Hà Nội

Cẩn trọng với lời mời chào giao dịch ảo, hoa hồng cao

18-04-2022 17:34 | Pháp luật
google news

SKĐS - Lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, trên mạng internet đã xuất hiện nhiều website lôi kéo người dùng mạng xã hội tham gia giao dịch ảo. Đi kèm theo với lời quảng cáo là những cam kết chỉ sau vài thao tác, ngồi tại nhà để giao dịch sẽ nhận lại vốn kèm hoa hồng cao.

Thực tế, nhiều nạn nhân đã "sập bẫy" lừa đảo với số tiền lên tới cả tỉ đồng.

Mất tiền tỉ vì tham gia giao dịch ảo, hưởng hoa hồng cao

Ông T.V.T (Hà Nội) cho biết, vào cuối tháng 2/2022, ông đã được giới thiệu về trang web: target.tmall28.cn. Theo đó, trang web này tổ chức kinh doanh theo hình thức "ship hàng thu cod" (thanh toán khi nhận hàng) cho bán hàng online.  Ông T.V.T. được trả hoa hồng từ 0,5 - 0,9% giá trị đơn hàng.

Giao diện trang web mà ông T.V.T đã tham gia giao dịch ảo và bị lừa hơn 1 tỉ đồng.

Giao diện trang web mà ông T.V.T đã tham gia giao dịch ảo và bị lừa hơn 1 tỉ đồng.

Tham gia vào hình thức kinh doanh này, ông T.V.T phải đầu tư vốn trước để nhập hàng. Sau đó thao tác trên trang web để chuyển hàng cho người mua và nhận lại tiền hoa hồng cho mỗi đơn hàng.

Ngày 2/3, ông T.V.T nộp 5 triệu đồng vào một tài khoản mang tên Phan Thi Kim Tram để thử thực hiện đơn hàng. Sau khi hoàn thành, ông T. đã rút thành công được 100 USD.

Tiếp đó, ngày 3/3, ông T.V.T tiếp tục nộp vào 350 triệu cho nhiệm vụ chuyển 80 đơn hàng. Tuy nhiên, khi thực hiện giao dịch được một nửa số đơn thì gặp đơn hàng có giá trị cao hơn số vốn đã nộp. Trao đổi với bộ phận chăm sóc khách hàng của trang web, ông T. được cho biết để hoàn thành đơn hàng giá trị cao buộc người dùng phải tăng vốn.

Không chút nghi ngờ, ông T. tiếp tục nộp thêm vào tài khoản của trang web số tiền là 250 triệu đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện đến đơn hàng thứ 78/80, ông T. lại gặp đơn hàng giá trị lớn. Lần này, ông T. được yêu cầu phải nộp 500 triệu để hoàn thành. Ông T. đã thực hiện việc nộp tiền như yêu cầu nhưng sau khi hoàn thành toàn bộ 80 đơn hàng thì hệ thống rút tiền lại thông báo trạng thái "không được duyệt".

Liên hệ về vấn đề này, ông T.V.T được cho biết, với số tiền trên 1 tỉ đồng, số tiền thuế phải nộp sẽ là 263 triệu đồng. Đến thời điểm này, ông T. vẫn chấp nhận nộp 263 triệu đồng để rút được toàn bộ số tiền về.

Tuy nhiên, sau lần nộp thuế này, chủ trang web đã liên tục trì hoãn. Cùng đó, đưa ra các lý do và đề nghị như: đóng thêm các khoản chậm nộp thuế (hơn 150 triệu đồng); Do không thể trả bằng USD, nếu muốn rút bằng tiền VND thì phải nộp thêm 70 triệu… Đến đây, ông T.V.T. mới nhận ra mình bị lừa và có đơn đề nghị cơ quan chức năng làm rõ hành vi lừa đảo của trang web trên.

Một ứng dụng lôi kéo người tham gia thực hiện các giao dịch ảo để hưởng hoa hồng.

Một ứng dụng lôi kéo người tham gia thực hiện các giao dịch ảo để hưởng hoa hồng.

Một trường hợp khác là anh Đào T. (Minh Khai, Hà Nội) cho biết đã bị lừa khi tham gia đặt các đơn hàng ảo trên một sàn thương mại điện tử để nhận hoa hồng. Thực hiện công việc này, anh Đào. T.  được gửi cho một đường link. Đường link này là một sản phẩm có sẵn giá tiền.

Anh T.  phải click vào đường link, sau đó chuyển số tiền ghi sẵn trong đó vào một số tài khoản khác. Sau khi chuyển tiền, trong khoảng 3-5 phút, anh T. sẽ được hoàn lại tiền, bao gồm tiền gốc và tiền hoa hồng (từ 5-10-12% tùy món hàng).

Anh Đào. T. cho biết đã thực hiện liên tục được 10 đơn đầu và đều được rút hết tiền (gốc và hoa hồng). Tuy nhiên đến đơn thứ 11 thì anh T. bắt đầu gặp "sự cố". 

Liên hệ với người đã trao đổi trước đó, anh T. được yêu cầu nộp thêm tiền để thực hiện các đơn hàng tiếp theo mới rút được tiền. Hy vọng lấy lại được cả vốn lẫn hoa hồng, anh T đã nộp tổng cộng hơn 80 triệu đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ không thể rút được tiền mà vẫn liên tục bị yêu cầu nộp thêm tiền, anh T. mới nhận ra mình bị lừa và quyết định dừng lại.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, các ứng dụng, trang web lừa đảo đang "nở rộ" trong thời gian gần đây. Do phải trải qua một thời gian dài dịch bệnh COVID-19 khó khăn nên đã thu hút được nhiều người tham gia với mong muốn kiếm tiền dễ dàng. Người dân cần cảnh giác với những website, ứng dụng cam kết mang lại lợi nhuận cao bất thường.

Liên quan đến phương thức lừa đảo này, Công an TP Hà Nội nhận định, thủ đoạn của các đối tượng thường là mạo danh nhân viên của công ty thương mại điện tử, đăng tải thông tin quảng cáo tìm cộng tác viên bán hàng online trên mạng xã hội.

Các đối tượng yêu cầu cộng tác viên phải thanh toán đơn hàng trước, sau đó sẽ nhận lại được tiền gốc cộng thêm phần trăm được chiết khấu. Tuy nhiên, chỉ một vài lần đầu nhận được tiền hoàn lại như cam kết. Thực tế đã có rất nhiều cộng tác viên bị lừa và không thể nhận lại được tiền. Hiện cơ quan công an đang tiến hành điều tra để nhanh chóng xử lý các đối tượng này theo quy định của pháp luật.

Các ứng dụng, trang web lừa đảo đang "nở rộ" trong thời gian gần đây. Do phải trải qua một thời gian dài dịch bệnh khó khăn nên đã thu hút được nhiều người tham gia với mong muốn kiếm tiền dễ dàng. Người dân cần cảnh giác với những website, ứng dụng cam kết mang lại lợi nhuận cao bất thường.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết

Tiết lộ bất ngờ lý lịch ít biết của bà Phương Hằng, liên quan đến đàn em trùm Năm Cam?


H.P
Ý kiến của bạn