Phân biệt dạng thuốc dán xuyên da
Thuốc ở dạng băng dán xuyên da thường là băng mỏng, thường có hình chữ nhật hay hình tròn. Có hai loại, đó là loại dán lên da cho tác dụng tại chỗ chỉ có tác dụng giảm đau ở chỗ vùng dán. Còn loại thứ hai mặc dù dán lên da nhưng thuốc ngấm xuyên qua da, đi vào mạch máu, cho tác dụng toàn thân (tác dụng không khác gì thuốc uống hay tiêm).
Dạng thuốc dán thấm qua da cho tác dụng toàn thân còn được gọi là “hệ điều trị xuyên da” (transdermal therapentic system - viết tắt là TTS, sau tên thuốc của dạng thuốc này thường có chữ TTS). Sau khi dán, dược chất sẽ thấm xuyên qua da để vào tĩnh mạch dưới da, vào hệ tuần hoàn chung và cho tác dụng toàn thân. Dạng thuốc này có các ưu điểm: không làm thương tổn cơ quan tiêu hóa, không gây tai biến và bất tiện như dạng thuốc tiêm; không có sự biến đổi hấp thụ và bị gan chuyển hóa như dạng thuốc uống; có thể cung cấp dược chất liên tục mà không phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày; nếu cần ngưng ngay sự điều trị thì chỉ cần bóc miếng băng dán ra khỏi da...
Do có nhiều ưu điểm nên băng dán xuyên da hiện được dùng điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như: đau thắt ngực, phòng ngừa nhồi máu cơ tim, say tàu xe, rối loạn mãn kinh do thiếu hormon sinh dục nữ, đau nhức nặng (như ung thư giai đoạn cuối), cai nghiện thuốc lá... Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng dễ gây tai biến.
Một số loại thuốc dán xuyên da chống chỉ định với phụ nữ mang thai và trẻ em.
Các tác dụng phụ do dùng băng dán xuyên da
Vì mang tính chất như dược phẩm nên dạng thuốc băng dán xuyên da có thể cho tác dụng phụ giống như dạng thuốc uống hay tiêm. Đây là điều mà người sử dụng cần đặc biệt lưu ý. Như fentanyl TTS chứa dược chất giảm đau gây nghiện có thể gây khó thở, thở chậm, suy hô hấp. Miếng dán xuyên da chống nôn chứa scopolamin, bên cạnh tác dụng chống co thắt, chống nôn cũng đồng thời có thể gây tác dụng phụ gọi là liệt đối giao cảm (có tác động đến hệ thần kinh) làm khô miệng, táo bón, nhức đầu, lơ mơ, ói mửa, rối loạn điều tiết mắt (làm mắt nhìn mờ, hoa mắt)... Trường hợp bị tác dụng phụ phải ngưng ngay sự điều trị bằng cách bóc băng dán ra khỏi da, nếu đang dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ phải báo cho bác sĩ biết. Cũng vì nguy cơ gây tác dụng phụ mà nhiều loại băng dán xuyên da chống chỉ định với phụ nữ có thai, đang cho con bú, trẻ em (trẻ dưới 12 tuổi không dùng fentanyl TTS, trẻ dưới 8 tuổi không dùng scopoderm TTS...).
Những điều cần lưu ý khi sử dụng băng dán xuyên da
Do băng dán xuyên da là dạng thuốc đặc biệt cho tác dụng toàn thân nên ta phải thận trọng khi dùng và lưu ý những điều sau:
Tuy chứa cùng dược chất nhưng thuốc dán xuyên da của các hãng khác nhau có thể có cách sử dụng khác nhau. Vì vậy, cần tuân theo sự hướng dẫn về cách dùng như thời điểm dán, dán trong bao lâu, nơi dán, khoảng cách giữa hai lần dán, cách hủy băng dán sau khi dùng xong... để hạn chế các tác dụng phụ có thể gặp phải. Nhiều người có tâm lý dán thật nhiều thì tác dụng mới nhanh và lâu nên thường sử dụng một lúc 2, 3 miếng dán hoặc sử dụng cùng lúc với thuốc uống. Việc làm này rất phản khoa học thường gây ra những phản ứng ngược, nảy sinh các tác dụng phụ bởi khi tung ra thị trường, nhà sản xuất đã tính toán được liều lượng thuốc tốt nhất có trong miếng dán, phù hợp với thể trạng của người sử dụng. Khi dùng nhiều miếng dán cùng lúc, thuốc sẽ ngấm hết qua da, thẩm thấu vào máu với liều lượng rất cao. Khi đó người sử dụng đang ở trong tình trạng dùng thuốc quá liều, các tác dụng phụ rất khó tránh và sẽ nặng hơn, thậm chí nguy kịch vì ngộ độc thuốc.
Đặc biệt với loại miếng dán chống say xe, tuyệt đối không dùng kết hợp cả miếng dán và thuốc uống, thuốc tiêm chống say xe. Việc dùng nhiều loại thuốc cùng lúc sẽ khiến thần kinh trung ương và toàn thân bị chi phối bởi nhiều loại thuốc, tình trạng quá liều luôn thường trực, tai biến, ngộ độc do thuốc luôn cận kề, chưa kể những tương tác thuốc sẽ khiến cơ thể phải chịu những hậu quả khó lường.
Trước khi dán, vùng da đó phải được làm sạch, khô nhằm giữ miếng băng dán được lâu. Nếu miếng băng dán có nguy cơ bị rớt ra, nên dán thêm băng keo xung quanh rìa của miếng dán. Có một số loại băng dán trong khi dán thuốc vẫn có thể tắm rửa nhưng không được chà xát chỗ dán bằng xà phòng (cần xem kỹ bản hướng dẫn về điều này). Không nên dán miếng dán xuyên da ở nơi da bị kích thích hay trầy xước vì sẽ làm tăng sự thẩm thấu qua da của hoạt chất này và có thể gây ngộ độc.
Dán đúng vị trí theo sự hướng dẫn. Ví dụ, dán nitroderm TTS (trị đau thắt ngực) vào vùng da trước ngực, dán scopoderm TTS (phòng say tàu xe) vào vùng da khô sau tai 4 giờ trước khi lên xe (nếu sáng sớm ngày hôm sau khởi hành, nên dán vào đêm ngay trước khi ngủ để thuốc có đủ thời gian thấm qua da vào máu).
Về loại băng dán cho tác dụng tại chỗ cũng cần lưu ý, không nên dán vào chỗ trầy xước hoặc có vết thương, vì hoạt chất có thể thấm vào bên trong cơ thể gây hại. Ví dụ: băng dán chứa methyl salicylat, menthol, camphor, thymol... trong đó methyl salicylat nếu thấm nhiều vào máu sẽ gây độc.
Sau khi dùng, không nên bỏ miếng dán bừa bãi (nên bỏ vào thùng rác có nắp đậy kín) vì lượng thuốc còn thừa có thể gây hại cho trẻ em nếu chúng lấy dán vào da.