Vài năm gần đây, kính áp tròng đã trở nên phổ biến, nhưng nếu người dùng thiếu hiểu biết khi sử dụng, có thể dẫn đến một số biến chứng.
Kính áp tròng đã được biết đến và sử dụng ngày càng nhiều ở Việt Nam do tính tiện lợi, thẩm mỹ, đem lại chất lượng hình ảnh tốt cùng một số ứng dụng trong điều trị mà nó mang lại. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng kính áp tròng hoặc sử dụng, vệ sinh, bảo quản kính không đúng cách hoặc thông số kính không phù hợp với tình trạng mắt của từng người thì có thể dẫn đến một số biến chứng. Dưới đây là những biến chứng thường gặp nhất có thể gặp khi đeo kính áp tròng:
Nhiễm trùng
Đây là biến chứng thường gặp nhất và trong những trường hợp nặng có thể đe dọa ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. Tác nhân gây ra nhiễm trùng có thể là vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng (đặc biệt là amip). Nguyên nhân dẫn đến biến chứng này là do việc sử dụng, bảo quản kính không đảm bảo vệ sinh dẫn đến sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh và trên lâm sàng có thể gặp nhiều mức độ bệnh như: viêm kết mạc, viêm/ loét giác mạc... Biểu hiện của nhiễm trùng bao gồm đỏ mắt, kích thích, cộm chói, ra dử mắt, nặng hơn nữa có thể thấy đau nhức, nhìn mờ nhiều. Bệnh nhân sẽ phải ngừng đeo kính áp tròng hoàn toàn trong thời gian bị bệnh, cần phải được thăm khám, theo dõi sát và điều trị bằng các thuốc đặc hiệu tùy theo từng tác nhân gây bệnh (kháng sinh, chống nấm...).
Khô mắt
Khi đeo kính áp tròng sẽ ảnh hưởng đến việc luân chuyển, trao đổi lớp phim nước mắt ở giữa kính và bề mặt giác mạc. Đặc biệt là với kính áp tròng mềm, do có tỷ lệ ngậm nước nhất định nên sẽ ảnh hưởng nhiều hơn tới lớp phim nước mắt và có thể gây khô mắt nếu đeo thường xuyên, kéo dài. Bệnh nhân sẽ có những biểu hiện như cộm rát, cảm giác dị vật, chói mắt, chảy nước mắt. Đối với những người sử dụng kính áp tròng nên tra thêm các loại nước mắt nhân tạo do các bác sĩ nhãn khoa thăm khám, tư vấn lựa chọn loại thuốc phù hợp với loại kính áp tròng đang đeo. Khi đã có biểu hiện khô mắt nhẹ thì cần đổi sang các loại kính áp tròng làm bằng vật liệu khác (kính áp tròng cứng hoặc kính áp tròng mềm có độ ngậm nước thấp) và giảm thời gian đeo kính, bổ sung thêm nước mắt nhân tạo.
Đeo kính áp tròng cần có sự tư vấn của bác sĩ.
Dị ứng
Một số người có thể bị dị ứng với một thành phần nào đó trong vật liệu làm kính hoặc trong dung dịch ngâm rửa, bảo quản kính áp tròng. Biểu hiện của dị ứng bao gồm mắt đỏ, sưng nề, cộm ngứa, đôi khi có cảm giác bỏng rát. Khi có những biểu hiện này, bệnh nhân cần tới thăm khám bác sĩ chuyên khoa mắt, xác định nguyên nhân gây ra dị ứng để thay đổi loại kính hoặc loại dung dịch bảo quản kính, có thể sử dụng thuốc chống dị ứng nếu cần thiết.
Tổn thương do tác động cơ học
Những tổn thương này có thể gây ra do những tác động bên ngoài khi đeo tháo kính (tay chọc vào, móng tay dài chạm vào), hay gặp ở những người đeo kính áp tròng cứng do kính không còn nguyên vẹn (rìa kính bị khuyết, nham nhở hình răng cưa) hoặc thông số kính không phù hợp nên tì đè vào giác mạc nhiều. Biểu hiện là mắt cộm đỏ, kích thích, chảy nước mắt nhiều. Khi thăm khám sẽ thấy trầy, xước giác mạc hoặc tổn thương biểu mô dạng chấm ở những trường hợp nhẹ. Những người đeo kính áp tròng luôn phải cắt ngắn móng tay, được hướng dẫn thao tác đeo tháo kính đúng cách, cần thay kính áp tròng khác khi kính không còn nguyên vẹn hoặc thông số không phù hợp.
Thiếu ôxy giác mạc
Khi đeo kính áp tròng có hệ số thấm khí thấp, không đảm bảo và đeo thời gian dài, nhất là đeo trong lúc ngủ có thể dẫn đến thiếu ôxy cung cấp cho giác mạc. Biểu hiện chủ quan của biến chứng này rất nghèo nàn, chỉ xuất hiện nhìn mờ khi đã ở giai đoạn nặng, khi thăm khám sẽ thấy giác mạc có nhiều tân mạch, thậm chí bị phù. Trong trường hợp này, bệnh nhân phải ngừng sử dụng kính áp tròng hoặc đổi sang kính áp tròng cứng thấm khí, có thể phải điều trị bằng thuốc corticoid hoặc phẫu thuật với những trường hợp tân mạch giác mạc nhiều.
Lời khuyên của thầy thuốc
Trên đây là những biến chứng thường gặp nhất khi đeo kính áp tròng, nguyên nhân, biểu hiện, cách phòng tránh và xử trí. Trước khi sử dụng kính áp tròng, nên đến các cơ sở chuyên khoa để được tư vấn, thăm khám, lựa chọn loại kính phù hợp, đồng thời hướng dẫn cách đeo tháo, vệ sinh, bảo quản kính đúng cách nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất những biến chứng do việc đeo kính áp tròng mang lại. Khi có những biểu hiện bất thường như đỏ mắt, ra dử mắt, đau nhức, kích thích, nhìn mờ thì cần ngừng đeo kính áp tròng ngay và đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt để có hướng xử trí đúng đắn.