Cảnh giác với hàng hóa không rõ xuất xứ
Vì cả tin, ham rẻ, nhiều người dân đã mua phải hàng rởm, hàng không rõ xuất xứ thông quan mạng hoặc người bán dạo trên thị trường. Hàng về sử dụng chất lượng không như mong muốn
Bà Mỹ Ng. ở Nha Trang (Khánh Hòa) từng mua một số thực phẩm chức năng kém chất lượng qua mạng cho biết: Tôi đặt hàng qua Zalo, hoàn toàn không biết địa chỉ người bán ở đâu. Giao hàng xong khi sử dụng biết sản phẩm kém chất lượng liên lạc lại thì không được. Vậy nên mọi người tiêu dùng hãy cảnh giác khi mua hàng trôi nổi trên thị trường.
Không chỉ mua phải hàng hóa kém chất lượng, có người còn bị lừa đảo khi mua thực phẩm qua mạng. Điển hình như mới đây, Công an Khánh Hòa đã khởi tố, bắt giam đối tượng Đào Thị Trang về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thông qua tài khoản Zalo, Facebook, Trang thiết lập tài khoản có tên "Thực phẩm đông lạnh XNK", "Thảo đông lạnh" sau đó dụ khách hàng vào mua. Bằng nhiều thủ đoạn như: Tạo ra các hóa đơn, phiếu xuất kho…cùng hình ảnh các mặt hàng đông lạnh đảm bảo chất lượng, giá cực rẻ được Trang chụp gửi cho khách hàng. Sau khi lôi kéo khách hàng mua qua mạng, chuyển tiền xong, Trang liền tắt điện thoại, cắt liên lạc.
Với các chiêu trò tinh vi của Trang, ông Lê Thanh B (trú TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã sập bẫy. Ông B chuyển tiền cho Trang để mua khối lượng lớn thịt trâu nhưng không nhận được hàng hóa. Sau khi nhận được trình báo, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an Khánh Hòa đã nhanh chóng truy bắt được Đào Thị Trang.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa
Để ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng, không đảm bảo an toàn dịp cuối năm, lực lượng quản lý thị trường nhiều địa phương ở Nam Trung Bộ đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát.
Theo Cục Quản lý thị trường Phú Yên, hàng hóa kém chất lượng sẽ ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Những ngày cuối tháng 12/2021, sau nhiều ngày theo dõi mật phục, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Phú Yên) đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Phú Yên) tổ chức dừng và khám phương tiện ô tô tải, biển kiểm soát 89H–002.81 do ông Nguyễn Văn Trọng (Ngọc Long, Yên Mỹ, Hưng Yên) điều khiển theo hướng Bắc - Nam.
Kết quả khám phương tiện, Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 11.500 hộp thực phẩm chức năng; 665 hộp mỹ phẩm, 90 bình giữ nhiệt, 400 hộp răng giả bằng nhựa, 268 kg vải, quần áo đã qua sử dụng và nhiều thiết bị, đồ dùng khác với tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định. Lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Cục Quản lý thị trường Khánh Hòa cũng đã triển khai mạnh mẽ việc kiểm soát hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Điển hình như những ngày cuối tháng 12/2021 đã kiểm tra hộ kinh doanh tại 319 Trần Quý Cáp (Ninh Hòa, Khánh Hòa) phát hiện cơ sở kinh doanh này bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Lực lượng chức năng đã tạm giữ hàng hóa gồm dăm bông 140 kg, bơ béo 20 kg.
Trong những ngày áp Tết, lực lượng quản lý thị trường các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến buôn bán hàng hóa không đảm bảo chất lượng, nhất là các thực phẩm sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Xem thêm video được quan tâm
Vụ “Dì ghẻ”: Người cha máu lạnh có thể đối mặt với mức án bao nhiêu năm tù?