Cần xây dựng một lối sống khỏe mạnh ngay từ trẻ

TS.BS Nguyễn Trung Anh

TS.BS Nguyễn Trung Anh

Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương

10-02-2019 06:48 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Sống thọ, sống khỏe luôn là điều mà con người hướng tới. Song thực tế ở nước ta nhiều người sống thọ mà không khỏe.

Vậy đâu là nguyên nhân? Cần phải làm gì để có tuổi thọ khỏe mạnh? Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS. BS. Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương xung quanh vấn đề này.

Cần xây dựng một lối sống khỏe mạnh ngay từ trẻ

TS. BS. Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương.

Phóng viên: Thưa tiến sĩ, ông có thể cho biết vì sao tuổi thọ của người dân Việt Nam ngày một tăng lên, song sức khỏe của người cao tuổi có vẻ như lại “yếu đi”?

Cần quan tâm đến sức khỏe của chính bản thân mình như duy trì việc khám sức khỏe định kỳ; hạn chế các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe như hút thuốc, uống rượu, ăn mặn, béo phì, ít vận động...

TS. BS. Nguyễn Trung Anh: Thực ra nhận định này chưa thật chính xác, tuổi thọ trung bình của người cao tuổi (NCT) Việt Nam ngày càng tăng nhờ những tiến bộ trong y học, sự phát triển kinh tế, xã hội. Theo Tổng cục Thống kê, tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2017 là 73,5 năm, trong đó nam là 70,9 năm và nữ là 76,2 năm. Mặc dù tuổi thọ của chúng ta đã tăng lên so với các năm trước nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại chưa cao. Tuổi thọ khỏe mạnh (HALE) theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 63,2 tuổi ở nam và 70,0 tuổi ở nữ; tăng khoảng 4 tuổi ở nam và 5 tuổi ở nữ so với năm 2000. Tuy nhiên, cũng theo số liệu của WHO, chênh lệch giữa tuổi thọ và tuổi thọ khỏe mạnh ở Việt Nam, tức là số năm trung bình người cao tuổi sống có bệnh tật tương đối cao so với các nước khác. Ở Việt Nam, nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Theo điều tra của Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Đồng thời người cao tuổi Việt Nam còn phải chịu gánh nặng bệnh tật kép, nghĩa là bao gồm cả bệnh lây nhiễm và các bệnh không lây nhiễm. Việt Nam lại là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số rất nhanh, nghĩa là chúng ta già trước khi giàu, vì vậy điều kiện kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn đối với một số lượng không nhỏ người cao tuổi.

Phóng viên: Trong bối cảnh đó công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta hiện nay ra sao, thưa tiến sĩ?

TS. BS. Nguyễn Trung Anh: Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta hiện nay ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm, thể hiện qua Nghị quyết số 20, 21 của Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, thể hiện qua các quyết định của Thủ tướng, qua các thông tư, công văn, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh xã hội, Bộ Tài Chính... Bệnh viện Lão khoa Trung ương (BVLKTW) được Bộ Y tế phân công là tuyến cao nhất về khám chữa bệnh cho người cao tuổi, có nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn, kỹ thuật cho các tuyến dưới trong phạm vi cả nước. Rất nhiều tỉnh thành phố đã thành lập Khoa Lão hoặc khoa Lão ghép, ví dụ Khoa Nội Tim mạch – Lão khoa. Hiện có khoảng 54 khoa Lão độc lập hoặc khoa Lão ghép tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (trừ bệnh viện Nhi) tuyến trung ương, tuyến tỉnh thành phố trong toàn quốc. Hầu hết các bệnh viện đều có chính sách ưu tiên khám bệnh trước cho người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên theo công văn chỉ đạo của Bộ Y tế. Số lượng người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ tại địa phương ngày càng tăng. Công tác truyền thông giáo dục nâng cao sức khỏe của Bệnh viện Lão khoa Trung ương ngày càng được đẩy mạnh. Song Việt Nam có tỉ lệ già hóa dân số cao trên thế giới, trong khi nguồn lực kinh tế xã hội lại hạn hẹp, điều này khiến cho một lượng không nhỏ những người cao tuổi, nhất là những người ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn không có điều kiện chăm sóc sức khỏe.

Phóng viên: Để góp phần nâng cao sức khỏe người cao tuổi, Việt Nam đã có giải pháp nào, thưa tiến sĩ?

TS. BS. Nguyễn Trung Anh: Có nhiều Chiến lược, Đề án, Kế hoạch hành động quốc gia về người cao tuổi, trong đó có những giải pháp chủ yếu được đưa ra như: Tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; củng cố, hoàn thiện hệ thống khám chữa bệnh cho người cao tuổi; phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; nâng cao năng lực cho các khoa lão, các đơn vị thực hiện khám, chữa bệnh cho người cao tuổi; tăng cường đào tạo đội ngũ bác sĩ lão khoa, bồi dưỡng sau đại học về lão khoa, bồi dưỡng kiến thức về lão khoa cho sinh viên các trường y, người chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; thành lập các bộ môn Lão khoa trong các trường đại học y khoa; xây dựng các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, lồng ghép các nội dung tự chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào các câu lạc bộ liên thế hệ và các loại hình câu lạc bộ của người cao tuổi khác; nghiên cứu, hợp tác quốc tế để tiến hành các nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về lão khoa... Giải pháp chúng ta đã có, tuy nhiên để thực hiện được cần sự nỗ lực không chỉ chuyên ngành Lão khoa mà cả cộng đồng xã hội, trong đó mỗi gia đình, mỗi người dân là đơn vị nhỏ nhất góp sức vào công tác này.

Cần xây dựng một lối sống khỏe mạnh ngay từ trẻDuy trì khám sức khỏe định kỳ...

Phóng viên: Thưa tiến sĩ, vậy muốn giữ gìn sức khỏe và có tuổi thọ khỏe mạnh nên làm gì?

TS. BS. Nguyễn Trung Anh: Đối với mỗi người, cần chú ý một số vấn đề sau: Điều này cần được thực hiện và tuân thủ ngay từ lúc còn trẻ, chứ không đợi đến khi đã có tuổi; giảm bớt/loại bỏ các yếu tố nguy cơ làm sức khỏe suy yếu và rút ngắn tuổi thọ; xây dựng các hành vi có lợi cho sức khỏe ngay từ giai đoạn trưởng thành như bớt ăn mặn, giảm bớt chất đường bột, mỡ, ăn nhiều rau xanh, trái cây, ăn nhiều cá, uống đủ nước, bỏ hút thuốc, tập thể dục, hoạt động thể lực vừa sức, không hoặc uống rượu bia điều độ, làm công việc mình ưa thích, chú ý đến đời sống tinh thần, hòa nhập và tham gia các hoạt động xã hội có ích; khi đã phát hiện ra bệnh cần tuân thủ điều trị, lời tư vấn của các bác sĩ; sống lạc quan, vui vẻ... Tất cả những điều này tưởng chừng rất đơn giản và cũng không có gì mới tuy nhiên để thực hiện được chúng trong cuộc sống không phải dễ dàng và những nguyên tắc này như kim chỉ nam cho chúng ta để có được sức khỏe tốt và kéo dài tuổi thọ.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn tiến sĩ!


Mai Hương (thực hiện)
Ý kiến của bạn