Cần xử lý nghiêm việc xâm hại di tích

03-11-2017 09:48 | Thời sự
google news

SKĐS - Tình trạng trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa sai phạm; xây mới công trình trong không gian di tích... đã xảy ra nhiều ở nước ta thời gian qua.

Dù cơ quan chức năng đã siết chặt quản lý về vấn đề này để hạn chế các sai phạm, tuy nhiên, việc trùng tu theo kiểu “phá” di tích vẫn tiếp diễn, các công trình xây mới hiện đại không phép, lệch chuẩn vẫn “mọc” lên trong quần thể di tích.

Hà Nội được xem là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa nhất cả nước. Theo thống kê, tại Thủ đô có khoảng 6.000 di tích lịch sử, văn hóa; chiếm 1/3 số di tích của cả nước, với các loại hình đa dạng như: đình, đền, chùa, thành quách, phố cổ, làng nghề... Trước tác động của điều kiện tự nhiên cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều di tích tại Hà Nội đã xuống cấp và được cơ quan chức năng tiến hành trùng tu, tu bổ để “cứu” các di tích không bị biến mất. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều di tích văn hóa lịch sử của Hà Nội khi trùng tu, tôn tạo đã xảy ra sai phạm khiến giới chuyên gia và người dân vừa lo lắng xen lẫn bức xúc.

Tại chùa Khúc Thủy hiện đặt rất nhiều tượng Phật mới ngồi trên bệ sen, đặt trên bệ gạch xây, sơn màu vàng chói, gắn tên người công đức... không đúng với truyền thống.

Tại chùa Khúc Thủy hiện đặt rất nhiều tượng Phật mới ngồi trên bệ sen, đặt trên bệ gạch xây, sơn màu vàng chói, gắn tên người công đức... không đúng với truyền thống.

Gần đây, chùa Khúc Thủy (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) - Di tích lịch sử Quốc gia được tu bổ, tôn tạo nhưng đã xảy ra nhiều sai phạm. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa cho biết, phía sau chùa chính xuất hiện 3 khối nhà, tại khối nhà giữa đặt một pho tượng Phật bằng đá lớn trên trần, một pho tượng Phật nằm và khối đá trang trí phía trước. Tại lối đi hai bên chùa chính đặt rất nhiều tượng Phật ngồi trên bệ sen, đặt trên bệ gạch xây, sơn màu vàng chói, phía trước bệ gắn tên người công đức. Trong chùa còn có các pho tượng Phật kích thước lớn, được sơn thếp với màu sắc giả cổ. Phía trên nhà tiền đường và thượng điện treo các mảng rèm trang trí có màu sắc sặc sỡ... Trước các sai phạm này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có công văn yêu cầu UBND huyện Thanh Oai có biện pháp khắc phục, xử lý các vi phạm và hoàn thành trước ngày 12/9/2017, nhưng đến hiện tại, vị trí tượng không đúng truyền thống văn hóa tại chùa vẫn giữ nguyên, công trình vi phạm đã xây không được dỡ bỏ, công trình xây dở vẫn tiếp tục thi công...

Cũng tại Hà Nội, tháng 4/2017, các chuyên gia và người dân rất “sốc” khi chứng kiến các mảng chạm ở bậu cửa sổ di tích đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) bị sơn đỏ chót khi được tu bổ đã làm hỏng toàn bộ các nét chạm của mảng chạm độc bản, rất quý có từ thế kỷ 17. Không chỉ có mảng chạm, tất cả vách, cửa, lan can của di tích cũng bị sơn nham nhở. Điều đáng nói, việc sơn thếp hai bức chạm thế kỷ 17 - 18, hai bên bậu cửa và chấn song cửa sổ tại đền Phù Đổng không được cơ quan chức năng phê duyệt. Bên cạnh đó, các vụ việc tiêu biểu: chùa Trăm Gian trùng tu một số hạng mục sai phạm nghiêm trọng; bức bình phong phản cảm xây mới trước lăng Ngô Quyền tại làng cổ Đường Lâm, hoặc chùa Hương xuất hiện công trình “lạ” nhưng không được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng... xảy ra tại Hà Nội từng tốn nhiều giấy mực của báo giới và gây xôn xao dư luận.

Không chỉ có Hà Nội là điểm nóng về việc xây mới công trình trong quần thể di tích, có nhiều vụ trùng tu, tôn tạo di tích sai quy định; một số địa phương khác ở nước ta cũng để xảy ra tình trạng tương tự. Gần đây, người dân xã Thái Niên (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) xôn xao trước việc Ban Quản lý lâm thời đền Đồng Ân (tên gọi khác là đền Mi) đóng tại địa bàn tự ý cho một số cá nhân xây dựng khu nhà theo mô tuýp của cung thờ Phật trên đất của Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Đồng Ân, qua đó phá vỡ khung cảnh, giá trị vốn có của khu di tích lịch sử - văn hóa này. Điều đáng nói là các cá nhân, tổ chức xây dựng công trình trong thời gian dài nhưng không ai hay biết. Hoặc sự việc tương tự, tại Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Hợp Phố (xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, Thái Bình) xây dựng năm 1922 đã qua trùng tu, chưa xuống cấp nhưng từ cuối năm 2015 đã bị một số cá nhân ở địa phương tự ý lập dự án để phá đền đi xây mới.

Trước những vụ việc xâm hại di tích lịch sử, văn hóa thời gian qua, đã nhiều lần người dân và các chuyên gia nêu ý kiến cần xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức, đơn vị để xảy ra sai phạm. Trong đó, cơ quan chức năng từ địa phương đến cấp nhà nước phải siết chặt quản lý, đồng thời cần áp dụng nghiêm Điều 71 Luật Di sản: “Người nào vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên đến nay, chưa có trường hợp cụ thể chịu trách nhiệm trước pháp luật vì việc xâm hại di tích. Tất cả chỉ dừng lại ở mức xử lý là “rút kinh nghiệm, phê bình”... Chính điều này không tạo nên sức răn đe và cá nhân, tổ chức, đơn vị để xảy ra sai phạm có dấu hiệu “nhờn” luật, đồng thời tạo ra những tiền lệ xấu. Và nếu để tình trạng này kéo dài, các giá trị của di tích sẽ bị bào mòn, thậm chí sẽ không còn tồn tại trong đời sống văn hóa của người Việt?!


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn