Ngoài những sự cố bất ngờ, còn có sự chủ quan của người lớn khi để trẻ đi lại ở những cung đường phức tạp, đông đúc hoặc chở con lưu thông trên đường không an toàn.
Đơn cử là trường hợp bé L.M.V., 9 tuổi, ở Đắk Nông. Khi đang đạp xe để đi mua sữa, bút chì trên tỉnh lộ 3, Đắc Nông thì bé bị xe container cán dù đã đi sát lề đường. Bé được đưa đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, các bó cơ rời ra, mạch máu đứt do xe đạp lẫn bánh xe công đè qua chân. Sau đó, bé chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2(Tp.HCM) trong tình trạng nhiễm trùng máu, hoại tử nặng. Dù đã cố gắng qua nhiều tháng, phẫu thuật hơn 7 lần nhưng cuối cùng các bác sĩ vẫn không thể nào giữ được chân cho bé, đành phải đoạn chi.
Một trường hợp cấp cứu tại bệnh viện Nhi đồng 2.
Một trường hợp khác là bé N.T.N, 5 tuổi, trú tại Đồng Nai. Ngày hè, bé băng đường quốc lộ sang nhà ngoại chơi thì bị xe máy tông trúng. Chân và vai bé bị gãy xương, quá trình hồi phục kéo dài. Mỗi lần tập vật lý trị liệu là một mỗi lần người nhà ngồi bên cạnh xót xa, thắt lòng khi chứng kiến con mình phải tập luyện trong đau đớn.
Mỗi năm, cả nước xảy ra hàng ngàn vụ tai nạn giao thông để lại những nỗi đau, nỗi ám ảnh khôn tả cho gia đình và nhiều hệ lụy khác. Trong đó, nhiều trẻ em đã phải chịu cảnh tật nguyền mãi mãi, sống đời thực vật, thậm chí là mất đi tính mạng khi tuổi đời còn rất nhỏ.
Phụ huynh hãy lưu ý và quan tâm khi để trẻ tự đi trên đường hoặc khi chở bé ra đường, cần quan sát cẩn thận cũng như có những biện pháp bảo vệ cho bé, tránh chở 2, chở 3, vượt đèn đỏ… Đừng để mất cảnh giác 1 giây mà ân hận cả đời vì sinh con khỏe mạnh lành lặn nhưng cuối cùng con phải chịu cảnh tật nguyền.
Cách sơ cứu khi trẻ gặp tai nạn giao thông
Theo các chuyên gia khi gặp tai nạn người nhà cần bình tĩnh, cần sơ cứu đúng cách.
- Với người bị thương nhẹ: Có biểu hiện tỉnh táo, không chảy máu, không có vết thương hở và tự đứng dậy được thì cần phải nằm nghỉ ngơi, sau đó đến cơ sở y tế kiểm tra.
- Nếu bệnh nhân bị chảy máu: Phải cầm máu tại chỗ bằng cách dùng tay hay khăn hoặc một cục bông ấn chặt vào vết thương. Động tác này rất đơn giản nhưng cầm máu hiệu quả.
- Nạn nhân tổn thương nặng ở xương: Như gãy xương, tay, chân, cổ, lưng… thì phải cố định chỗ gãy. Gãy chi trên thì nên lấy khăn làm máng treo tay, nếu là chi dưới thì phải nẹp rồi mới đưa đi bệnh viện. Trong quá trình di chuyển tránh gây chuyển động mạnh.
- Người bị thương nặng: Trong tình trạng hôn mê thì nên tiến hành sơ cứu theo lần lượt 3 bước: khai thông đường thở, phải làm bệnh nhân thở được bằng nhiều biện pháp như hà hơi, hồi sức, hô hấp nhân tạo,… kiểm tra nhịp tim, xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết rồi chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
Lưu ý quan trọng: Cần 2 – 3 người nhấc người bệnh, tuyệt đối không bế xốc bổng hay bế gập người lại, đưa đến chỗ an toàn và gọi xe cứu thương đến hoặc chuyển ngay đến bệnh viện.
Cách phòng tránh
Theo khuyến cáo của chuyên gia phòng tránh tai nạn giao thông, phụ huynh cần chú ý những vấn đề sau:
- Nói cho trẻ biết những tình huống dẫn tới tai nạn giao thông, những nguy cơ và hiểm hoạ của tai nạn giao thông đối với sức khoẻ. Giúp các em có những hiểu biết, tuân thủ các qui tắc, luật lệ về an toàn giao thông.
- Hướng dẫn trẻ cách đi lại an toàn:
Trang bị mũ bảo hiểm khi trẻ dùng xe đạp hoặc tham gia giao thông cùng với người lớn.
Ghế an toàn cho trẻ em khi đi xe đạp/máy do người khác đèo.
Thắt dây an toàn khi ngồi trên ôtô.
- Các cách phòng tránh tai nạn giao thông đường thủy chủ yếu là:
Mặc áo phao.
Không lên tàu khi tàu quá đông (không có đủ chỗ ngồi cho mỗi người).
Không chen lấn xô đẩy khi ở trên tàu, phà.
Tuyệt đối tuân theo những quy định an toàn trên tàu (không thò chân, tay… ra ngoài cửa sổ của tàu thuyền).