Cẩn trọng với nguy cơ phình động mạch chủ khi dùng fluoroquinolon

09-02-2021 15:59 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Mới đây, một nghiên cứu lớn tại Mỹ đã khẳng định lại mối liên hệ giữa nhóm kháng sinh fluoroquinolone (FQ) với nguy cơ gây phình động mạch chủ và gợi ý cần cập nhật thêm vào các cảnh báo an toàn hiện thời của thuốc.

Fluoroquinolon là một kháng sinh lâu đời và được sử dụng rộng rãi với nhiều chỉ định. Tuy nhiên, đi kèm với tác dụng chưa bệnh là các tác dụng phụ cần lưu tâm như nguy cơ gây đứt gân, động kinh, chóng mặt…; và một tác dụng nghiêm trọng trong số đó là gây phình động mạch, có thể dẫn tới các tai biến do nứt, vỡ động mạch.

BS. Melina Kibbe và cộng sự, Đại học Bắc Carolina, Chapel Hill, Mỹ đã thực hiện nghiên cứu trong giai đoạn 2005-2017 dựa trên đơn kê kháng sinh của các bệnh nhân từ 18-64 tuổi. Nhóm nghiên cứu ghi nhận được tổng cộng 47 triệu đơn thuốc kháng sinh trong đó 19% (9 triệu đơn) có chứa kháng sinh FQ.

Phình động mạch chủ - tác dụng phụ của fluoroquinolonPhình động mạch chủ - tác dụng phụ của fluoroquinolon.

Kết quả phân tích sơ bộ cho thấy tần suất có chẩn đoán phình động mạch chủ mới trong 90 ngày của nhóm FQ là cao hơn so với các nhóm kháng sinh khác (7.5 so với 4.6 ca/1000 đơn kê). Ngoài ra, phân tích dựa trên yếu tố nhân khẩu học (tuổi, giới) và tình trạng bệnh cho thấy FQ làm tăng 20% tần suất phình động mạch, chủ yếu là: Phình động mạch chủ bụng, phình động mạch vùng chậu và các động mạch ở ổ bụng khác. Các đối tượng này cũng có nhiều nguy cơ phải thực hiện can thiệp động mạch hơn. Kết quả này nhất quán với tất cả các bệnh nhân từ 35 tuổi trở lên, bất kể giới tính hay tình trạng bệnh khác.

BS Melina cho biết, cơ quan quản lý dược phẩm-thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cần bổ sung thêm các cảnh báo lên vỏ các thuốc kháng sinh fluoroquinolone. Cụ thể là không chỉ giới hạn cảnh báo với các bệnh nhân có nguy cơ phình động mạch chủ (khuyến cáo từ tháng 12/2018) mà nên mở rộng ra mọi đối tượng bệnh nhân trên 35 tuổi.


DS Nguyễn Thanh Bình
Ý kiến của bạn