Cần xử lý dứt điểm “nạn” ăn xin, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”

09-02-2021 17:05 | Xã hội
google news

SKĐS - Để giải quyết triệt để tình trạng người lang thang, người ăn xin trên địa bàn UBND TP.Vinh (Nghệ An) đã ban hành công văn yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm trình trạng này. Tuy nhiên sau gần 1 tháng triển khai, phóng viên vẫn ghi nhận tình trạng người ăn xin, xin tiền, tại các ngã ba, ngã tư, và những nơi tâm linh tạo nên những hình ảnh phản cảm.

2 đối tượng ăn xin "thường trực" tại Ngã tư đèn đỏ để xin tiền. Ảnh chụp lúc 15h ngày 7/2 tại đường Lê Lợi, TP. Vinh 

Chính quyền vào cuộc

Ngày 12/1/2021, Phó Chủ tịch UBND TP Vinh, bà Trần Thị Cẩm Tú – đã ban hành Công văn số 118/UBND-LĐTBXH về việc xử lý, giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố.

Nôi dung công văn nêu rõ: Thời gian gần đây trên địa bàn thành phố Vinh, tình trạng người lang thang, người ăn xin đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tình trạng một số đối tượng lợi dụng người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em để tổ chức lang thang bán hàng rong, xin ăn trên các lề đường Quang Trung, Lê Lợi, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cữ, Nguyễn Sỹ Sách, Trần Phú, Lê Mao, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Phong Sắc (khu vực vòng xuyến cây xăng Hưng Dũng), và khu vực chợ Vinh, chợ Quán Lau, chợ Quang Trung, chùa Diệc, đền Hồng Sơn… làm ảnh hưởng đến trật tự trị an và mỹ quan đô thị.

Theo đó, để giải quyết triệt để tình trạng người lang thang trên địa bàn thành phố Vinh, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, UBND TP. Vinh yêu cầu: Chủ tịch UBND các phường, xã, đặc biệt là các phường: Quang Trung, Lê Lợi, Lê Mao, Hưng Phúc, Hưng Bình, Hà Huy Tập, Hưng Dũng, Quán Bàu, Hồng Sơn, Vinh Tân, Cửa Nam, Trường Thi khẩn trương triển khai lực lượng quyết liệt đảm bảo xử lý dứt điểm tình trạng người lang thang xin ăn, xin tiền trên địa bàn.

Ngay khi mọi người dừng đèn đỏ lập tức đối tượng ăn xin chạy ra giữa đường để xin tiền. Ảnh chụp lúc 15h ngày 7/2 tại đường Lê Lợi, TP. Vinh

Tăng cường tuần tra, rà soát phát hiện, bố trí lực lượng, phương tiện tiếp cận đối tượng, lập hồ sơ, tổ chức xác minh hoàn cảnh, tìm kiếm nhân thân, nơi thường trú, xác định quê quán của đối tượng để chủ động phương án xử lý (tuyệt đối không đẩy đuổi sang địa bàn khác).

Chủ trì phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH tổ chức đưa và bàn giao đối tượng lang thang xin ăn không rõ địa chỉ vào các trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh (quy trình, thủ tục hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện theo Hướng dẫn số 132/HĐ-UBND ngày 27/12/2014 của UBND TP. Vinh).

Trường hợp là người thuộc địa phương khác thì liên hệ với chính quyền địa phương đó để giao trả đối tượng (yêu cầu khi bàn giao đối tượng phải lập biên bản giao nhận cụ thể).

Đồng thời giao Công an thành phố Vinh tổ chức điều tra, phát hiện, xử lý các đối tượng “chăn dắt” trục lợi người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em và các đối tượng yếu thế khác bán hàng rong, xin ăn theo quy định của pháp luật.

Một đối tượng ăn xin tại đường Nguyễn Phong Sắc, P. Hưng Dũng, TP.Vinh. Ảnh chụp lúc 10h ngày 8/2.

Chỉ đạo công an phường, xã chủ trì phối hợp với UBND phường, xã tăng cường tổ chức tuần tra, rà soát phát hiện, bố trí lực lượng, phương tiện tiếp cận đối tượng, tổ chức xác minh hoàn cảnh, tìm kiến nhân thân, nơi thường trú, xác định quê quán của đối tượng để lập hồ sơ, chủ động phương án xử lý.

Yêu cầu Trưởng công an thành phố Vinh, Chủ tịch UBND phường, xã chỉ đạo triển khai, thực  hiện nghiêm túc. Báo cáo kết quả về UBND thành phố trước ngày 19/2/2021.

Tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”

Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc thực hiện chỉ đạo của UBND TP Vinh, tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên trong 2 ngày 7 và 8/2, trên một số tuyến đường chính của thành phố Vinh như: Lê Mao; Quang Trung; Lê Lợi; Lê Duẩn (trước Đại học Vinh); Nguyễn Phong Sắc (Vòng xuyến Hải Quan) trước cổng chùa Chùa Cần Linh, Phường Cửa Nam…, vẫn còn tình trạng người ăn xin.

Đặc biệt là người già đứng ở ngã tư dùng nón lá để xin tiền các xe dừng chờ đèn đỏ làm mất an toàn giao thông, rất nguy hiểm; bên cạnh đó tình trạng trẻ em tỏ thái độ khó chịu nếu khách không mua hàng… những việc làm như vậy đã tạo nên những hình ảnh rất phản cảm.

Một đối trượng bán hàng rong mời chào khách mua hàng. Sau khi phát hiện phóng viên ghi hình, lập tức che mặt và yêu cầu đòi xóa hình ảnh. Ảnh chụp trên đường Nguyễn Thái Học, P. Lê Lợi, TP.Vinh

Anh Nguyễn Văn T, một tài xế xe taxi cho hay, thời gian gần đây xuất hiện rất nhiều cụ già và người tàn tật, đứng ở các ngã 3, ngã 4 để xin tiền, cứ 1 đến 2 ngày họ lại thay đổi địa điểm đứng xin, ngoài ra các trường hợp người khuyết tật và trẻ nhỏ không thể di chuyển nhanh từ chỗ này sang chỗ khác được chắc chắn có người bảo kê, chăn dắt, sáng chở địa điểm để xin, trưa đón về… nuôi ăn và thu tiền của họ xin được.

Tôi đi nhiều tỉnh, thành nhưng ít thấy người ăn xin như ở Vinh, chính quyền các cấp và người nhà cần đưa họ về nhà hoặc nơi tập trung, tránh tình trạng đứng xin tiền ở các ngã tư như này nguy hiểm quá, dễ xẩy ra tai nạn đáng tiếc, anh T đề nghị.

Để xử lý dứt điểm tình trạng người lang thang xin ăn, xin tiền, bán hàng rong trên địa bàn, các cơ quan chức năng, cần vào cuộc một cách quyết liệt, làm tốt hơn nữa công tác bảo trợ xã hội, giúp đỡ kịp thời những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già không nơi nương tựa, những trường hợp đặc biệt khó khăn, đáp ứng đủ theo quy định thì nên đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng; đồng thời tạo cho họ công ăn việc làm ổn định, qua đó sẽ hạn chế tình trạng đi ăn xin kiếm sống.

Mặt khác, cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền vận động, không đùn đẩy trách nhiệm giữa các địa phương, đơn vị để tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” đối với người ăn xin; cần tăng cường truy quét, xử lý nghiêm trước pháp luật những đối tượng bảo kê, chăn dắt, lợi dụng người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em để tổ chức hoạt động lang thang bán hàng rong, xin ăn. Có như thế mới xử lý triệt để được “nạn” người lang thang, người ăn xin trên địa bàn.                             


Từ Thành
Ý kiến của bạn