Chi tiêu y tế bình quân đầu người của Việt Nam khá thấp so với các quốc gia trong khu vực
Thông tin tại hội thảo với chủ đề: "Đề xuất chính sách BHYT bổ sung và cơ chế bảo đảm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho người bệnh trong Dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi" do Bộ Y tế và Hội kinh tế y tế tổ chức ngày 24/7 cho thấy hiện nay, Việt Nam đã đạt được những cải thiện đáng kể về các chỉ số đo lường chất lượng y tế cộng đồng, thể hiện qua mức tuổi thọ trung bình ngày càng tăng và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm xuống.
ThS Trần Thị Trang - Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, hiện tỷ lệ tổng chi tiêu y tế Việt Nam trong tổng GDP là 4,68% cao hơn so với các quốc gia trong khu vực ASEAN như Malaysia (4,12%), Indonesia (3,41%) và Thái Lan (4,36%) (năm 2020). Tuy nhiên, chi tiêu y tế bình quân đầu người của Việt Nam là 166 USD, khá thấp so với các quốc gia như Malaysia (419 USD), Thái Lan (305 USD), Singapore (3.537 USD).
Tổng chi từ Quỹ BHYT xã hội tăng từ 0.85 tỷ USD năm 2010 đến năm 2022 đã đạt hơn 5 tỷ USD. Tuy nhiên đến nay, phí BHYT xã hội trên đầu người ở Việt Nam vẫn thấp ở mức khoảng 50 USD/người/năm; quỹ BHYT xã hội cũng chỉ đóng góp ¼ tổng chi tiêu y tế. Phần lớn vẫn đến từ chi tiêu tiền túi của người dân, chiếm khoảng 39,6% trong tổng chi tiêu y tế trong năm 2020, cao hơn các quốc gia trong khu vực như Malaysia (35,89%), Indonesia (31,79%), Thái Lan (10,54%) và Singapore (18,97%).
Việc tỷ lệ chi từ tiền túi tương đối cao trong cơ cấu tài chính y tế ở Việt Nam có thể gây nguy cơ thiếu sự bền vững trong dài hạn, đặc biệt chúng ta đã bước vào 'thời kỳ già hóa dân số" và trở thành một trong những quốc gia già hóa nhanh nhất thế giới từ năm 2017.
"Vì vậy, việc xây dựng và vận hành cơ chế tài chính nhằm đảm bảo người bệnh được tiếp cận các dịch vụ y tế hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế ngày càng đa dạng ở cả nhóm đại chúng và nhóm người có thu nhập cao đang dần trở thành mối quan tâm lớn"- bà Trang nói và thông tin: Bộ Y tế, Chính phủ đang tìm nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; đổi mới cơ chế tài chính, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào hệ thống y tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có ứng dụng các dịch vụ kỹ thuật cao.
BHYT bổ sung/BHYT thương mại tăng thêm nguồn tài chính cho chăm sóc sức khoẻ
Hiện nay, tại Việt Nam có 2 hình thức BHYT, đó là:
Thứ nhất, BHYT là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật BHYT.
Quỹ BHYT chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho đối tượng theo quy định của Luật BHYT, người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần ngoài mức hưởng và phạm vi được hưởng.
Thứ hai, bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm (thường được gọi là BHYT thương mại) mang tính kinh doanh, hoạt động có lợi nhuận theo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Được thiết kế phù hợp với mọi mong muốn của người ký hợp đồng bảo hiểm theo từng điều kiện và nhu cầu của người đó, mang tính tự nguyện và không mang tính bắt buộc như BHYT xã hội. Mặc dù có mức phí thường cao hơn so với BHYT bắt buộc nhưng bảo hiểm sức khỏe có nhiều lựa chọn cho người tham gia do đa dạng gói quyền lợi theo khả năng đóng.
Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết tại Nghị quyết 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đặt ra một trong nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới là "đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế" trong đó tập trung "Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện BHYT toàn dân. Điều chỉnh mức đóng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ. Đa dạng các gói BHYT. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại".
TS Nguyễn Khánh Phương – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế nêu rõ, BHYT tư nhân/thương mại là mô hình BHYT tự nguyện, hoạt động ngoài tổ chức BHYT xã hội, mức phí tham gia được xác định theo nguy cơ sức khỏe của mỗi cá nhân do một tổ chức có tư cách pháp nhân không thuộc nhà nước điều hành theo phương thức vì lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận.
Theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), BHYT bổ sung là dịch vụ do BHYT tư nhân cung cấp bổ sung phạm vi quyền lợi của chương trình BHYT bắt buộc của nhà nước bằng cách bao phủ toàn bộ hoặc một phần chi phí không được BHYT bắt buộc chi trả (đồng chi trả, dịch vụ, thuốc ngoài gói quyền lợi)
BHYT bổ sung góp phần tăng 3 chiều bao phủ của bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân là dân số, dịch vụ và bảo vệ tài chính;
Theo phân tích của TS Phương, BHYT bổ sung tăng thêm nguồn tài chính cho chăm sóc sức khoẻ, đồng thời thêm cơ chế tài chính trả trước, góp phần giảm chi tiền túi. Hình thức này còn phát huy thế mạnh của công ty bảo hiểm thương mại về tiềm lực tài chính, nghiệp vụ bảo hiểm, kinh nghiệm quản lý của các công ty đa quốc gia và quan trọng hơn nữa là góp phần làm đa dạng hóa các gói bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của người dân.
"Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý thể chế hóa việc liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội, tuy nhiên cần quy định rõ vai trò và mối liên hệ giữa BHYT thương mại và BHYT xã hội, đồng thời Luật pháp hóa các nguyên tắc quản lý nhà nước đối với liên kết, quy định chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước"- TS Phương nói, đồng thời nhấn mạnh thêm cần xây dựng và triển khai thí điểm Đề án liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội, trong đó cũng cần chú trọng việc truyền thông, cung cấp thông tin cho người dân hiểu rõ về quyền lợi được hưởng khi có sự liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội.