Hà Nội

Cần xây dựng Bộ luật Dân sự là bộ luật nền trong hệ thống pháp luật

25-11-2014 21:35 | Thời sự
google news

SKĐS - Thảo luận tại hội trường về Dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi ngày 25/11, hầu hết các đại biểu (ĐB) tán thành với sự cần thiết sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Dân sự.

Thảo luận tại hội trường về Dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi ngày 25/11, hầu hết các đại biểu (ĐB) tán thành với sự cần thiết sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng phản ánh những vấn đề còn chưa rõ ràng so với luật hiện hành, dẫn đến vướng mắc trên thực tế chưa được xử lý.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền.

Làm rõ các loại pháp nhân

Qua thảo luận, nhiều ĐB đánh giá Bộ luật Dân sự là đạo luật rất quan trọng, tác động đến các mối quan hệ cơ bản của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động và đời sống của các tổ chức, cá nhân, gia đình. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại, đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà điều quan trọng hơn là phải xây dựng Bộ luật Dân sự trở thành bộ luật nền của hệ thống pháp luật liên quan đến các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, góp phần bảo đảm tính ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội trên cơ sở kế thừa, phát triển pháp luật dân sự Việt Nam.

Về các loại pháp nhân (Điều 111 và Điều 112), dự thảo Bộ luật quy định 2 loại pháp nhân cơ bản, đó là: Pháp nhân thương mại là pháp nhân hoạt động vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân hoạt động không vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và không phân chia lợi nhuận cho các thành viên. Liên quan đến vấn đề này, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nêu ý kiến, thực tiễn áp dụng Bộ luật Dân sự 2005 cho thấy chế định pháp nhân còn nhiều bất cập và cần được sửa đổi. Tuy nhiên, dự thảo lần này không thay đổi cách tiếp cận so với Bộ luật hiện hành về khái niệm pháp nhân, thậm chí quy định của dự thảo còn thiếu rõ ràng so với luật hiện hành. Do vậy, tất cả những vướng mắc trên thực tế đã không được xử lý. Để giải quyết vấn đề này, ĐB Lộc đề nghị cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng việc xác định tổ chức là pháp nhân hay không theo quy định cụ thể của pháp luật...

Đại biểu Vũ Tiến Lộc.

Cân nhắc cái cũ - cái mới

Liên quan đến vấn đề áp dụng pháp luật trong Bộ luật Dân sự, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho biết, chúng ta có quy định nếu như không có luật thì áp dụng sự thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì áp dụng theo tập quán, nếu không có tập quán chúng ta áp dụng nguyên tắc tương tự, không có nguyên tắc tương tự chúng ta áp dụng nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự. Nếu không áp dụng được nguyên tắc tương tự vì lẽ công bằng của pháp luật và đạo đức xã hội thì tòa án phải xét xử. Tuy nhiên, một thực tiễn hiện nay rất nhiều người dân khổ sở về vấn đề tòa không thụ lý đơn của họ, có rất nhiều vấn đề người dân đã khởi kiện lên tòa án, tòa án trả lại hồ sơ và họ không biết kiện đi đâu. Băn khoăn về điều này, ĐB Thuyền cho rằng, trình độ dân trí của chúng ta thấp, trình độ thẩm phán của chúng ta chưa đạt đến đỉnh. Bây giờ luật pháp quy định rất nhiều, nhưng chúng ta xét xử vẫn còn oan sai, nên cần phải có tính toán rất kỹ.

Dẫn dụ về Luật hôn nhân gia đình, ĐB Thuyền cho biết, các nước quy định rất cụ thể những điều kiện được ly hôn và những điều kiện không được ly hôn. Trong Bộ luật Hồng Đức của chúng ta cũng quy định có 7 điều kiện được ly hôn và 3 điều kiện không được ly hôn, quy định rất rõ ràng, rành mạch. Nhưng luật của chúng ta quy định một câu là: “mục đích hôn nhân không đạt được, mâu thuẫn trở nên trầm trọng thì cho ly hôn”. Thực ra, tòa cấp dưới bảo vấn đề này rất trầm trọng, tòa cấp trên bảo tôi thấy chưa trầm trọng, tôi hủy án. Hiểu như thế nào là trầm trọng? Tương tự, với quy định là “vì lẽ công bằng của xã hội mà chúng ta xét xử”, thực sự như thế nào là công bằng? Có người nói vấn đề này công bằng, tòa sơ thẩm bảo vấn đề này là công bằng, tòa cấp trên bảo vấn đề này chưa công bằng. Để giải quyết vấn đề công bằng đòi hỏi trình độ thẩm phán phải thật sự uyên thông. ĐB Thuyền đề nghị cần có sự cân nhắc giữa cái mới, cái cũ.

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 26/11, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật đầu tư (sửa đổi); Luật doanh nghiệp (sửa đổi);… Thảo luận tại hội trường về dự án Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi); dự án Luật an toàn vệ sinh lao động. Trước đó, ngày 25/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự; Luật nhà ở (sửa đổi); Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Liên quan đến vụ việc một số đối tượng giả danh những cán bộ có chức vụ thực hiện các hành vi lừa đảo, bên lề Quốc hội, một số đại biểu đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Lòng tin của người dân với pháp lý chưa rõ ràng?

Hiện tượng này nói đến một vấn đề, hình như lòng tin của người dân đối với pháp lý chưa rõ ràng cho nên họ suy nghĩ cứ có ai giúp mình được thì họ sẽ làm. Khi lòng tin của người dân dành cho những người giả danh nhiều như vậy phần nào cũng đang thể hiện pháp luật của chúng ta chưa thực sự nghiêm minh. Nghe rằng người này, người kia có thể giúp được mình việc gì đó là sẵn sằng buông tiền. Chính vì như vậy nên mới có những người lợi dụng lòng tin của người kia và rất dễ bị lừa gạt. Trong khi đó trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh nhiều câu chuyện về sự lừa gạt nhưng người dân vẫn đặt niềm tin vào những người mình còn chưa từng gặp bao giờ mà chỉ nghe nói.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Cách tốt nhất là người dân không tiếp tay, tạo cơ hội cho tham nhũng.

Sự việc xảy ra đang nói lên rất nhiều điều, có thể người dân còn dễ bị lừa. Nhất là hiện nay với những chiêu trò tinh vi thì người dân càng dễ tin hơn. Cùng đó, sự dễ dàng của người dân như vậy phần nào đang phản ánh hiện trạng tham nhũng trong các cơ quan công quyền. Theo tôi, với người dân, cách tốt nhất là không tạo cơ hội để người ta tham nhũng, không tiếp tay. Nếu người dân vẫn nghĩ rằng đồng tiền có thể thực hiện được mong muốn của mình như vậy sẽ sinh ra một bộ phận chuyên nhận tiền như thế. Mặt khác, để công tác chống tham nhũng hiệu quả thì một nguyên tắc phải làm được đó là làm thế nào để họ không thể tham nhũng được, không cần tham nhũng nữa.                                        

Anh Nguyên (ghi)

T. Phong

 

 


Ý kiến của bạn