(T. G. H. - Bình Dương)
Ở điều kiện sinh lý bình thường, môi trường âm đạo vốn có tính axít, từ tuổi dậy thì pH âm đạo khoảng 4,5 - 5, thay đổi theo giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt, thấp nhất lúc rụng trứng và trước khi hành kinh.
Âm đạo được bảo vệ chống lại các yếu tố gây bệnh nhờ tính axít, khi pH âm đạo thay đổi trong các điều kiện thuận lợi như: hoạt động tình dục, cơ địa đái tháo đường, bệnh ung thư, dùng kháng sinh lâu ngày; do thai kỳ, trong thai kỳ có sự tăng sinh biểu mô âm đạo đưa đến giải phóng nhiều glycogen, và dưới tác động của glycogen trực khuẩn Doderlein sẽ chuyển hóa thành axít Lactic đưa đến pH âm đạo giảm dưới 3,6 tạo điều kiện cho nấm candida phát triển.
Ảnh minh họa
Bệnh Candida âm đạo là bệnh phụ khoa thường gặp, trong tuổi hoạt động tình dục, là yếu tố thuận lợi để bệnh lây truyền, ngoài lây truyền qua đường tình dục, bệnh còn lây qua nước, quần áo… Bệnh do loại vi nấm hạt men gây nên, có tên khoa học là Candida Albican, nấm dễ phát triển trong môi trường ẩm ướt và pH âm đạo < 5. Về triệu chứng của bệnh, biểu hiện đặt trưng là huyết trắng sánh đặc, màu trắng lợn cợn, đóng thành mảng, gây ngứa, rát nhiều, giao hợp đau. Khi khám nhận thấy âm hộ viêm đỏ, nề; âm đạo viêm đỏ, ứ đọng huyết trắng, nếu xét nghiệm thì pH âm đạo <4,5.
Về điều trị, có thể chọn 1 trong các thuốc như: Fluconazole với tên biệt dược là Funcan, Flucozal, Forcan, Diflucan, thuốc dùng với liều 150mg uống một lần duy nhất; nếu candida lây qua đường sinh hoạt tình dục thì dùng lên trên cho cả vợ lẫn chồng, để tránh tái nhiễm. Hoặc dùng Itraconazole, với tên biệt dược là Sporal, dùng với liều 200mg uống 1 lần/ngày, uống trong 3 ngày, hoặc 200mg x 2 lần/ngày. Ngoài thuốc uống, cần đặt âm đạo, thuốc như: Clotrimazole với tên biệt dược như Candid… dùng với liều 500mg đặt âm đạo 1 viên /ngày, đặt trong 7 ngày.
Về phòng bệnh, bình thường dưới tác động của trực khuẩn Doderlein sẽ chuyển hóa và góp phần duy trì nồng độ pH ở âm đạo theo hướng có lợi cho cơ thể, vì vậy tránh những tác động có thể làm thay đổi trực khuẩn Doderlein như dùng các loại kháng sinh đặt âm đạo khi không có chỉ định, hay có những thói quen là bơm rửa âm đạo nhiều lần trong ngày từ đó làm cho nấm Candida dễ phát triển. Cần tránh dùng kháng sinh toàn thân như uống hoặc tiêm khi không cần thiết vì làm như vậy cũng tạo điều kiện cho nấm phát triển. Tăng cường sức đề kháng qua ăn uống hợp lý, tập thể thao, tránh để ẩm ướt vùng sinh dục kéo dài và không giờ quên là kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng đến 1 năm trong đó có khám phụ khoa.