Cần xử lý hình sự các cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn

09-05-2018 14:42 | Thời sự
google news

SKĐS - Công an tỉnh Đắk Nông vừa thu giữ tang vật gồm hơn 20 tấn cà phê phế phẩm đã ngâm, tẩm hóa chất. Trong 3 tháng đầu năm 2018, cơ sở này đã bán được hơn 3 tấn và 20 tấn cùng loại chuẩn bị xuất xưởng nếu không bị phát hiện.

Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và gõ một tiếng chuông cảnh báo đến các nhà quản lý. Báo Sức khỏe Đời sống Cuối tuần đã trao đổi với BS. Trần Văn Ký - Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam về vấn đề này.

Cần xử lý hình sự các cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn

BS. Trần Văn Ký

Thực phẩm bẩn luôn gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người tiêu dùng. Mới vừa đây, bột than pin trà trộn vào cà phê và tung ra thị trường như vậy, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân như thế nào nếu không may sử dụng phải những loại cà phê bẩn?

Chúng ta biết rằng cà phê sản xuất và được trộn với bột than đen của pin, mà bột than đen của pin là hợp chất hóa học rất nhiều thành phần độc tố trong đó và chứa rất nhiều kim loại nặng như chì, thạch tín (asen)… Tất cả những chất đó vô cùng độc hại đối với cơ thể, trước hết gây độc thần kinh, làm cho người sử dụng cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, đau nhức, bứt rứt, giảm trí nhớ; giảm hấp thu hoặc giảm chuyển hóa khiến cơ thể khó hấp thu thực phẩm, dinh dưỡng, chuyển hóa cơ thể cũng bị tác động. Hai, các chất độc theo máu vận chuyển trong cơ thể, một số đào thải được, một số không đào thải được vẫn nằm trong các cơ quan trong cơ thể, ví dụ nằm trong gan gây viêm gan, nằm trong phổi gây viêm phổi…, nhất là gia tăng nguy cơ gây ra ung thư máu. Tất cả những chất độc này hầu như không được thải ra ngoài vì là hợp chất kim loại nặng.

Các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm vẫn có những ràng buộc về an toàn khi sản xuất, kinh doanh thực phẩm?

Các sản phẩm đã thành phẩm lưu thông trên thị trường, các cơ quan chức năng rất khó phát hiện ra những sản phẩm chứa chất độc hại này. Các quy định mới về an toàn thực phẩm - Nghị định 15/2018/NĐ-CP về “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn Thực phẩm” có hiệu lực từ ngày 2/2/2018. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thực phẩm thường tự công bố, không cần xin phép. Đó là một quy định vô cùng thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh. Tuy nhiên, hồ sơ tự công bố theo Nghị định 15 lại không quy định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, chỉ yêu cầu chung về chỉ tiêu an toàn.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Đối với quy định tự công bố, trong Nghị định cũ, cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp công bố chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, nhưng mà theo Nghị định 15 mới này, tự công bố sản phẩm không yêu cầu doanh nghiệp đưa chỉ tiêu, chất lượng sản phẩm vào. Bảng tự công bố chỉ yêu cầu về an toàn thực phẩm. An toàn thực phẩm trước giờ trên toàn thế giới, là quy định cần phải có. Ví dụ, vi sinh hay kim loại nặng phải đạt ở mức chuẩn. Trong khi đó, không yêu cầu đưa tiêu chuẩn chất lượng.

Vụ việc cà phê trộn bột than của pin… đấy là vì cơ quan chức năng bắt được tại chỗ, chứ nếu thành phẩm đưa ra thị trường rồi thì cơ quan chức năng rất khó kiểm tra được theo Nghị định này, đều tốt hết. Vì, với cách pha trộn này, vi sinh không thể sống được, kim loại nặng có thể nhiễm với nồng độ cao.

Quy định này có chỗ hổng trong hệ thống quản lý về an toàn thực phẩm mà chúng ta cần xem xét, bổ sung cho phù hợp. Ví dụ, tôi có thể mua vỏ cà phê về xay nhuyễn trộn với phụ gia cho phép, một số chất bột an toàn đối với người tiêu dùng. Tôi vẫn có thể công bố một cách hợp pháp đó là cà phê. Bởi vì Nghị định này không yêu cầu công bố chất lượng mà chỉ quy định về an toàn thực phẩm. Nên doanh nghiệp cứ công bố chỉ tiêu vi sinh, kim loại nặng hợp chuẩn là sản phẩm của doanh nghiệp đó có thể lưu hành được mà không cần công bố hàm lượng caffein là bao nhiêu. Các sản phẩm gạo, mắm, muối… cũng cần chỉ tiêu chất lượng để tạo nên chất lượng sản phẩm. Như vậy, xưa nay những người làm ăn bậy bạ, gian dối càng có cơ hội công khai.

Cơ quan chức năng không có một căn cứ nào để thực hiện các kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Nên các sản phẩm này, nếu chỉ kiểm tra an toàn thực phẩm về mặt vi sinh, và một số kim loại nếu như đạt ngưỡng an toàn, sản phẩm vẫn hợp pháp lưu thông ngoài thị trường.

Về góc độ chuyên môn, chúng ta làm thế nào để quản lý được từ bên trong chất lượng sản phẩm?

Để quản lý được chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất đến khâu thành phẩm, công tác hậu kiểm phải tuyệt đối thực hiện đúng và nghiêm ngặt và phải có sự giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm. Đối với các nước tiên tiến, người ta giao cơ sở cho từng cán bộ chuyên trách và bất cứ một sự việc nào xảy ra trong cơ sở đó, mà vi phạm về pháp luật như trường hợp vừa rồi, cán bộ đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta hiện nay vẫn còn quản lý khá chung chung, quản lý theo “trào lưu”, “cơn sốt” hoặc theo từng sự cố xảy ra chứ không có một sự giao trách nhiệm cụ thể cho một cán bộ nào phụ trách mảng này, phụ trách cơ sở này. Vì vậy, khi một sự cố ở cơ sở sản xuất xảy ra, ít có người chịu trách nhiệm, đẩy cho xã hội hoặc công ty đó chịu trách nhiệm.

Hiển nhiên, công ty hoặc cơ sở sản xuất hàng gian, hàng giả đó phải chịu trách nhiệm, nhưng cơ quan quản lý, cán bộ quản lý cung phải chịu một phần trách nhiệm tương đương với cơ sở sản xuất ra các thực phẩm độc hại đó.

Chúng ta nên có những cách xử lý nào đối với những doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bẩn như vậy?

Chỉ bằng việc đưa chất độc vào cơ thể người sử dụng như vậy cần phải xử lý hình sự các cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn, mà không cần phải chờ hậu quả nghiêm trọng xảy ra.

Hiện nay, ở một số nước, như Đức, đối với các vấn đề an toàn thực phẩm, giữa người sản xuất thực phẩm và cơ quan quản lý liên tục phải ra tòa để xử lý. Đó là trường hợp cơ sở sản xuất không đảm bảo an toàn thực phẩm và vượt quá mức xử lý của cơ quan quản lý trực tiếp, họ đều đưa ra tòa xử theo luật. Tòa án có thể sẽ xử lý hành chính có thể hình sự.

Ở các nước, người ta giao các cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh thực phẩm ở địa bàn này cho một cán bộ cụ thể như “cảnh sát khu vực” và bất kỳ xảy ra sự cố gì ở cơ sở đó mà không được phát hiện và xử lý kịp thời, người cán bộ đó sẽ bị xử lý trước pháp luật.

Xin cảm ơn BS. Trần Văn Ký!


AN QUÝ thực hiện
Ý kiến của bạn