Hà Nội

Cần xây dựng kế hoạch, các cấp độ kiểm soát người dân đến di tích, lễ hội

16-03-2021 06:49 | Thời sự
google news

SKĐS - Hình ảnh “biển người” đến chùa Tam Chúc (Hà Nam) bất chấp dịch bệnh vừa qua là điều đáng lo lắng và là lời cảnh báo về an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh ở các địa điểm thu hút đông người.

Hơn nữa, không riêng gì Tam Chúc, nhiều hoạt động lễ hội, tôn giáo, thể thao ở các địa phương khác rất có thể tiềm ẩn nguy hiểm, trở thành “quả bom” bùng phát dịch bệnh nếu như không thay đổi nhận thức và phương thức quản lý.


"Biển người" phủ kín mọi khuôn viên chùa Tam Chúc ngày 14/3.

Trước thực trạng lo “biển người” có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong những dịp cuối tuần kế tiếp tại Tam Chúc, Bái Đính, Chùa Hương, Yên Tử hoặc nhiều nơi khác nữa, ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VHTTDL) cho rằng, các địa phương, các nơi có di tích, danh thắng trọng điểm khác cần rút kinh nghiệm và triển khai xây dựng ngay biện pháp, kế hoạch cho mình.

"Nếu không sớm dự báo tình hình, dự kiến các cấp độ xử lý thì sẽ rất khó có thể kiểm soát. Do đó, công tác tuyên truyền về ý thức phòng chống dịch bệnh, thực hiện nếp sống văn minh tại các địa điểm di tích, danh thắng cũng cần tiếp tục được đẩy mạnh", ông Lê Đức Trung nhận định.

Theo ông Lê Đức Trung, từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, Bộ VH-TT&DL đã ban hành nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để yêu cầu phối hợp triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19.

Các cơ quan chức năng của Bộ như Tổng cục Du lịch, Cục Di sản Văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và tổ chức các đoàn kiểm tra các địa phương trong việc thực hiện công tác phòng chống dịch trong lĩnh vực văn hóa, thể theo, du lịch.

Về hệ thống văn bản quản lý, hướng dẫn các địa phương, Bộ VH-TT&DL đã ban hành rất đầy đủ. Tuy nhiên, việc triển khai công tác phòng chống dịch song song với đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của người dân là một thách thức không nhỏ đối với các địa phương nên đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp cũng như BQL từng di tích, danh thắng.

Lượng du khách đến chùa tăng đột biến, với khoảng 50.000 người trong ngày 14/3 khiến một số thời điểm xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ.

Một cách khách quan, du lịch tâm linh là nhu cầu tất yếu của người dân, đặc biệt sau tháng Giêng các lễ hội đều không tổ chức, di tích đóng cửa thì khi mở cửa trở lại số lượng người dân đến các điểm di tích, lễ hội sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch. Vì vậy, các địa phương cần chủ động dự báo tình hình và xây dựng kế hoạch, các cấp độ kiểm soát, chỉ có như vậy mới không bị động.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương, BQL các di tích, danh thắng. Bên cạnh đó, một vấn đề vô cùng quan trọng khác là ý thức phòng chống dịch của người dân phải được nâng cao. Mong rằng, mỗi người dân đều tự nâng cao ý thức phòng chống dịch, vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng.

Vừa mới đây, Bộ VH-TT&DL đã có công văn gửi các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện nếp sống văn minh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Công văn nêu rõ: Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên cả nước cơ bản đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh do hiện tượng người dân chủ quan, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch khi tham gia các hoạt động tập trung đông người, đặc biệt là tại các địa điểm du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh.

Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ VH-TT&DL trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo các cơ quan ban, ngành tại địa phương triển khai một số nội dung sau:

Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, triển khai quy trình phòng, chống dịch trong hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ VH-TT&DL.

Yêu cầu Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống dịch cho khách du lịch; người tham gia hoạt động văn hóa, thể thao; khách tham quan bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh; người tham gia lễ hội. Chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19; yêu cầu nhân dân thực hiện "Thông điệp 5K: Khẩu trang- Khử khuẩn - Khoảng cách- Không tụ tập- Khai báo y tế" của Bộ Y tế tại các điểm du lịch; bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh; nơi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao; địa điểm tổ chức lễ hội.

Xây dựng, thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn