Trong giai đoạn 2013-2020, Bộ Y tế triển khai Đề án Bác sĩ gia đình (BSGĐ) với mục tiêu xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ trong hệ thống y tế Việt Nam, nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Tuy nhiên để mô hình BSGĐ mang lại hiệu quả cao, cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về những lợi ích cũng như hiệu quả của mô hình BSGĐ mang đến cho người dân, từ đó người dân sẽ hiểu, tin tưởng.
Khám bệnh tại phòng khám Bác sĩ gia đình Hà Nội.
Mô hình phòng khám BSGĐ là cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, đồng thời là cơ sở đầu tiên trong mạng lưới chuyển tuyến của hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh tới bác sĩ chuyên khoa hoặc bệnh viện khi có yêu cầu về chuyên môn. Trong giai đoạn 2013-2020, Bộ Y tế triển khai Đề án BSGĐ với mục tiêu xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGÐ trong hệ thống y tế Việt Nam, nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Có thể nói, việc mở rộng mô hình phòng khám BSGĐ là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, để mô hình này hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, bên cạnh việc hoàn chỉnh mô hình, xác định phạm vi, quy mô, chức năng nhiệm vụ, phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám BSGĐ, cần phải tuyên truyền để người dân hiểu và phân biệt được sự khác nhau của BSGĐ với các bác sĩ ở phòng khám, bác sĩ ở bệnh viện. Bởi, theo thực tế hiện nay, nhiều người vẫn còn nhầm tưởng về chức năng nhiệm vụ của BSGĐ.
Theo BS. Nguyễn Tá Dũng, phụ trách Phòng khám BSGĐ Hà Nội, nhiều người cho rằng BSGĐ chỉ làm gì đó giúp cho hộ gia đình trong công tác dự phòng, khám chữa bệnh thông thường. Nhưng thực tế BSGĐ là bác sĩ đa khoa thực hành, am hiểu về y học thực hành, y học lâm sàng, y tế dự phòng, kinh tế y tế và tâm lý người bệnh. Tất nhiên, đã học ngành y thì các bác sĩ đều được đào tạo như vậy. Nhưng riêng BSGĐ thì hiểu sâu hơn. Bởi, khi một BSGĐ bước vào điều trị bệnh nhân nào đó thì phải hiểu về kinh tế gia đình bệnh nhân, nhu cầu của người bệnh. Đôi khi đến khám cho bệnh nhân, nhưng người cần BSGĐ tác động lại không phải là bệnh nhân mà là người nhà của họ. Đồng thời phải tìm hiểu kinh tế của bệnh nhân và trong nhiều trường hợp không thể áp dụng nguyên tắc máy móc trong điều trị bệnh. Vì nhiều bệnh nhân không có năng lực để chi phí cho thuốc quá đắt, nếu không hiểu tâm lý đó mà bác sĩ cứ kê đơn, bệnh nhân sẽ bỏ điều trị và từ đó không khỏi được bệnh. Mặt khác, BSGĐ khác bác sĩ khác ở chỗ khi khám chữa bệnh cho người bệnh, bạn còn phải dành thời gian để nghe bệnh nhân nói, kể nguyện vọng, bệnh tật và BSGĐ sẽ hỗ trợ cho họ. BSGĐ sẽ phân loại bệnh tật, trường hợp nào điều trị, trường hợp nào chuyển lên tuyến trên, nhóm bệnh có nhu cầu là nhóm về nhi khoa mắc các bệnh hô hấp tiêu hóa, mùa dịch chân-tay-miệng, sởi, quai bị;... nhóm đối tượng thứ 2 bệnh lý mạn tín như huyết áp, đái tháo đường. Những người bị ung thư giai đoạn cuối không làm gì được cho về nhà. Lúc này BSGĐ là người không chỉ có vai trò chăm sóc giảm nhẹ, giảm đau phần cơ thể mà còn phải giảm đau cho bệnh nhân về tinh thần, chia sẻ, hỗ trợ họ. Bên cạnh đó, BSĐS phải tạo được lòng tin với người bệnh ở sự nhiệt tình, cần phải cho bệnh nhân biết khi họ gặp bất kỳ lý do về sức khỏe thì có thể gọi điện bất kể ngày đêm, để BSGĐ tư vấn. BSGĐ sẽ giống như người thân, người bạn của bệnh nhân. Vì vậy, tuyên truyền đểngười dân hiểu về những lợi ích của BSGĐ là một trong những yếu tố quan trọng để đưa đến thành công của mô hình này.
Bài và ảnh: Nguyễn Tuệ