Từ “đánh tráo” người đi cách ly đến... bỏ trốn khỏi khu cách ly
Mới đây, khu cách ly tập trung Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ, Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận ông Đ.N.D (51 tuổi) trở về từ vùng có dịch là tỉnh Bắc Ninh vào cách ly tập trung theo quyết định của Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương. Sáng 4/6, Ban điều hành khu cách ly tập trung tiến hành lấy thông tin cá nhân, khai báo y tế các trường hợp vào cách ly thì phát hiện ông T.Đ.D, 39 tuổi (trú tại phường 11, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) đang cách ly thay thế cho ông Đ.N.D.
Một sự việc khác xảy ra trước đó khi ông L.T.H., Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty P.Đ (một công ty đang thực hiện dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã tráo người là nhân viên của mình đi cách ly thay. Trước đó, ông H. được xác định là người ngồi trên chuyến bay VN1547 từ Hà Nội về Huế ngày 6/3/2020. Ngày 8/3/2020, một người trên chuyến bay này bị phát hiện dương tính với Sars-cov-2. Đến tối 8/3/2020, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã lên danh sách 4 người trên chuyến bay này về Quảng Trị để đưa đi cách ly, trong đó có ông H. nhưng ông đã cho nhân viên của mình đi cách ly thay.
Có thể nói, đây là những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định phòng, chống dịch COVID-19 nghiêm trọng. Những hiện tượng “đánh tráo” người để trốn cách ly tập trung hay manh động hơn, tự trốn khỏi khu cách ly tuy không nhiều nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh diện rộng. Đây thực sự là những “con sâu” phá hoại thành quả chống dịch COVID-19 mà cả hệ thống chính trị lẫn nhân dân trong cả nước đang nỗ lực gây dựng.
Lấy thông tin trường hợp cách ly tập trung tại Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ, Công an tỉnh Lâm Đồng.
Xử lý thật nghiêm để răn đe
Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM: Hành vi gian dối để không thực hiện cách ly y tế của cơ quan có thẩm quyền thì cả người trốn cách ly và người đi cách ly thay đều vi phạm pháp luật. Cụ thể, tại Điều 11 Nghị định 117/2020 quy định trường hợp từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Trong trường hợp của ông Đ.N.D (Lâm Đồng), mặc dù chưa biết chắc chắn có nhiễm bệnh hay không nhưng ông là đối tượng bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly nhưng đã trốn khỏi nơi cách ly, nếu ông D. làm lây truyền dịch bệnh cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định hiện hành, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly mà trốn khỏi nơi cách ly gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người (Văn bản số 45 của TAND Tối cao hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19). Tùy theo mức độ gây thiệt hại, người phạm tội có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 12 năm. Ngoài ra, người đi cách ly thay ông D. mà nếu để lại hậu quả nghiêm trọng như trên thì người này cũng có thể bị xử lý cùng tội danh trong vai trò là đồng phạm với ông D.
“Bất kể là ai, đối với dịch bệnh cũng phải tự ý thức việc tuân thủ quy trình quy định của ngành y tế. Cần xem xét kỹ, nếu ông D. cố tình qua mắt lực lượng chức năng trốn cách ly thì đây là hành vi cố ý vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp này nhất định phải xử lý hình sự để răn đe” - luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhấn mạnh.
Để dịch COVID-19 nhanh chóng đẩy lùi, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống trở lại như bình thường thì việc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Thiết nghĩ, sau những sự việc đánh tráo người đi cách ly, cần phải xử lý thật nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm quy định phòng chống dịch để làm gương, tránh các trường hợp tương tự tái phạm. Thậm chí, cần áp dụng những khung hình phạt nặng như khởi tố hình sự để răn đe, ngăn chặn. Qua đó, mỗi công dân cần có ý thức tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để không gây nguy hiểm, rắc rối cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.