Giảm tuổi thọ xương khớp vì thói quen lắc, bẻ cổ
Đau mỏi vai gáy thường gặp ở nhóm người có lối sống ít vận động, làm công việc văn phòng, người lớn tuổi, cơ địa béo phì, có các vấn đề tâm lý (căng thẳng, trầm cảm, mất ngủ...), sức khỏe kém, từng bị chấn thương vùng vai gáy. Làm việc nặng, thường xuyên sử dụng các công cụ rung như máy khoan cũng gây đau mỏi.
Nhiều người có thói quen bẻ xương khớp trị bệnh cột sống, cổ vai gáy có tiếng kêu rắc rắc. Tuy nhiên, nếu tự ý áp dụng phương pháp lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến dây chằng bao khớp xung quanh bị yếu, có thể dẫn đến hư khớp.
Việc tự ý bẻ xương khớp như: khớp ngón tay, cột sống, khớp cổ… là một trong những thói quen xấu làm giảm tuổi thọ của xương khớp. Điều này khiến cho các khớp ngày càng to lên, đồng thời có thể gây ra những tổn thương như: bong gân, giãn dây chằng, trật khớp, làm sụn khớp nhanh bào mòn và đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Nếu thực hiện các động tác chữa bệnh theo phương pháp trên không phải là bác sĩ chuyên khoa, được đào tạo bài bản thì sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới sự an toàn và sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người bệnh. Vì vậy, khi gặp các vấn đề về xương khớp cần điều trị, người bệnh nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị phù hợp.
Cách chữa đau cổ vai gáy hiệu quả
Đau cổ vai gáy là tình trạng các cơn đau xuất hiện khi các cơ vùng vai gáy bị co cứng hoặc hành động quay cổ và đầu thường xuyên. Các cơn đau thường diễn ra vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy, đây là tình trạng liên quan đến hệ thống cơ xương khớp các mạch máu ở vùng vai gáy.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau cổ vai gáy thường gặp là:
- Cơ vùng cổ bị căng cứng - đây là tình trạng phổ biến nhất dẫn đến đau cổ kéo xuống vai và gáy, tình trạng này xuất hiện khi bạn ngồi sai tư thế hoặc ngồi 1 kiểu dáng quá lâu. Đặc biệt đối với những người làm việc văn phòng, thường phải ngồi nhiều trước máy tính cùng một tư thế sẽ rất dễ gặp phải hiện tượng này.
- Nằm ngủ sai tư thế khiến ngày hôm sau thức dậy cơ cổ bị căng cứng và đau nhức khó cử động sinh hoạt. Tập thể dục hoặc lao động quá mức mà không có bố trí thời gian giãn cơ hợp lý để giảm căng cứng các nhóm cơ.
- Tự bẻ cổ hoặc xoay khớp cổ để giảm cảm giác đau nhức nhưng thật ra hành động này chỉ làm tăng nguy cơ đau cổ vai gáy mà không có tác dụng giãn cơ hay giảm đau.
Hầu hết các trường hợp đau cổ vai gáy có thể cải thiện hiệu quả nếu được phát hiện, chẩn đoán kịp thời và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có nguy cơ dẫn đến tàn tật vĩnh viễn nếu triệu chứng kéo dài hoặc tiến triển nghiêm trọng.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, nhức mỏi cổ vai gáy dai dẳng còn có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh ung thư liên quan, điển hình như ung thư phổi. Do đó, ngay khi nhận thấy dấu hiệu đau nhức bất thường, người bệnh nên chủ động liên hệ sớm với bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Việc điều trị đau cổ vai gáy có nhiều phương pháp, tùy từng cá nhân có những lựa chọn phù hợp, có thể sử dụng thuốc giảm đau, giãn cơ hoặc điều trị bằng y học cổ truyền vô cùng hiệu quả.
Với phương pháp y học cổ truyền thường được dùng để điều trị đau cổ vai gáy là châm cứu giúp giãn cơ, giảm cảm giác đau mỏi, thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, đả thông kinh lạc bị ứ trệ giúp cơ thể thoải mái, cân bằng âm dương trong cơ thể giúp điều hòa cả về thể chất và tinh thần.
Cũng có thể dùng phương pháp xoa bóp bấm huyệt, tác động trực tiếp lên da, cơ, mạch máu nhằm đả thông kinh mạch, lưu thông khí huyết, giảm đau nhức và đẩy lùi hàn phong thấp, giúp cơ thể dễ chịu và thư giãn ngay sau khi trị liệu.
Xoa bóp bấm huyệt mang đến hiệu quả cao, ít rủi ro và ngay sau khi điều trị từng buổi đã có những cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên các trường hợp cơn đau dữ dội và kéo dài cần có sự chỉ định của các bác sĩ chuyên môn và kỹ thuật cao tránh nguy hại đến sức khỏe.
Để phòng ngừa tình trạng này đau cổ vai gáy chúng ta cần thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày để không ảnh hưởng đến cột sống cổ. Thường xuyên vận động, tránh ngồi làm việc liên tục trong thời gian dài (đặc biệt là làm việc với máy tính, laptop, ipad, điện thoại...).
Cần tập thể dục như đi bộ, bơi lội, đạp xe, đá bóng… giúp lưu thông khí huyết trong cơ thể và tốt cho xương khớp.
Ngoài ra, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng như sắt, canxi, vitamin A, C, tăng cường các nhóm thực phẩm chứa acid béo omega-3, trứng, các loại rau củ quả, ngũ cốc, nước trà xanh...