Hà Nội

Càng có nhiều bạn tình càng tăng khả năng lây nhiễm HIV

17-11-2023 07:27 | Bệnh lây truyền
google news

SKĐS - Bệnh viện Da liễu Trung ương mới đây ghi nhận trường hợp bệnh nhân nam bị giang mai và cũng xác định bệnh nhân này nhiễm HIV. Khai thác thông tin từ người bệnh được biết, bệnh nhân có bạn tình ở cả hai giới nam và nữ.

TS.BS Nguyễn Thị Hà Vinh - Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, nam bệnh nhân 44 tuổi, bị giang mai với các vết sẩn, loét rộng vùng dương vật; bệnh nhân cũng có tổn thương sùi ở hậu môn. Xét nghiệm khẳng định bệnh nhân bị giang mai và cũng xác định bệnh nhân này nhiễm HIV. Bệnh nhân có bạn tình ở cả hai giới nam và nữ. Trước thời điểm xuất hiện tổn thương sinh dục 4 tháng, bệnh nhân có quan hệ tình dục với đối tượng nguy cơ cao.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Hà Vinh, các bệnh nhân mắc giang mai có nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, trong đó có HIV. Tỉ lệ này cao hơn ở những người có quan hệ đồng giới.

Chuyên gia cảnh báo, việc quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ với nhiều bạn tình có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Cả nam và nữ đều có nguy cơ nhiễm HIV trong quan hệ tình dục do HIV có thể lây từ người này sang người khác qua những vết trầy, xước trong quá trình quan hệ.

Khi quan hệ tình dục với nhiều người nguy cơ lây nhiễm sẽ càng cao, đặc biệt là quan hệ với phụ nữ bán dâm mà không sử dụng bao cao su. Virus HIV có nhiều trong tinh dịch và dịch âm đạo, xâm nhập vào cơ thể qua các vết xước.

Người mắc bệnh lây qua đường tình dục có viêm loét như giang mai, lậu có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp hàng chục lần so với người khác. Càng có nhiều bạn tình càng làm tăng khả năng bị lây nhiễm HIV. Một người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục không được điều trị, có khả năng lây truyền hoặc nhiễm HIV khi quan hệ tình dục cao hơn từ 6 - 10 lần.

Nguy cơ lây nhiễm HIV qua giao hợp qua đường hậu môn cao hơn so với giao hợp qua âm đạo. Do niêm mạc ở trực tràng dễ bị tổn thương và dễ bị virus xâm nhập hơn so với niêm mạc âm đạo.

Càng có nhiều bạn tình càng tăng khả năng lây nhiễm HIV- Ảnh 1.

Một người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục không được điều trị, có khả năng lây truyền hoặc nhiễm HIV khi quan hệ tình dục cao hơn từ 6 - 10 lần.

Lây nhiễm HIV tăng nhanh ở người trẻ

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tại Việt Nam xu hướng lây nhiễm HIV trong nhóm người trẻ tăng nhanh trong các năm gần đây. Các năm 2012 - 2013, tỷ lệ người nhiễm HIV ở nhóm 16 - 29 tuổi khoảng 5%. Tỷ lệ này hiện chiếm gần 50%.

Dịch HIV cảnh báo tăng ở nhóm quần thể mới là những người nghiện chất ma túy (hiện chiếm 12% các ca nhiễm); bạn tình của người nhiễm HIV (26%); phụ nữ bán dâm (1%), người quan hệ với phụ nữ bán dâm (5%); tình dục đồng giới nam (MSM) và chuyển giới (58%).

Qua giám sát cho thấy, xu hướng gia tăng nhiễm HIV qua quan hệ tình dục. Hiện, lây nhiễm HIV qua đường tình dục chiếm 80% trong số hơn 10.000 ca nhiễm mới phát hiện trong năm nay. Gia tăng dịch HIV còn liên quan hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao như: sử dụng chemsex (chất ma túy kích thích trong hoạt động tình dục), quan hệ tình dục tập thể.

Cách phòng tránh lây nhiễm HIV

Dựa vào đường lây nhiễm HIV (tình dục, đường máu, lây từ mẹ sang con), các chuyên gia khuyến cáo một số biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV như sau:

1. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường tình dục

- Sống lành mạnh, chung thủy một vợ một chồng và cả hai người đều chưa bị nhiễm HIV. Không quan hệ tình dục bừa bãi.

- Trong trường hợp quan hệ tình dục với một đối tượng chưa rõ có bị nhiễm HIV không, cần phải thực hiện tình dục an toàn để bảo vệ cho bản thân bằng cách sử dụng bao cao su đúng cách.

- Phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vì những tổn thương do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục sẽ là cửa vào lý tưởng cho HIV.

2. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường máu

- Không tiêm chích ma túy.

- Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, và chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.

- Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng. Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu...

- Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV

- Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay,...

3. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con

- Người phụ nữ bị nhiễm HIV thì không nên có thai vì tỷ lệ lây truyền HIV sang con là 30%, nếu đã có thai thì không nên sinh con.

- Trường hợp muốn sinh con, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng lây nhiễm HIV cho con.

- Sau khi đẻ nếu có điều kiện thì nên cho trẻ dùng sữa bò thay thế sữa mẹ.

Người nhiễm HIV bị suy giảm miễn dịch dễ đồng nhiễm đậu mùa khỉNgười nhiễm HIV bị suy giảm miễn dịch dễ đồng nhiễm đậu mùa khỉ

SKĐS - Số liệu thống kê tại Việt Nam cho thấy có tới 63% người bệnh đậu mùa khỉ đồng nhiễm HIV. Nguyên nhân là do khi nhiễm HIV hệ miễn dịch, sức đề kháng thấp hơn nên dễ dàng nhiễm bệnh hơn.


Minh Đức
Ý kiến của bạn