Thịt gác bếp là một trong những món ăn quen thuộc của người dân sinh sống ở vùng cao. Những năm gần đây, món ăn này được nhiều người dân ở các vùng miền khác ưa chuộng. Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, cứ mỗi dịp cuối năm, các cửa hàng chuyên bán đặc sản Tây Bắc hay các cá nhân kinh doanh trên mạng lại rầm rộ quảng cáo và bán các sản phẩm này.
Trên nền tảng Facebook, Tiktok, có nhiều livestream, người bán hàng quảng cáo mặt hàng thịt trâu gác bếp với giá dao động từ 300.000 - 350.000 đồng/kg, lợn gác bếp có giá từ 170.000 - 220.000 đồng/kg. Tại phần giới thiệu sản phẩm, các cửa hàng, người bán thường quảng cáo được làm bằng thịt lợn sạch, chuẩn vị Tây Bắc, lấy công làm lãi...
Nhiều mặt hàng như lạp xưởng gác bếp, lạp xưởng hun khói có giá trung bình được rao trên mạng từ 100.000 - 180.000 đồng/kg.
Tuy nhiên mức giá mà các cửa hàng, người bán online đưa ra nhận được nhiều ý kiến trái chiều bởi giá bán sản phẩm rẻ bất ngờ.
Thắc mắc về chất lượng sản phẩm, chị Thu Quỳnh (tiểu thương bán thịt trâu, bò tại chợ Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) chia sẻ, hiện nay thịt lợn thăn, nạc vai dao động từ 130.000 - 150.000 đồng/kg, giá thịt trâu khoảng hơn 260.000 đồng/kg tuỳ loại. Với giá ở nông thôn thì sẽ thấp hơn một chút so với thành thị.
Anh Tường Minh (chủ chuỗi cửa hàng bán đặc sản Tây Bắc tại Hà Nội) cho hay: "Thịt trâu gác bếp chính hiệu bao giờ cũng có giá khá cao, bởi nguyên liệu chế biến cũng rất cao. Để làm được 1kg thịt trâu gác bếp ngon, người ta cần khoảng 3 - 3,5kg thịt trâu tươi, còn chưa kể tiền nguyên liệu tẩm ướp như mắc khén, hạt dổi, ớt... và công làm. Hiện nay, giá bán trung bình 1kg thịt trâu gác bếp chính hiệu khoảng 850.000 - 900.000 đồng/kg. Để làm được 1kg thịt lợn gác bếp chuẩn phải mất từ 2,3 - 2,5kg thịt lợn nạc tươi. Giá bán trung bình 1kg thịt lợn gác bếp khoảng 350.000 đồng.
Cũng theo anh Minh, những mặt hàng thịt gác bếp có giá siêu rẻ như thế này nguyên liệu thường là không đảm bảo, được làm giả. Đối với thịt trâu gác bếp, người ta thường sử dụng thịt lợn nái bởi da lợn nái cũng dày, thịt dai nên có nét tương đồng đối với thịt trâu. Còn đối với thịt lợn gác bếp nguyên liệu sử dụng là thịt đông lạnh, hoặc thịt không rõ nguồn gốc.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, khi sử dụng thực phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dùng. Đối với những mặt hàng trâu gác bếp, lợn gác bếp chất lượng có giá bán trên thị trường khá cao, còn với những sản phẩm được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường thì chắc chắn được làm giả hoặc nguyên liệu không đảm bảo. Nguyên liệu làm thịt trâu gác bếp giả có thể là thịt lợn sề, thịt trâu chết...
Khi chế biến, họ sẽ phải dùng đến các chất phụ gia tạo hương liệu cho giống mùi của thịt trâu, mà hương liệu tự tạo sẽ là các hoá chất ít nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ của chúng ta. Hành động sử dụng hóa chất để tẩm ướp, biến thịt lợn thành thịt trâu, thịt bò cũng là một hành động coi thường sức khỏe của người tiêu dùng.
Để nhận biết thịt trâu gác bếp chuẩn, khi ăn cần dùng chày để dần mềm thịt ra, nếu là thịt trâu thì miếng thịt giãn đều ra, còn nếu là thịt lợn miếng thịt sẽ vụn hơn. Khi xé thịt, thịt trâu có màu đỏ đậm, ăn ngọt thịt hơn thịt lợn, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.