Tham luận tại hội thảo "Một số vấn đề y tế trong pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ" do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội hôm qua (1/12), các chuyên gia của Bộ Y tế và các đại diện bộ ngành cũng bàn thảo về quy định thời gian nghỉ và độ tuổi tối thiểu được lái xe. Quy định hiện hành là mỗi ngày không được lái xe quá 10 giờ và phải nghỉ ngơi sau mỗi 4 giờ lái xe.
Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, cần nghiên cứu tăng thời gian nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục và phân biệt thời gian nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục trong trường hợp lái xe ban ngày và ban đêm; Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe kết nối, liên thông với Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia về liên thông kết quả khám sức khỏe lái xe.
Tham luận của ông Phạm Thành Lâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, cần điều chỉnh thời hạn giấy khám sức khỏe của người lái xe theo từng độ tuổi. Đồng thời tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất phát hiện việc lái xe sử dụng ma túy và các kích thích thần kinh khác. Doanh nghiệp vận tải cần tổ chức khám tập trung theo từng đợt có sự giám sát của chủ doanh nghiệp và sự giám sát của Sở Giao thông vận tải, tuyệt đối không để lái xe tự đi khám.
Nếu lái xe không tuân thủ quy định về khám sức khỏe định kỳ thì cần có biện pháp mạnh là tước giấy phép lái xe. Doanh nghiệp không tuân thủ sẽ bị tước giấy phép kinh doanh. Chỉ có như vậy, chủ doanh nghiệp và người lái xe mới coi việc đảm bảo sức khỏe là một việc phải thực hiện nghiêm túc. Đồng thời Bộ Y tế sớm hoàn thiện kết nối dữ liệu sức khỏe người lái xe…
Chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức nhấn mạnh, tác động của rượu bia, ma túy và các chất kích thích đối với lái xe khi tham gia giao thông là rất rõ rệt. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông. Vì vậy, người dân phải tuyệt đối chấp hành nghiêm túc luật giao thông đường bộ khi tham gia giao thông là rất cần thiết.
Tại hội thảo, đại diện lực lượng cảnh sát giao thông cho biết 9 tháng vừa qua đã xử phạt trên 200.000 người uống rượu bia và tham gia giao thông. Số người bị xử phạt như kể trên là cao và cho thấy thói quen uống rượu bia và tham gia giao thông còn nặng nề ở nhiều vùng. Do mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn khá cao nên không có nhiều xe của doanh nghiệp vi phạm, mà vi phạm thường gặp ở người lái xe cá nhân và xe máy.
Đại diện lực lượng cảnh sát giao thông cũng cho biết có một số khó khăn trong xử lý người vi phạm nồng độ cồn, trong đó đo và xử phạt đều khó. Mỗi trường hợp vi phạm nồng độ cồn cần tới 2-4 giờ để xử lý, người vi phạm hầu hết chống đối lực lượng chức năng.