườn rau, ruộng lúa... mà còn có bao phận người côi cút mưu sinh, bao vật đổi sao dời: "Bây giờ nắng nắng mưa mưa/ tiếng gà gáy giữa ban trưa nát lòng/ tiếng làng ai gọi ai mong/ bước chân in dấu thẳm trong cõi người" (Tiếng làng). Làng trong tâm thức của anh là cái làng "thẳm trong cõi người". Ngôn từ không mới, câu chữ không có gì là khó hiểu, nhưng đọc lên nghe ghê ghê, rờn rợn, thật sự ám ảnh. Cái "cõi người" ấy đâu chỉ có những nụ cười hả hê, hạnh phúc tràn trề, mà còn có khi phải "nát lòng". Không "nát lòng" sao được khi trời còn sáng nắng, chiều mưa, huống chi cuộc đời, phận người không đổi thay mới là chuyện lạ.
Dẫu vẫn biết mọi đổi thay đều là dấu hiệu của sự phát triển, nhưng sự phát triển bao giờ cũng có tính hai mặt, tích cực và tiêu cực. Nếu đấy là sự phát triển theo hướng tích cực thì quá hay, vì ai chẳng muốn như vậy. Trớ trêu là ước vọng ấy của con người không phải bao giờ cũng được thực hiện mà nhiều khi nó hoàn toàn ngược lại, khiến bao người xót xa, nuối tiếc và có người còn thầm nghĩ thà đừng thay đổi còn hơn chứ thay đổi kiểu ấy chỉ làm "nát lòng" nhau mà thôi.
Trong Hai bờ thời gian, hai mảng đề tài chính được nổi lên khá rõ: làng và những nơi ngoài làng mà nhà thơ đã có dịp tới đó. Nhưng tựu trung, dù viết về đề tài nào thì chủ đề về nguồn cội vẫn là một sợi dây xuyên suốt, quán xuyến và chi phối toàn bộ tập thơ. Nguồn cội ở đây nên hiểu là các bậc sinh thành ra mình, vợ con, gia đình, những người thân, bà con xóm giềng, mảnh đất trưởng dưỡng tuổi thơ ta, xa hơn là nơi có đồng đội, đồng bào mình đã, đang và sẽ sống, lao động, chiến đấu, hy sinh cho cộng đồng người Việt ngày càng cường thịnh, sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới.
Lập đi lập lại mô thức "làng" trong phần lớn tập thơ như: Bài hát quen, Sau mưa, Mây vẫn bay, Nàng dâu, Lang thang chiều Ba mươi, Nghĩ trên luống cày, Làng, Tiếng làng, Nhớ làng, Tết này con vắng mẹ... chứng tỏ một điều là khi càng bay cao, vươn xa, càng dày cái tuổi thì người ta càng khao khát về nguồn cội. Cái nguồn cội chẳng bao giờ tồn tại về mặt thực thể như thuở ấu thơ của mỗi người, có chăng chỉ còn lại những hoài niệm đẹp về nó, nhất là khi ta lang thang giữa dòng đời bất tận nơi phố thị, không biết bấu víu vào đâu, giữa chiều Ba mươi Tết: "Tôi nhà quê ra tỉnh/ nửa đời rồi chưa quen/ chiều Ba mươi ngơ ngẩn/ tiếng gọi đò mênh mang/…/Lang thang con phố nhỏ/ gặp toàn người ế hàng/ ngẫm mình còn may chán/ hồn vẫn neo ở làng" (Lang thang chiều Ba mươi).
Thời buổi làm ăn khó khăn, những gánh hàng chiều Ba mươi Tết ế ẩm, ai chẳng nẫu ruột nẫu gan, bỏ thì thương, vương thì tội. Mai mồng Một Tết rồi, bán cho ai. Nỗi buồn se sắt của nhà thơ như muốn sẻ chia với những người đang hàng ngày vật lộn mưu sinh mà vẫn không thoát khỏi cảnh ế ẩm. Rõ ràng anh vẫn là người may mắn hơn khi còn có chỗ để mà neo đậu. Ở làng không bao giờ có chuyện bán chạy hay bán ế hàng mà chỉ có tình nghĩa xóm giềng như ngọn lửa hồng sưởi ấm lòng ta trong những đêm đông lạnh giá.
Làng như một phần của nguồn cội, vừa sâu xa, vừa dài rộng, cũng vòi vọi cao, nên ở đâu, đi đâu, làm gì, tâm thức làng cũng vẫn luôn gắn chặt đối với mỗi người. Đối với phần lớn những ai sinh ra từ làng sẽ chẳng bao giờ muốn quên dù làng mình to hay nhỏ, giàu hay nghèo, hiển vinh hay lận đận. Càng đi hết rộng dài cuộc đời, dường như làng càng níu kéo ta trở lại, nhất là khi tắt lửa tối đèn thì làng càng hiện hữu và càng day dứt trong ta. Quả là các cụ ta xưa nói chẳng có sai "Cóc chết ba năm còn quay đầu về núi". Cảm ơn nhà thơ Hải Đường đã nói hộ nỗi lòng của bao người con đã từng sinh ra, lớn lên và rời làng đến phố.
……………..
Đỗ Ngọc Yên