Điều gây chú ý nhất trong quy định này là đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng. Nhiều ý kiến người dân cho rằng mức xử phạt như vậy là không khả thi và để áp dụng quy định cần phải có thời gian tuyên truyền để đông đảo người dân được biết.
Vấn đề ở đây được dư luận đặt ra là các cơ quan chức năng nên tuyên truyền và phổ biến đến từng hộ dân ở địa phương nơi mình quản lý để cho mỗi người dân biết và hiểu rõ vấn đề trước khi áp dụng và xử phạt. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn để người dân thực hiện việc phân loại bởi nếu không có tuyên truyền hướng dẫn mà tiến hành xử phạt sẽ gây phản ứng, đấy là chưa kể đến việc với mức phạt hành chính đến 20 triệu đồng, người dân không có tiền đóng phạt thì xử lý thế nào? Cần có chế tài cụ thể.
Trước những băn khoăn của người dân cũng như dư luận, đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết: Vấn đề xử lý rác thải đang là một trong những vấn đề cấp bách của TP. Hồ Chí Minh. Đã đến lúc thành phố cần có động thái với việc xử lý rác. Mục tiêu của thành phố không phải xử phạt để lấy tiền mà muốn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc xử phạt vi phạm về phân loại rác cũng sẽ được thực hiện theo lộ trình nhằm tạo thói quen phân loại rác tại nguồn cho người dân.
Với quan điểm này, người dân và dư luận rất ủng hộ việc chính quyền trong việc yêu cầu phân loại rác tại nguồn và cho rằng đây là một trong những việc làm đóng góp tích cực trong việc bảo vệ môi trường và vì sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, dư luận cho rằng cần có hướng dẫn về phân loại rác cũng như có lộ trình trong quá trình xử lý. Cùng với đó, dư luận cho rằng các cơ quan chức năng liên quan của thành phố cần phải xử nghiêm trước đối tượng có hành vi vứt rác bừa bãi.
Trước tiên, nên phạt thật nặng những người xả rác vô tội vạ, đó là điều cơ bản nhất và thực tế nhất phải làm hiện tại. Cần phải có chế tài xử phạt mạnh người xả rác nơi công cộng, tùy tiện dọc đường vì hiện nay, khi đi đường, nhiều người ý thức rất kém khi uống xong ly nước mía, chai nhựa nước ngọt, bao thuốc... thản nhiên vứt xuống đường, rất kém văn minh và ý thức cộng đồng.
Hiện người dân và đông đảo dư luận đang chờ đợi hiệu quả từ quy định mới của TP. Hồ Chí Minh và nếu như đáp ứng được sự mong chờ từ người dân, chuyển biến tốt thì rất có thể đây là một quy định, một mô hình nên được triển khai ở nhiều tỉnh thành, địa phương trên cả nước. Nhưng trước hết, để bảo vệ môi trường, mỗi người cần tự nâng cao ý thức của mình, hạn chế sử dụng túi nilon, hạn chế dùng đồ nhựa một lần, vứt rác đúng nơi quy định... Mỗi một hành động nhỏ sẽ giúp cho môi trường của chúng ta trong sạch hơn.